30/07/2021 - 09:18

Xuôi dòng Chắc Băng 

“Hết dịch COVID-19 sẽ làm một chuyến du lịch cho đã đời!”, nhiều người vẫn nói với nhau như vậy trong những ngày giãn cách xã hội. Ngày đó sẽ không xa, tin là như vậy. Và bạn sẽ đi đâu: lên rừng, xuống biển, chu du những cung đèo hay thả lòng nơi thảo nguyên mênh mông... Những ai thích khám phá miền Tây sông nước, chuyến trải nghiệm sau đây hẳn sẽ là gợi ý thú vị.

Phủ thờ Bác Hồ ở kinh Bảy, từ kinh xáng Chắc Băng rẽ vào.

Ðó là hành trình ngồi trên vỏ lãi, xuồng máy, xuôi dòng Chắc Băng huyền thoại để cảm nhận nét dân dã, thơ mộng của miền Tây sông nước.

Chắc Băng là kênh xáng, được đào từ thời Pháp thuộc, dài hơn 40 cây số, như một “đòn gánh” giữa hai đầu là sông Cái Lớn (thuộc huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) và sông Trèm Trẹm (hay còn gọi là sông Trẹm, thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Con kinh xáng thẳng băng, hai bên bờ là những dãy nhà lẩn khuất bên những dạt dừa nước xanh ngút ngàn. Có nhiều cách để lý giải tên gọi Chắc Băng, từ từ nguyên học đến địa hình, giai thoại. Trong đó, người dân nơi đây vẫn quen thuộc với giai thoại rằng: Xưa kia, trong hành trình bôn tẩu nhà Tây Sơn, Chúa Nguyễn Ánh cùng gia quyến và tùy tùng đã từng chọn nơi này làm chốn trú thân. Không may, Nguyễn Ánh lâm bệnh nặng, tưởng chừng không qua khỏi nên ông mới nói rằng: “Trẫm chắc băng hà”. May sao, nhờ một thầy thuốc ở Thới Bình thôn cứu chữa nên Nguyễn Ánh qua cơn bạo bệnh. Về sau, người ta nhớ câu nói của ông nên đặt tên cho con kinh này là Chắc Băng Hà hay kinh Chắc Băng.

Ðiểm đầu tiên thu hút du khách là những ngôi chợ dọc dòng kinh ngày. Có nhiều chợ lớn, nhỏ nhưng đáng kể nhất phải kể đến 4 chợ: Chắc Băng (hay còn gọi là chợ Vàm, do đây là ngọn Vàm Chắc Băng), Vĩnh Thuận, Huyện Sử và Thới Bình. Chợ Vàm có một điểm thu mua tôm của nông dân rất lớn, tấp nập từ sáng tới trưa. Chợ Huyện Sử, Thới Bình cũng rất sầm uất vì là nơi giao thương của bà con các xã lân cận, chạy dọc theo kinh xáng. Ðặc sản ở đây là tôm, cua và cá từ sông, vuông tôm, ấn tượng nhất là cá rô phi. Những chú cá rô phi trắng phau, nặng hơn 1kg, ú tròn rất hấp dẫn. Giá bán ở các chợ này rất rẻ, do chủ yếu bán cho dân địa phương bà con bán theo kiểu “tự sản tự tiêu”.

Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến chợ Vĩnh Thuận. Ngoài chợ trên bờ còn có chợ nổi Vĩnh Thuận, được xếp vào tốp đầu những ngôi chợ nổi sầm uất ở miền Tây. Chợ nổi Vĩnh Thuận nhóm trên kinh xáng Chắc Băng, chủ yếu bán sỉ nông sản, bỏ mối cho bà con đi bán bằng xuồng, vỏ lãi dọc miệt Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu... Do người dân vùng này chủ yếu sống bằng kinh, rạch, thường xa chợ nên hoạt động này còn nhiều, chợ nổi Vĩnh Thuận vì vậy còn hoạt động sôi động.

Ðến chợ Thới Bình, bạn hãy tìm đến dãy phố cổ rất đẹp ở trung tâm huyện Thới Bình. Những mái ngói rêu phong, san sát cứ như một Hội An thu nhỏ giữa vùng sông nước. Có một giai thoại được lan truyền rằng con gái Thới Bình, xưa gọi là Thới Bình thôn, đẹp lắm, do là các cung tần mỹ nữ của Nguyễn Ánh trong thời hành trình bôn tẩu đã chọn nơi này làm nơi dừng chân, lập nghiệp.

Kinh xáng Chắc Băng.

Có lần ghé ngã tư Huyện Sử, điểm giao nhau giữa kinh Chắc Băng, kinh Chùa và kinh Kiểm, gần chợ Huyện Sử, được ăn món mắm lóc chưng mà tôi nhớ hoài. Cá lóc đồng cỡ vừa, chừng nửa cườm tay người lớn đem làm mắm, màu tự nhiên ửng đỏ, sực nức mùi thơm phát thèm. Người Thới Bình có cách chao đường, ủ mắm gia truyền, ăn không quá mặn và cũng không ngọt. Mắm lóc khi chưng ra, lấy đũa chạm vào và kéo lên đã có dòng nhựa mắm sền sệt kéo theo, đó mới là mắm hảo hạng. Ngoài ra, mắm cá rô phi ở đây cũng là món ngon niềm nhớ cho những ai “lỡ một lần chạm đũa”.

Trên hành trình xuôi dòng Chắc Băng, đến cầu Kinh Bảy, bạn dành thời gian ghé vào đây, chạy chừng 5 phút xuồng máy sẽ đến Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ thờ Bác Hồ (thuộc xã Trí Lực, huyện Thới Bình). Nơi đây, bạn sẽ được nghe người trông coi là ông Sáu Tâm kể chuyện về lịch sử ngôi phủ thờ, về cây vú sữa miền Nam gửi tặng Bác Hồ trong chuyến tập kết năm xưa, chuyện về dòng Chắc Băng đã chở che, nuôi nấng biết bao chiến sĩ, anh hùng, danh nhân trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc...

Xuôi dòng Chắc Băng, đó là một hành trình về quê, về miền sông nước, về với điều dân dã thấy thương của miệt châu thổ.

Nếu có thời gian, sau khi khám phá Chắc Băng, bạn có thể khám phá thêm Cà Mau với các điểm đến như Vườn Quốc gia U Minh Hạ, TP Cà Mau, Hòn Đá Bạc, bãi Khai Long hay xa hơn nữa là Cái Đôi Vàm, Đất Mũi...

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết