24/05/2017 - 15:04

Quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm

Y tế cơ sở tham gia cung cấp dịch vụ

Bệnh không lây nhiễm (BKLN) đang có xu thế gia tăng, trong khi việc phòng, tránh, phát hiện bệnh này còn nhiều hạn chế, phần lớn các ca bệnh khi đưa đến các cơ sở y tế thì đã muộn… Từ thực tế đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ Việt Nam triển khai mô hình y tế cơ sở quản lý, điều trị BKLN.

Nguy cơ cao

Theo Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, các BKLN phổ biến và nguy hiểm là: tim mạch, ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, các rối loạn tâm thần. BKLN có xu thế ngày càng tăng do các yếu tố nguy cơ hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn ít rau và trái cây, ăn nhiều muối, đường, thiếu hoạt động thể lực cộng với các yếu tố ô nhiễm môi trường, di truyền…Việc phát hiện, quản lý các bệnh này còn nhiều "khoảng trống", cứ 10 người bị tăng huyết áp, chỉ có 4 người biết mình mắc bệnh và 1 người được điều trị; trong 10 người mắc bệnh đái tháo đường, có 3 người biết và được điều trị. Chính vì thế theo thống kê của ngành y tế, 10 người tử vong do tất cả các nguyên nhân thì có 7 người chết do BKLN.

Chuyên gia của WHO tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế cơ sở triển khai mô hình.

Công tác phòng, chống BKLN gặp nhiều khó khăn do ngân sách chỉ đáp ứng 20-25% nhu cầu thiết yếu về truyền thông, dự phòng, phát hiện sớm. Cụ thể chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn ngân sách chủ yếu cho hoạt động này bị cắt giảm nhiều và liên tục. Nguồn bảo hiểm y tế chỉ chi khám và điều trị. Nguồn viện trợ chủ yếu cho hoạt động nghiên cứu, xây dựng tài liệu, hội thảo, mô hình thí điểm. Bên cạnh đó, phần lớn bệnh nhân thường lên tuyến trên điều trị, gây quá tải cho bệnh viện tuyến Trung ương và người bệnh phải gánh chịu chi phí đi lại, ăn ở. Theo Tiến sĩ Trương Đình Bắc, các BKLN trước đây do các bệnh viện chuyên khoa điều trị và quản lý, bệnh viện (BV) không "với" xuống y tế cơ sở. Hiện nay, việc phòng, chống BKLN đẩy mạnh hướng tiếp cận y tế công cộng, có sự tham gia của y tế dự phòng, y tế cơ sở nhiều hơn. Bệnh viện thực hiện chức năng chẩn đoán và điều trị các ca nặng; các ca nhẹ chuyển về y tế cơ sở để tiếp tục điều trị, quản lý và tư vấn dùng thuốc, sinh hoạt, dinh dưỡng suốt đời. Dự kiến tháng 6-2017, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn dự phòng, phát hiện sớm và quản lý BKLN ở y tế cơ sở.

Theo ông Lokki Wai, Trưởng Văn phòng đại diện WHO tại Việt Nam, gần đây, ở Việt Nam có sự thay đổi lớn về mô hình bệnh tật. Bệnh lây nhiễm giảm số ca mắc, số tử vong, trong khi BKLN, đặc biệt các rối loạn tâm thần tăng lên. Việt Nam chưa đáp ứng hiệu quả tình hình thay đổi mô hình bệnh tật này. BV tuyến trên quá tải, trong khi y tế cơ sở, đặc biệt các trạm y tế, lượng bệnh đến khám giảm xuống do trạm không đủ năng lực cung cấp dịch vụ các BKLN. Hệ quả bệnh phát hiện muộn, tỷ lệ tử vong cao. Từ trực trạng trên, năm 2016, WHO hỗ trợ triển khai mô hình quản lý BKLN tại tỉnh Hà Nam, đạt nhiều kết quả khả quan. Từ đó, mô hình được nhân rộng tại TP Cần Thơ và tỉnh Quảng Nam.

Y tế cơ sở quản lý, điều trị BKLN

Tại TP Cần Thơ, năm nay mô hình triển khai ở phường Long Tuyền và phường Thới An Đông (quận Bình Thủy); xã Thới Xuân và xã Trung An (huyện Cờ Đỏ). Năm 2018, mở rộng đến phường: An Thới, Bình Thủy và Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy) và thị trấn Cờ Đỏ, xã Đông Thắng, xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ).

Vừa qua, các trung tâm y tế huyện và trạm y tế của TP Cần Thơ có triển khai mô hình được chuyên gia WHO và Bệnh viện Lão khoa Trung ương tập huấn về: tổng quan bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường; quản lý bệnh; làm bệnh án ngoại trú; các loại thuốc thông thường điều trị; thực hành khám bệnh; hướng dẫn và thực hành xét nghiệm đường máu mao mạch; truyền thông tại cộng đồng; tư vấn tuân thủ điều trị, chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý, hoạt động thể lực… Theo Tiến sĩ Trương Đình Bắc, để thực hiện thành công mô hình, cần kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực y tế cơ sở; phối hợp liên ngành trong tuyên truyền, vận động phòng, tránh BKLN và tháo gỡ khó khăn bảo hiểm y tế; đưa dịch vụ, thuốc điều trị gần dân hơn. Với dự án này, WHO hỗ trợ kỹ thuật triển khai các hoạt động và TP Cần Thơ sẽ là mô hình để các tỉnh ĐBSCL học hỏi kinh nghiệm.

Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, mô hình này giúp người dân phát hiện sớm BKLN, theo dõi điều trị liên tục, giảm biến chứng và tử vong cũng như quá tải tuyến trên. Sở Y tế cam kết tạo thuận lợi để dự án đạt mục tiêu và nhân rộng mô hình.

Bài, ảnh: H.Hoa

Mô hình y tế cơ sở quản lý, điều trị BKLN:

- Trạm Y tế: chẩn đoán tăng huyết áp đơn thuần, điều trị duy trì theo hướng dẫn tuyến trên; điều trị những trường hợp đái tháo đường, tăng huyết áp phức tạp đã được tuyến trên chẩn đoán (có thể được điều trị ổn định); trang bị đầy đủ thuốc thiết yếu cho tăng huyết áp và đái tháo đường; thực hiện các xét nghiệm nhanh: đường máu, mỡ máu mao mạch, albumin và protein định tính.

- Trung tâm Y tế: chẩn đoán xác định đái tháo đường, chẩn đoán và điều trị các ca bệnh phức tạp, điều trị tuyến dưới không đạt mục tiêu và đánh giá hiệu quả điều trị.

- WHO cung cấp hướng dẫn quản lý lồng ghép tăng huyết áp và đái tháo đường tại Trạm Y tế; cẩm nang cho y tế ấp, khu vực; tờ rơi, máy đo đường huyết (1 máy/ trạm y tế; 2 máy dự phòng; 500 que thử đường huyết/trạm y tế).

Chia sẻ bài viết