Đến ấp Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh hỏi thăm ông Huỳnh Thanh Bình (tên thường gọi Tư Bình), ai cũng biết tiếng, bởi ông gặt hái nhiều thành công từ mô hình nuôi cá tra tại địa phương. 14 năm gắn bó với con cá tra, ông đã trở thành tỉ phú, với thu nhập hơn 3 tỉ đồng/năm. Với những thành tích đạt được, ông Tư Bình được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn là một trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018”.
Với diện tích 5ha, ông Tư Bình nuôi cá tra gia công và cho lợi nhuận hơn 3 tỉ đồng/năm.
Gia nhập lực lượng vũ trang từ năm 1973, năm 2004 ông Tư Bình về hưu và bén duyên với con cá tra. Ông nhớ lại, năm 2004, sau khi nghỉ hưu, với 60 triệu đồng ban đầu, ông đã cải tạo ao và nuôi cá tra trên diện tích 8000m2. Việc làm ăn thuận lợi, vụ đầu tiên, ông thu nhập trên 400 triệu đồng. Thấy mô hình nuôi cá tra hiệu quả, ông Bình tiếp tục cải tạo ao nuôi và gắn bó với con cá tra từ đó, với 5ha ao nuôi, thu nhập hàng tỉ đồng/năm.
Nói về kỹ thuật nuôi cá tra, ông Tư Bình chia sẻ: “Ngoài tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá tra do các ngành tổ chức, tôi “tầm sư” học hỏi nhiều nông dân ở các tỉnh lân cận. Sau đó, tôi vận dụng các kiến thức, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để nuôi cá đạt năng suất cao. Tôi liên kết và ký hợp đồng với một số doanh nghiệp để được bao tiêu sản phẩm. Do vậy, tôi rất an tâm đầu ra, chỉ tập trung sản xuất đúng quy trình kỹ thuật”. Để tiết kiệm chi phí đầu vào, ông Tư Bình ký hợp đồng mua thức ăn từ đại lý cấp I, không qua nhiều trung gian, giá thành thấp hơn so với thị trường. Nhờ chi phí sản xuất thấp, ông luôn có lời cao trong mỗi vụ thu hoạch.
Theo ông Tư Bình, nuôi cá tra có lúc thăng, lúc trầm. Giai đoạn từ 2004 -2007, nói đến con cá tra, ngay cả những đại gia ở ĐBSCL cũng lắc đầu ngao ngán, vì thua lỗ, phải bán đất trả nợ. Thế nhưng, gần đây nghề nuôi cá tra đã “lên ngôi” trở lại. Từ năm 2010 đến nay, ông Tư Bình chọn hình thức nuôi gia công cho các doanh nghiệp để hạn chế rủi ro. Nuôi gia công, người nuôi có diện tích ao nuôi, đầu tư con giống, công chăm sóc; doanh nghiệp cung cấp thức ăn và bao tiêu sản phẩm. Sau khi xuất bán, doanh nghiệp sẽ trả tiền công cho người nuôi từ 5.000-10.000 đồng/kg. Ông Tư Bình nói: “Ngày xưa ít người nuôi, muốn bán đâu cũng được. Bây giờ, diện tích tăng lên quá nhiều, nếu nuôi không có địa chỉ đầu ra, dễ “phá sản”. Nuôi gia công, mình chỉ lo nuôi tốt, cá lớn nhanh...”.
Không chỉ nuôi cá tra giỏi, ông Tư Bình rất nhạy bén trong kinh doanh. Năm 2017, ông Tư Bình mở cửa hàng vật tư nông nghiệp phục vụ theo hình thức trả chậm. Trung bình, 1 năm cửa hàng mang lại cho ông thu nhập trên 300 triệu đồng. Không những thế, năm 2009 ông vận động người dân thành lập Hợp tác xã Thắng lợi do ông làm giám đốc. Đến nay, Hợp tác xã có 12 thành viên tham gia với diện tích khoảng 20ha. Trung bình, mỗi thành viên nuôi cá tra đều có lợi nhuận từ 400 đến hàng tỉ đồng/năm...
Chị Nguyễn Thị Thúy Hoa, Chủ tịch HND xã Vĩnh Bình cho biết: “Ngoài mô hình nuôi cá tra hiệu quả, chú Tư Bình còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, với mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng và giải quyết được khoảng 70 lao động thời vụ với thu nhập từ 400.000-500.000 đồng/ngày từ việc vận chuyển thức ăn, cá tra thương phẩm. Bên cạnh đó, chú Tư Bình là mạnh thường quân tiêu biểu của địa phương trong phong trào xây dựng hạ tầng giao thông. Chú còn đóng góp từ 80 -90 triệu đồng/năm để làm công tác an sinh xã hội ở địa phương”.
Bài, ảnh: Thanh Thư