15/07/2022 - 21:10

Y tế Cần Thơ nâng cao năng lực chuyển đổi số 

Trên địa bàn TP Cần Thơ, các bệnh viện (BV) từ tuyến thành phố đến cơ sở, trong khả năng nguồn lực hiện có, đều nỗ lực ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin, thúc đẩy tiến trình xây dựng nền y tế thông minh. Tuy nhiên, ngành Y tế thành phố đang đối mặt với rất nhiều thách thức, cần sự trợ lực từ nhiều phía để đạt được mục tiêu chuyển đổi số.

Nỗ lực nhưng vẫn khó

Nhiều khách hàng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại BV Phụ sản TP Cần Thơ.

Nhiều khách hàng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại BV Phụ sản TP Cần Thơ.

Từ khi BV Phụ sản TP Cần Thơ thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đã không ngừng phát triển, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như chỉ số thu hút bệnh nhân. BV liên tục triển khai nhiều dịch vụ hướng đến mục tiêu an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân. Tại Khoa hỗ trợ sinh sản, bệnh nhân đến khám lần đầu sẽ được đăng ký thông tin và dấu vân tay vào hệ thống. Công cụ nhận diện người bệnh bằng dấu vân tay đạt hiệu quả chính xác, đồng thời giúp bác sĩ có đầy đủ lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân đã được lưu trữ. BV còn triển khai nhiều phần mềm giúp vận hành hiệu quả quy trình khám chữa bệnh, mở nhiều kênh tương tác, khảo sát sự hài lòng của bệnh nhân, triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt và hóa đơn điện tử... Tính đến tháng 6-2022, có hơn 500 lượt bệnh nhân tiếp cận dịch vụ qua thẻ liên kết của BV, với số tiền thanh toán trên 500 triệu đồng.

BS Phạm Thị Thanh Thoảng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, năm 2022, BV tiếp tục phát triển nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa để người dân kịp thời được tư vấn thăm khám, điều trị, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của BV. Ngoài ra, BV sẽ cập nhật, cải tiến phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của BV đạt mức 6. 

Mặc dù có nguồn lực mạnh, nhưng BV Phụ sản thành phố vẫn gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. Theo lãnh đạo BV, kinh phí chi cho chuyển đổi số khá lớn, các đơn vị khó có thể đầu tư phần mềm và cơ sở hạ tầng trong khi giá thu dịch vụ chưa có ứng dụng công nghệ thông tin. Hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác hiệu quả tài nguyên. Về nhân lực, BV thiếu nguồn lực nội bộ để ứng dụng chuyển đổi số, không chuyên sâu về y tế. 

Tuyến huyện cũng gặp thách thức tương tự. BS CKI Đỗ Thị Lệ Nhu, Phó Giám đốc BV Đa khoa quận Thốt Nốt, cho biết: BV chỉ có 3 cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, với 3 máy chủ nhưng 1 máy hư, 2 cái còn lại đều sử dụng 5-10 năm. Hệ thống máy vi tính ở các khoa phòng một số hư, phần lớn đều sử dụng trên 10 năm. BV đã đề ra định hướng giai đoạn 2022-2025, thực hiện các hạng mục hoàn thiện website, triển khai đặt lịch khám qua đường dây nóng, tư vấn khám bệnh từ xa, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, nâng cấp máy chủ với chi phí dự toán từng giai đoạn trên dưới 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, kinh phí lớn luôn luôn là vấn đề nan giải đối với y tế cơ sở.

Còn tại quận Cái Răng, việc ứng dụng công nghệ thông tin khám chữa bệnh khá thấp, hệ thống thông tin còn phân tán, tách rời và chưa tích hợp. Các Trạm Y tế chưa thực hiện được bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe người dân trong phần mềm theo mô hình bác sĩ gia đình, không kết nối được với các phần mềm khác làm phát sinh thêm công việc nhập liệu, quản lý, kinh phí. Trong khi đó, Trung tâm Y tế quận chỉ có duy nhất một kỹ sư công nghệ thông tin còn Trạm Y tế thì không có nhân sự phụ trách công nghệ.

Cần trợ lực để chuyển đổi số

Theo các chuyên gia, việc xây dựng được nền tảng hệ thống y tế thông minh cần tập trung nghiên cứu và triển khai 10 nhóm ứng dụng theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể là, hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý BV (HIS); triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm (LIS); hệ thống lưu trữ, luân chuyển hình ảnh (PACS) và quản lý thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS); tích hợp các hệ thống: kết nối các dữ liệu từ HIS, LIS, PACS/RIS cho từng hồ sơ bệnh nhân; xây dựng bệnh án điện tử; ứng dụng các công nghệ nhận dạng mới như: mã vạch, điện thoại thông minh, giọng nói, khuôn mặt, vân tay; ứng dụng các thuật toán, phần mềm trí tuệ nhân tạo vào hoạt động chẩn đoán và điều trị; xây dựng ứng dụng tương tác với người bệnh; đảm bảo an toàn thông tin. Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế đề ra lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn từ năm 2019-2023: các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Từ năm 2024-2028: Tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. 

Song, việc chuyển đổi số trong hệ thống BV đang là vấn đề nan giải. BV Đa khoa TP Cần Thơ dù đã xây dựng đề án chuyển đổi số trong quý III-2022, mục tiêu đến cuối năm 2023, hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin BV, từng bước triển khai bệnh án điện tử. Nhưng lãnh đạo BV Đa khoa TP Cần Thơ cho biết,  BV còn gặp khó rất nhiều, như: hệ thống mạng LAN chậm, không ổn định. Thiết bị lưu trữ chưa đầy đủ; camera an ninh BV xuống cấp và khuyết nhiều vị trí. Hệ thống các máy chủ còn thiếu, phòng server không đạt chuẩn. Hệ thống quản lý thông tin BV chỉ đạt mức 3, tiệm cận mức 4 trong khi yêu cầu của Bộ Y tế phải đạt mức 7. Hệ thống HIS tích hợp kết nối với các hệ thống thông tin khác, tuy nhiên tốc độ xử lý chậm, dễ ảnh hưởng đến treo hệ thống. Hệ thống PACS đã xuống cấp cần thay thế hoặc nâng cấp...

Đề án “Xây dựng Y tế thông minh, trọng tâm là Y tế cộng đồng giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn TP Cần Thơ đề ra mục tiêu đến năm 2025 khoảng 80% cơ sở khám chữa bệnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện tư vấn khám chữa bệnh từ xa… Để đạt mục tiêu này, BV Phụ sản thành phố đề xuất Bộ Y tế có cơ cấu giá thu viện phí bao gồm chi phí công nghệ thông tin; xây dựng một hệ thống dữ liệu chung để các cơ sở khám chữa bệnh có thể liên kết, đồng bộ dữ liệu. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và đầu tư về bảo mật hệ thống, đạt mức 6. Trung tâm Y tế quận Cái Răng cũng đề xuất, ngành Y tế sử dụng một hệ thống phần mềm duy nhất để giảm phát sinh lỗi không tương thích giữa các phần mềm, chia sẻ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, chuyên môn khám chữa bệnh, y tế dự phòng… 

BS Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho rằng, hạn chế về nhân lực và vật lực là khó khăn chung của ngành Y tế hiện nay trong công tác chuyển đổi số. Mỗi BV phải đánh giá lại thực trạng, tự thân nỗ lực trước hết và có đề xuất giải pháp cụ thể, khó ở đâu và cần giúp gì để gỡ khó. Từ đó Sở Y tế xem xét, cùng với các sở, ngành liên quan đề xuất, trình cấp trên có những chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời để ngành Y tế thực hiện chuyển đổi số kịp thời với những mục tiêu đề ra.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết