16/09/2022 - 09:46

Phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân TP Cần Thơ trong tiến trình CNH-HĐH

Xung kích, đổi mới, vững tin hội nhập
Bài 1: Tiên phong, gương mẫu đi đầu 

MINH HUYỀN - MỸ THANH

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị khóa XI "Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế" (NQ số 09-NQ/TW), số lượng và quy mô doanh nghiệp (DN), đội ngũ doanh nhân của TP Cần Thơ không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Trước biến động thị trường, áp lực cạnh tranh gay gắt và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đòi hỏi đội ngũ DN, doanh nhân thành phố phải linh hoạt chuyển mình, thay đổi.

Bài 1Tiên phong, gương mẫu đi đầu

Với các giải pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đội ngũ DN, doanh nhân thành phố không ngừng nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đóng góp vào hành trình xây dựng và phát triển tại mỗi DN, bên cạnh vai trò quyết định của lãnh đạo DN còn có lực lượng công nhân, người lao động. Nhất là khi gặp phải khó khăn, thách thức, tinh thần cống hiến vì tập thể, vì sự phát triển DN của mỗi cá nhân càng được thể hiện rõ nét hơn.

Anh Huỳnh Minh Chánh, phụ trách bộ phận cơ điện Công ty CP May Tây Đô (bìa phải) thực hiện kiểm tra quy trình vận hành chuyền hanger của xưởng may áo sơ mi. Ảnh: MINH HUYỀN

* Những điển hình tiên tiến

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh bất lợi do biến động thị trường, chi phí đầu vào tăng cao, anh Huỳnh Minh Chánh, phụ trách bộ phận cơ điện đồng thời là đảng viên của Chi bộ văn phòng trực thuộc Đảng bộ Công ty CP May Tây Đô, luôn trăn trở làm thế nào để phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm tiết giảm chi phí, làm lợi cho công ty. Với quyết tâm này, từ năm 2012, anh Chánh đã thiết kế bộ van điện đóng/mở tự động cho khu vực khí nén trung tâm giúp tiết giảm điện năng tiêu thụ ở các xưởng may, không cần phải cử nhân viên trực đóng/mở van khí nén. Sáng kiến này giúp tiết kiệm tiền điện cho Công ty khoảng 15,6 triệu đồng/tháng. Đến năm 2018, máy ép keo của Công ty hư làm đình trệ chuyền may của xí nghiệp sơ mi, nếu đặt hàng máy mới thay thế, thời gian chờ lên đến 45 ngày. Anh tiếp tục nghiên cứu thiết kế màn hình điều khiển cho máy ép keo, nhờ đó máy vận hành trở lại, công ty tiết kiệm được khoảng 2.200USD, nhưng quan trọng nhất là các đơn hàng xuất khẩu không bị gián đoạn… Năm 2022, anh Chánh là một trong hai đảng viên tiêu biểu của Đảng bộ Công ty CP May Tây Đô vinh dự nhận được bằng khen của UBND thành phố về sáng kiến cải tiến trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Giai đoạn dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát từ năm 2019 cũng là thời điểm Công ty TNHH Kwong Lung - Meko tăng công suất hoạt động, nhập khẩu 5 máy phân loại lông vũ dùng làm nguyên liệu cho áo jacket. Trước đó, có 3 máy được đội ngũ chuyên gia từ Trung Quốc sang lắp ráp, song do dịch bùng phát nên đến 2 máy còn lại chuyên gia không thể sang được. Nếu máy không lắp ráp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ, khả năng vận hành, không đáp ứng nhu cầu sản xuất của công ty. Trong tình huống ấy, anh Lê Đăng Tế, Tổ trưởng kỹ thuật xưởng 1, đã nhận nhiệm vụ từ Ban Giám đốc nghiên cứu lắp ráp máy. Mỗi máy phân loại lông vũ có thiết kế tương đương 1 tòa nhà cao 3-4 tầng, độ cao từ 14,9m-16m, dài 11m, rộng 4,4m. Do bảng vẽ không thể hiện được hết các chi tiết máy, các kết cấu bên trong, nên anh Tế vừa phải nghiên cứu lắp ráp đúng thiết kế vừa phải cải tiến thêm một số chi tiết, linh kiện còn thiếu (do ảnh hưởng dịch không thể nhập khẩu) sao cho phù hợp, đảm bảo yêu cầu vận hành. Miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, anh Tế đã dẫn dắt đội ngũ kỹ thuật lắp ráp thành công 2 máy chỉ sau 6 tháng. Nhờ đó Xưởng 1 tăng công suất hoạt động đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Anh Tế chia sẻ: "Tôi làm việc tại công ty đến nay đã 22 năm và được vinh dự kết nạp Đảng vào năm 2014. Dù là công nhân kỹ thuật hay tổ trưởng xưởng cơ khí tôi đều cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình. Đặc biệt là càng ý thức hơn về vai trò trách nhiệm của một người đảng viên, gương mẫu đi đầu trong công việc để anh em công nhân, kỹ thuật làm theo".

Dù ở vị trí nào, những đảng viên, công nhân, người lao động hay người đứng đầu DN luôn học hỏi, tìm tòi, phát huy ý chí, sức sáng tạo. Những giọt mồ hôi thầm lặng, những tấm gương bình dị, đời thường trong mỗi DN là những đóng góp vô cùng đáng quý trên hành trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của thành phố.

Anh Lê Đăng Tế, Tổ trưởng kỹ thuật xưởng 1, Công ty TNHH Kwong Lung - Meko vận hành máy phân loại lông vũ. Ảnh: MINH HUYỀN

* Hết lòng vì lợi ích chung

Những giai đoạn khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, vai trò của tổ chức đảng trong DN càng được thể hiện rõ nét. Đồng chí Lê Thành Dũng, Phó Giám đốc, Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Kwong Lung - Meko, cho biết: Là DN FDI, Chi bộ Công ty thành lập từ năm 1990, hiện có 11 đảng viên, có cán bộ quản lý, tổ trưởng, quản đốc, công nhân… Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vào quý III-2021, công ty chủ trương sản xuất theo "3 tại chỗ". Chi bộ họp các đảng viên để quán triệt quan điểm vững vàng cùng công ty duy trì hoạt động sản xuất tại Xưởng 1. Với 100% đảng viên tình nguyện tiên phong ở lại công ty đã tạo niềm tin để toàn bộ công nhân phân xưởng 1 đồng lòng thực hiện “3 tại chỗ” và duy trì suốt gần 4 tháng. Nhờ đó đến cuối năm phân xưởng đảm bảo được các đơn hàng đã ký kết, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và giữ vững thu nhập cho người lao động. Đồng chí Lê Thành Dũng chia sẻ: "Hoạt động của Chi bộ gắn kết với hoạt động của tổ chức Công đoàn DN. Chi bộ lãnh đạo nâng chất hoạt động Công đoàn để chăm lo cho người lao động, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong lực lượng công nhân để cùng hăng say tham gia lao động. Đồng thời, quyết liệt bảo vệ quyền lợi hợp pháp, các chế độ, chính sách cho công nhân".

Những công nhân miệt mài bên chuyền sản xuất thép cuộn tại Công ty Thép Tây Đô. Ảnh: Tuấn Hùng

Trong 2 năm dịch COVID-19 hoành hành, Công ty Thép Tây Đô nổi lên như một điểm sáng trong việc vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh song song với phòng, chống dịch. Ông Đào Duy Tuấn Hùng, Bí thư Đảng ủy Công ty Thép Tây Đô, thông tin: Những năm qua, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt "mục tiêu kép" nên Thép Tây Đô vẫn đảm bảo đầy đủ chế độ tiền lương, thưởng Tết cho người lao động không thấp hơn những năm trước. Không chỉ vậy, công ty còn đầu tư các dự án mới (dự án luyện; đầu tư, cải tạo, nâng công suất cán thép) và thực hiện đổi mới mô hình quản trị DN. Trong 6 tháng đầu năm 2022, công ty sản xuất ra 44.500 tấn thép, đạt 55,6% kế hoạch năm.

* * *

Phát huy những nhân tố tích cực, hăng say lao động sản xuất, thành phố cũng chú trọng công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Qua đó, nâng cao nhận thức chính trị cho người sử dụng lao động và người lao động, bảo đảm cho hoạt động của DN, doanh nhân theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Công ty CP May Tây Đô tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ công nhân, người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc sau dịch. Ảnh: MỸ THANH

Theo Cục Thuế TP Cần Thơ, tính đến 30-6-2022 toàn ngành Thuế quản lý 12.193 DN, trong đó Cục Thuế quản lý 1.762 DN tăng 0,5% so năm 2021. Các Chi cục Thuế quản lý 10.431 DN tăng 33% so với năm 2021. Phân theo khu vực hoạt động có 208 DN nhà nước Trung ương, 105 DN nhà nước địa phương, 167 DN đầu tư nước ngoài, 9 công ty liên doanh với nước ngoài, 8.803 công ty TNHH, 1.779 công ty cổ phần, 611 DN tư nhân, 511 đơn vị khác.

Bài 2: Đảng đồng hành cùng sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân

Chia sẻ bài viết