19/11/2009 - 08:14

Ổn định vùng mía nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long

Yêu cầu bức thiết !

Mía nguyên liệu là sự sống còn của nhà máy đường, vì vậy việc ổn định vùng trồng mía là yêu cầu hàng đầu. Tuy nhiên, chưa có niên vụ mía nào lại gặp quá nhiều khó khăn như năm nay. Hiện tại, tất cả các nhà máy đường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải khẩn trương để xây dựng vùng nguyên liệu cho niên vụ 2010 – 2011. Theo đó, ngay lúc này các nhà máy đã và đang xây dựng nhiều chính sách mới trong việc đầu tư và bao tiêu nguyên liệu mía để nông dân yên tâm cùng nhà máy đường phát triển vùng nguyên liệu…

* GIÁ MÍA TĂNG TỪNG NGÀY

Nông dân Sóc Trăng thu hoạch mía trong niềm phấn khởi vì bán được giá cao.  Ảnh: THANH TÂM 

Tại vùng mía nguyên liệu huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, giá mía mua tại ruộng từ 830-850 đồng/kg. Mấy ngày qua, giá mía tăng cao, thương lái các nơi đổ về mua mía làm sốt giá do vùng mía này đã thu hoạch gần 70% diện tích trong tổng số trên 3.500ha. Ông Lê Văn Đáng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mỹ Tú, cho biết: “Hiện nay, ở 2 xã Long Hưng và Hưng Phú mía có chất lượng khá đã được tiêu thụ hết, thương lái mua luôn mía xô nguyên đám ở các xã Mỹ Phước, Mỹ Thuận dù mía vùng này còn non, chưa đạt 10 chữ đường. Nhiều nông dân không vội bán còn chờ giá tăng thêm do năm nay lũ thấp hơn nên có thể “neo” lại. Với giá này, nông dân lời trên 50 triệu đồng/ha”.

Riêng 1.500ha mía của huyện Long Phú mới vào đầu vụ đã xôn xao vì giá tăng cao. Ông Cao Văn Thẹn ở xã Long Phú, huyện Long Phú, vừa bán 1ha mía với giá 850 đồng/kg, phấn khởi cho biết: “Thương lái tìm mua mía ráo riết, thấy đám mía nào tốt là mua, trả tiền liền chứ không cần phải xem có đạt chữ đường. Nhiều hộ chưa vội bán mía chờ giá tăng thêm vì vùng này không bị lũ, năng suất, chất lượng mía cao hơn”.

Hiện Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng mua mía tại nhà máy tăng thêm 200 đồng/kg, lên 870 đồng/kg. Với giá mía này, công ty hoạt động rất khó khăn nhưng vẫn phải mua để duy trì sản xuất của nhà máy.

Nguyên nhân giá mía tăng cao do các vùng nguyên liệu mía của ĐBSCL vẫn chưa có sự phân bổ rạch ròi, còn chồng lấn lên nhau nên thường xảy ra tình trạng nhà máy của tỉnh này đến tỉnh khác để thu mua thêm nguyên liệu làm đảo lộn thị trường khu vực. Đây là vấn đề phát sinh nhiều năm nay làm cho vùng nguyên liệu mía trong khu vực luôn biến động. Tại hội nghị ngành mía đường ĐBSCL vào đầu vụ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng yêu cầu Ban Điều hành Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Tiểu vùng ĐBSCL và các nhà máy đường cần ngồi lại với nhau để phân bổ lại vùng nguyên liệu cụ thể cho từng nhà máy nhằm tránh hiện tượng tranh mua, tranh bán. Thế nhưng vào vụ mía chuyện tranh mua, tranh bán lại tái diễn vì doanh nghiệp nào cũng vì quyền lợi của mình.

* NHIỀU CHÍNH SÁCH MỚI CHO NGƯỜI TRỒNG MÍA

Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó giám đốc Công ty Mía đường Trà Vinh, nói: “Không phải đến khi thiếu mía nguyên liệu, Công ty mới tính đến chuyện đầu tư xây dựng mà ngay từ buổi đầu về Trà Cú xây dựng nhà máy thì việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu được công ty đặt lên hàng đầu. Từ việc bỏ ngỏ đầu tư nên nông dân không mặn mà với việc trồng mía, từ đó dẫn đến tình trạng nguyên liệu mía cho niên vụ này bị thiếu trầm trọng”.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu và công tác thống kê, dự báo thị trường của các tỉnh thiếu chính xác dẫn đến ảnh hưởng vấn đề sản xuất không chỉ của nông dân mà còn kéo nhà máy rơi vào cảnh khó khăn. Để giải quyết khó khăn hiện nay, trước mắt, ngay đầu vụ này, công ty đưa ra chính sách đầu tư cho người trồng mía theo phương thức đầu tư hiện vật gồm: phân hữu cơ vi sinh, phân hóa học, thuốc xử lý đất, thuốc BVTV... và một phần tiền mặt. Theo đó, nông dân ký hợp đồng trồng mới hoàn toàn diện tích mía được Công ty đầu tư 17 triệu đồng/ha; Mía lưu gốc 9 triệu đồng/ha; nông dân tự túc đầu tư nếu ký hợp đồng cam kết bán mía và trả nợ đầu tư đầy đủ cho Công ty thì được công ty cho vay từ 5 triệu đồng/ha trở xuống và theo đó giá bao tiêu niêm vụ 2010 – 2011 là 600 đồng/kg (mía 10 CCS). Ngoài ra, công ty có thêm chính sách hỗ trợ 1,2 triệu đồng/ha không thu hồi đối với các hộ chuyển đổi đất trồng cây khác sang trồng mía bằng các giống mới chín sớm và thu hoạch bán cho nhà máy. Đối với đất đã trồng mía chuyển sang cây trồng khác từ 1 – 3 năm nay quay trở lại trồng mía có ký hợp đồng với công ty được hỗ trợ 300.000 đồng/ha; từ 3 – 4 năm được hỗ trợ 500.000 đồng/ha; từ 4 – 5 năm được hỗ trợ 700.000 đồng/ha; từ 5 – 6 năm được hỗ trợ 900.000 đồng/ha; từ 6 năm trở lên được hưởng mức hỗ trợ theo chính sách của công ty.

Đối với việc nông dân ký hợp đồng và bán mía trực tiếp qua các trạm thuộc vùng nguyên liệu đạt 90% sản lượng/hợp đồng của nông dân ký được công ty hỗ trợ 10.000 đồng/tấn mía sạch; đối với các hộ dân hợp đồng trồng mía chín trung bình và muộn sẽ được công ty hỗ trợ 5.000 đồng/tấn mía sạch; các hộ hợp đồng trồng mía theo mô hình thâm canh, mía giống cho công ty sẽ được hưởng chính sách chung và được hỗ trợ mỗi ha mía là 2 tấn phân vi sinh. Về giống, các hộ dân hợp đồng trồng các giống: ROC16, QĐ93 – 159, VĐ 79 – 177, VĐ00236, ROC27, QĐ21, QĐ24, QĐ26, Phúc Nông và một số giống chín sớm được công ty thu mua cao hơn các giống khác cùng thời điểm 10.000 đồng/tấn. Những nông dân trồng mía giống mới từ nguồn giống công ty nhập về được giảm 30% giá giống... Trong thực tế, niên vụ 2008 – 2009 đang diễn ra và ở Trà Vinh hiện có 530 ha mía nằm trong chương trình đầu tư, bao tiêu trực tiếp với công ty đang được hưởng lợi và lợi nhuận rất cao, trên 70 triệu đồng/ha.

Còn ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Mía đường Bến Tre, cho hay: Công ty đã đưa ra nhiều chính sách để tăng diện tích mía của tỉnh, vì theo thống kê của Công ty diện tích thực của tỉnh Bến Tre hiện còn khoảng 4.000 ha. Với diện tích này nếu không tập trung đầu tư phát triển thì nguyên liệu mía về lâu dài sẽ thiếu trầm trọng. Hiện tại, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre đang trình UBND tỉnh quy hoạch 4.300 ha vùng mía nguyên liệu. Theo đó, Công ty Mía đường cùng phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy. Chính sách đầu tư nguyên liệu của công ty là: Đất mới chuyển sang trồng mía sẽ được được công ty đầu tư 20 triệu đồng/ha; thay đổi giống mới hoàn toàn trên đất đang trồng mía được đầu tư 14 triệu đồng/ha; 10 triệu đồng/ha cho nông dân chăm sóc mía. Để tránh tình trạng người dân sử dụng vốn không đúng mục đích, công ty sẽ giải ngân thành 2 đợt và lãi suất sẽ được áp dụng theo lãi suất ngân hàng.

Đối với phương thức bao tiêu, đất mới chuyển sang trồng mía, khi thu hoạch bán mía cho công ty đạt được 90% sản lượng theo hợp đồng, công ty thưởng thêm cho nông dân 5.000 đồng/tấn, đồng thời còn được hỗ trợ 50% lãi suất trên tổng vốn công ty đầu tư. Khi nông dân thay đổi giống mới và chăm sóc, bán đạt 90% sản lượng hợp đồng sẽ được thưởng 5.000 đồng/tấn. Theo kế hoạch niên vụ 2010 – 2011 Công ty Mía đường Bến Tre đầu tư 1.700 ha đất trồng mía, nguồn vốn 22,4 tỉ đồng sẵn sàng đầu tư cho nông dân, phương thức thu hồi vốn đối với đất mới trồng mía sẽ thu hồi trong 3 năm và mỗi năm vẫn được tái đầu tư. Đối với mía trồng mới trên đất đã trồng mía và mía chăm sóc thì công ty thu hồi sau mỗi vụ.

TÂM-PHONG

Chia sẻ bài viết