Thời gian qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ được duy trì và phát triển khá tốt, giúp tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân. Song, sản xuất nông nghiệp vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, dịch bệnh; chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường còn hạn chế. Ngành nông nghiệp cần có giải pháp, tạo đột phá để nâng cao hơn nữa thu nhập cho nông dân và phát triển bền vững.
Nhiều thách thức
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, năm qua dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp nỗ lực vượt khó và đạt được các kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, tổng sản phẩm (GRDP) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có mức tăng trưởng 1,07% so với năm 2016 và giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 12.734,93 tỉ đồng, đạt 100,15% kế hoạch. Những kết quả tích cực của kinh tế thành phố và của ngành nông nghiệp sẽ tạo động lực và tiền đề thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và nông thôn năm 2018. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn biến phức tạp tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và sản xuất theo kiểu nông hộ, nhỏ lẻ… tiếp tục là những khó khăn, thách thức lớn. Điều này, đòi hỏi vừa phải có những giải pháp ứng phó kịp thời, vừa có chiến lược lâu dài và nỗ lực lớn của toàn ngành mới thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Sản xuất hoa kiểng tại Hợp tác xã hoa kiểng Bình An ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy.
Năm 2018, ngành nông nghiệp thành phố đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) khu vực nông nghiệp, thủy sản từ 0,45-0,54% và đạt giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản hơn mức 12.769 tỉ đồng. Đối với cây trồng chủ lực là lúa, phấn đấu đạt diện tích sản xuất lúa cả năm 216.930 ha, với tổng sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn. Sản xuất rau màu và đậu các loại với diện tích 11.200 ha, sản lượng 120.700 tấn. Cây công nghiệp hằng năm là 5.240 ha, với sản lượng 4.659 tấn. Cây ăn quả 17.150 ha với sản lượng 98.500 tấn. Diện tích nuôi thủy sản 8.500 ha, với sản lượng nuôi đạt 198.000 tấn. Tổng đàn heo đạt 130.000 con và đàn gia cầm 2 triệu con, với sản lượng thịt hơi các loại đạt 37.000 tấn. Đối với công tác xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay…
Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển
Trong điều kiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp và tác động của BĐKH ngày càng tăng, đòi hỏi ngành nông nghiệp thành phố phải quan tâm hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi một cách phù hợp để vừa thích ứng, vừa nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích. Đồng thời, cần hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản để tạo ra những đột phá mới về năng suất, chất lượng và phát triển được đa dạng các sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Dù diện tích đất sản xuất không tăng nhưng thu nhập của nông dân trên địa bàn huyện được nâng lên rất đáng kể nhờ huyện đã tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái gắn với phát triển du lịch. Nhiều nông dân trồng cây ăn trái hiện thu nhập mỗi năm từ 200-400 triệu đồng/ha, cao rất nhiều lần so với làm lúa. Để nâng cao hiệu quả vườn trái cây, tới đây ngoài việc tiếp tục gắn với du lịch, huyện cũng hỗ trợ, thúc đẩy nông dân liên kết, xây dựng các vùng sản xuất trái cây chuyên canh tập trung, quy mô từ 30 ha trở lên, được sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, đáp ứng các nhu cầu cấp cao của thị trường...”.
Phát huy vai trò của các hợp tác xã và kinh tế tập thể nói chung được xem là một hướng đi rất quan trọng nhằm tạo đột phá phát triển cho ngành nông nghiệp thời gian tới. Bởi chỉ khi nào nông dân đẩy mạnh liên kết với nhau và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và các bên liên quan trong các chuỗi giá trị sản xuất mới ổn định được đầu ra sản phẩm và có điều kiện đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Theo bà Trần Thị Thiện Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, mức sống và thu nhập của nông dân tại thành phố hiện tăng so với trước là một tín hiệu vui. Nhưng nhìn chung, nhiều nông dân vẫn còn gặp khó do sản xuất nhỏ lẻ, giá đầu vào cao, chất lượng sản phẩm không đồng nhất và thiếu tính cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, các cấp, các ngành chức năng cần tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích nông dân đẩy mạnh liên kết, thành lập các hợp tác xã và tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để được cung cấp vật tư đầu vào có chất lượng đảm bảo với giá cả hợp lý và được bao tiêu đầu ra. Hội Nông dân thành phố cũng đã và đang tích cực có các hoạt động hỗ trợ và kết nối giữa các hợp tác xã và doanh nghiệp để giúp nông dân phát triển sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cũng chỉ rõ, cần phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với tình hình mới, trong đó cần mạnh dạn chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng vật nuôi khác hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp thành phố và chính quyền các địa phương cần phải định hướng nông dân chuyển đổi theo các quy hoạch và kế hoạch để đảm bảo về đầu ra và phát triển sản xuất bền vững. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cần tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương và thành phố về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp đô thị. Tiếp tục hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Quan tâm thúc đẩy phát triển các cơ sở hạ tầng và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hỗ trợ nông dân củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã để tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Năm 2018, ngành nông nghiệp thành phố đã xác định nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần tập trung thực hiện để thúc đẩy phát triển ngành. Cụ thể như: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương để tích cực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Quyết tâm cơ cấu lại sản xuất, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng BĐKH. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BĐKH, từng bước chuyển đổi nhận thức và tập quán sản xuất của nông dân trong điều kiện mới. Tăng cường công tác dự báo để định hướng cho người sản xuất, đảm bảo năng suất, chất lượng cao. Tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân gắn với từng bước chuyển dịch lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác. Quan tâm xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và thực hiện liên kết vùng, tiểu vùng. Coi trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ...
Bài, ảnh: Khánh Trung