31/07/2019 - 09:20

“Ăn cắp quen tay”… 

Các vụ án trộm cắp tài sản đưa ra xét xử phúc thẩm thời gian gần đây, đa số các bị cáo từng có tiền án hoặc tiền sự cùng tội danh này. Đến lúc đối diện với sự trừng phạt của pháp luật, ai cũng tìm lý do để biện bạch cho động cơ phạm tội, xin được hưởng khoan hồng, nhưng không được xem xét. Bởi suy cho cùng, mấu chốt vấn đề vẫn là do lòng tham, lười lao động, biết sai vẫn làm nên các bị cáo phải lãnh hậu quả do mình gây ra.  

Bị cáo Trần Thị Đông khóc nức nở khi đợi tòa tuyên án.

Bị cáo Trần Thị Đông khóc nức nở khi đợi tòa tuyên án.

TAND TP Cần Thơ vừa xử phúc thẩm vụ án trộm cắp tài sản với nhiều tình tiết khá đặc biệt. Bị cáo Trần Thị Đông (42 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long), không nghề nghiệp. Để có tiền tiêu xài, ban đêm, Đông lén lút bán dâm cho khách. Buổi tối cuối tháng 11-2018, khi đợi khách trên tuyến đường ở quận Ninh Kiều, Đông gặp anh K., cả hai thỏa thuận giá mua bán dâm, rồi cùng nhau đi thuê phòng. Trong lúc anh K. lấy tiền đưa cho Đông, thấy tiền trong bóp rớt ra, Đông giả vờ ôm ấp, trò chuyện, đánh lạc hướng, lượm tờ 500.000 đồng giấu vào túi. Khi anh K. nhờ đi mua thuốc, Đông đi luôn, không quay lại. Đợi lâu không thấy, kiểm tra bóp tiền thì thấy mất 500.000 đồng, anh K. ra ngoài tìm thì gặp Đông đang đi bộ ở vỉa hè nên giữ lại và báo công an.

Tháng 5-2019, TAND quận Ninh Kiều xử phạt Đông 6 tháng tù giam, bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo. Đây không phải lần đầu tiên Đông phạm tội. Đầu năm 2014, Đông bị TAND tỉnh Vĩnh Long xử phạt 6 năm tù tội mua bán trái phép chất ma túy; tháng 2- 2018, bị UBND phường An Khánh (quận Ninh Kiều) xử phạt 1,5 triệu đồng hành vi trộm cắp tài sản.  Đông không sửa đổi, tiếp tục tái phạm. Tại tòa, Đông khóc, trình bày: “Gia đình bị cáo rất khó khăn, đông con, cha mẹ già yếu, bị cáo là lao động chính, nếu vào tù, người thân biết dựa vào đâu. Xin cho bị cáo được ở ngoài đi làm kiếm tiền nuôi con, bị cáo hứa sẽ sống tốt”. Theo HĐXX, Đông có nhân thân xấu, có tiền án chưa được xóa án tích, cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ, Đông không cung cấp được tình tiết mới, nên tòa bác kháng cáo. Giá như biết kiềm chế bản thân, kiếm tiền chân chính, không tham lam của người khác thì bị cáo đâu vướng vào vòng lao lý như hôm nay!

Nguyễn Văn Sang bị tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù tội trộm cắp tài sản.

Nguyễn Văn Sang bị tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù tội trộm cắp tài sản.

Giữa tháng 7-2019, TAND TP Cần Thơ cũng đã đưa ra xét xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù tội trộm cắp tài sản đối với Nguyễn Văn Sang (24 tuổi, ngụ huyện Cờ Đỏ).

Cha mất sớm, Sang nghỉ học, vào đời mưu sinh. Nhưng Sang không lo làm ăn mà kết giao bạn xấu, chỉ thích đánh nhau, trộm cắp. Lý lịch của Sang là vết trượt dài, bỏ ngoài tai những lời khuyên nhủ của mẹ. Năm 2014, Sang bị TAND huyện Cờ Đỏ phạt tù 6 tháng tội cố ý gây thương tích; năm 2015, bị TAND huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang) phạt 18 tháng tù tội trộm cắp tài sản; năm 2016, tiếp tục bị TAND huyện Cờ Đỏ xử phạt 3 năm tù tội trộm cắp, vừa chấp hành xong hình phạt vào tháng 9-2018; đến đầu năm 2019, Sang lại tái phạm.

Chiều 25-1-2019, trên đường đi làm về, anh T. (ngụ huyện Thới Lai)  kiểm tra camera trên điện thoại di động thì phát hiện có người lạ đột nhập vào nhà. Nghi là trộm nên anh T. liên lạc với hàng xóm cùng nhau vây bắt được Sang, báo công an xử lý. Sang khai trên đường đi tìm tài sản trộm, ngang qua nhà anh T., thấy đóng cửa rào. Biết không có người ở nhà nên Sang lẻn vào, lấy được chiếc điện thoại (trị giá khoảng 1,5 triệu đồng).  Khi Sang đang tìm cách trèo ra bên ngoài để bỏ trốn thì bị bắt.

Cuối tháng 4-2019, TAND huyện Thới Lai tuyên phạt Sang 30 tháng tù tội trộm cắp, Sang kháng cáo xin giảm án với lý do đi làm đỡ đần gia đình, lo cơm nước cho mẹ. HĐXX chất vấn: “Bị cáo có sức khỏe, sao không làm ăn lương thiện mà lại đi trộm cắp? Bị cáo có biết đó hành vi sai trái, sẽ bị pháp luật trừng trị không? Nếu có hiếu với mẹ sao để tới 3 tiền án?”. Sang bối rối cúi đầu, không trả lời được. HĐXX nhận định, dù giá trị tài sản bị cáo trộm chưa đủ ở mức xử lý hình sự nhưng bị cáo phạm tội khi đã bị kết án về cùng tội này mà chưa được xóa án tích, thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm nên cần thiết phải cách ly một thời gian dài để cải sửa, quyết định tuyên y án.

Chỉ vì lười lao động, tham lợi bất chính, một lần nữa Sang lại tự hủy hoại tương lai của mình trong vòng tù tội, gây bao khổ lụy cho người mẹ bất hạnh chưa từng được con phụng dưỡng. Mong rằng bản án nghiêm minh này sẽ giúp Sang nhìn nhận lại lỗi lầm, sửa đổi bản thân, không còn “ngựa quen đường cũ”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết