06/02/2015 - 09:11

XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG - NÂNG CAO KỸ NĂNG NGHỀ, TÁC PHONG CÔNG NGHIỆP

Xem công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là XKLĐ) là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, cùng với cả nước, TP Cần Thơ nỗ lực tuyên truyền, vận động; tăng cường quan hệ với các đối tác, mở rộng thị trường XKLĐ mới. Qua đó, người lao động có cơ hội tiếp cận môi trường làm việc hiện đại, trang bị kỹ năng nghề, rèn kỷ luật, tác phong công nghiệp và cải thiện đáng kể kinh tế gia đình.

Làm việc và trưởng thành

Có dịp trò chuyện với chị Mai Thị Nguyện, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Trường Lạc, quận Ô Môn, chúng tôi vui lây với niềm hạnh phúc của chị khi “khoe” 3 con trai ngoan ngoãn, học hành tử tế. Trong đó, con trai lớn Lê Phong Sơn, 30 tuổi, có 7 năm làm việc tại Hàn Quốc, luôn là “tâm điểm” và niềm hãnh diện của gia đình chị Nguyện. Sau khi tốt nghiệp ngành điện Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ (trước là Trường Công nhân kỹ thuật Cần Thơ), Sơn bàn với mẹ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Cần Thơ đăng ký đi XKLĐ sang Hàn Quốc. Thời điểm đó, gia cảnh chị Nguyện rất khó khăn, canh tác mấy công đất, gói ghém để nuôi các con ăn học nên thường thiếu trước hụt sau. Chị Nguyện kể: “Khi nghe con bày tỏ ý định, vợ chồng tôi băn khoăn, lo lắng lắm vì nếu đi XKLĐ, thì phải tốn kém nhiều khoản chi phí, trong khi gia đình chạy ăn từng bữa, còn lo tiền học hành của các em Sơn. Tuy nhiên, chúng tôi tin quyết định của con nên “liều” vay mượn tiền lo cho Sơn”.

Năm 2007, Sơn sang Hàn Quốc và làm nghề lắp ráp máy lạnh, với thu nhập hơn 1.500 USD/tháng. Tháng đầu tiên, Sơn gởi về trên 17 triệu đồng để mẹ trả nợ vay chi phí. Gần 7 năm qua, hằng tháng, Sơn đều đặn gởi về khoảng 1.000 USD cho gia đình. Chị Nguyện trả các khoản vay, lo cho 2 em trai Sơn học hành đỗ đạt, có việc làm ổn định. Vợ chồng chị đầu tư cải tạo 8 công vườn, trồng bưởi da xanh, chanh không hạt, măng cụt... cho thu nhập hằng năm và mới xây dựng nhà tường khang trang, trị giá gần 270 triệu đồng. Trong thời gian làm việc ở Hàn Quốc, Sơn về thăm gia đình 3 lần. Vài tháng nay, Sơn chuyển sang làm ngành sản xuất đồ nhựa với mức thu nhập khá, có thời gian nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe.

Đối với chị Nguyện, không phải ngẫu nhiên mà Sơn có việc làm, thu nhập ổn định và được chủ tin cậy, giao việc, đó là do bản tính thẳng ngay, chân thật, chăm chỉ; sự mày mò, nhạy bén tiếp cận, học hỏi kỹ thuật mới; nghiêm túc chấp hành nội quy, kỷ luật lao động; hòa đồng, biết lắng nghe và sống hết lòng với mọi người. Sơn kể, mình có rất nhiều bạn bè, luôn quý trọng, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Chị Nguyện bộc bạch: “Thời gian đầu, tôi rất lo lắng cho Sơn nhưng thấy con ngày càng vui vẻ, lạc quan, tôi thật sự an tâm. Mỗi lần Sơn về thăm nhà với sự trưởng thành, chững chạc trong tác phong, sinh hoạt, giao tiếp, tôi vui lắm...”.

 Trung tâm DVVL TP Cần Thơ tổ chức tư vấn và thông tin việc làm (trong đó có XKLĐ) tại thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ.

Cách nay 3 năm, chị Nguyện còn hướng dẫn em Hồ Thị Cẩm Nhung, cùng ngụ khu vực Trường Trung, XKLĐ sang Hàn Quốc làm ngành lắp ráp điện tử, thu nhập bình quân khoảng 25 triệu đồng/tháng, có điều kiện phụ giúp gia đình. Thời gian đầu mới sang, Sơn giúp đỡ Nhung rất nhiều trong việc làm, sinh hoạt, đi lại... Bây giờ, Cẩm Nhung ổn định công việc, tác phong nhanh nhẹn, nói năng hoạt bát và gia đình Nhung rất phấn khởi.

Em Nguyễn Hữu Thuận, ở khu vực Yên Thạnh, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, từng đi làm ngành hàn ở Hàn Quốc, cho biết: “Thời gian sống và làm việc ở Hàn Quốc, tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi sống hòa đồng, thích học hỏi, quý đồng tiền do sức lao động làm ra và cân nhắc các khoản chi tiêu”. Với vốn liếng, kiến thức, kỹ năng sống và kinh nghiệm tích lũy được, Thuận tự tin hoạch định nghề nghiệp tương lai: mua đất để mở tiệm kinh doanh nhỏ.

Phong Sơn, Cẩm Nhung, Hữu Thuận là đại diện những người trẻ với quyết tâm “đổi đời” bằng sức lao động, cầu tiến, tự khẳng định bản thân. Theo lời Sơn, trong số lao động từ nhiều nước sang Hàn Quốc làm việc, các ông chủ luôn đánh giá cao và trọng dụng lao động Việt Nam, bởi tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi và nhất là trung thành, không “đứng núi này, trông núi nọ”. Có thể nói, công tác XKLĐ không chỉ làm thay đổi cơ bản kinh tế gia đình, mà còn góp phần hình thành nhận thức về giá trị của việc làm, sự cần cù, chịu khó của người lao động.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL TP Cần Thơ, cho biết: “Hoạt động XKLĐ từng bước đưa lao động Cần Thơ hội nhập thị trường lao động thế giới, tiếp cận kỹ thuật hiện đại, môi trường làm việc năng động. Qua đó, hình thành đội ngũ lao động kỷ luật, tác phong chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và ngoại ngữ nhất định”.

Đẩy mạnh XKLĐ để hội nhập

Năm 2004, TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị chuyên đề XKLĐ, tập trung triển khai Chỉ thị số 06 – CT/TU của Thành ủy Cần Thơ về việc đẩy mạnh XKLĐ; Kế hoạch số 26/KH-UB của UBND thành phố tổ chức thực hiện Chỉ thị số 06. Trong đó, xác định tầm quan trọng của XKLĐ là hoạt động kinh tế - xã hội, chiến lược quan trọng lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ lao động, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là bộ phận của hợp tác quốc tế, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu với các nước. Đồng thời, đưa chỉ tiêu XKLĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm ở các địa phương, đơn vị. Thành phố triển khai nhiều chính sách trợ giúp người đi XKLĐ như: làm hộ chiếu nhanh, bố trí vốn vay, tổ chức học ngoại ngữ; tăng cường thông tin về các thị trường XKLĐ; mời các công ty XKLĐ tham gia phỏng vấn, tuyển chọn lao động tại các hội chợ việc làm hằng năm... Năm 2004, toàn thành phố có 220 người đi XKLĐ, chủ yếu lao động phổ thông sang Malaysia. Đa số lao động có việc làm phù hợp, thu nhập, gởi tiền về trả nợ vay ngân hàng, ổn định cuộc sống gia đình.

Thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, cho thấy, từ năm 2005-2014, thành phố có 1.955 người đi XKLĐ sang các nước và lãnh thổ như: Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Riêng năm 2014, trung tâm phối hợp với các công ty XKLĐ đưa 130 người đi làm việc ở nước ngoài, đạt 65% chỉ tiêu và tăng trên 80% so với năm 2013. Trung tâm tổ chức Hội nghị chuyên đề XKLĐ, mời gọi 9 công ty XKLĐ liên kết, tổ chức cộng tác viên cơ sở; các buổi tư vấn tập thể; thông tin rộng rãi Chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản, CHLB Đức, huấn luyện và đưa lao động dự tuyển chương trình IM - Japan, hướng dẫn làm lại hồ sơ gửi cho Hàn Quốc xem xét tuyển chọn...

Quá trình triển khai công tác XKLĐ, bên cạnh những thuận lợi cơ bản về chủ trương, chính sách, còn một số khó khăn, dẫn đến hạn chế hiệu quả công tác. Đó là, có thời điểm, nhiều lao động sang Malaysia làm việc về nước trước hạn; lao động sang làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng, không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp, dẫn đến việc Hàn Quốc “đóng cửa”, không tiếp nhận lao động Việt Nam; một số thị trường có việc làm ổn định, thu nhập cao nhưng lao động không đáp ứng yêu cầu về trình độ học vấn, ngoại ngữ, chuyên môn kỹ thuật, tài chính...

Theo ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Trung tâm DVVL TP Cần Thơ, năm 2014, mặc dù rất nỗ lực nhưng công tác XKLĐ tiếp tục không hoàn thành chỉ tiêu; chính sách hỗ trợ đối tượng diện chính sách xã hội đi XKLĐ theo Dự án 4 Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề được bố trí kinh phí hơn 2 tỉ đồng nhưng không giải ngân được. Hoạt động XKLĐ còn rập khuôn, sáo mòn, kém năng động, không sáng tạo, dẫn đến đầu tư công sức, kinh phí nhiều nhưng kết quả đạt thấp. Để góp phần hoàn thành chỉ tiêu đưa 200 người đi XKLĐ năm 2015, trung tâm triển khai thực hiện một số biện pháp như: Hội nghị tham vấn XKLĐ để xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch thời gian tới; kiện toàn đội ngũ cộng tác viên XKLĐ; xây dựng nguồn dự tuyển ở phường, xã, thị trấn; hội nghị thông tin, tư vấn gắn với sơ tuyển lao động tại chỗ; ngày hội tuyển chọn người đi XKLĐ. Đồng thời, tăng cường nhiều hình thức thông tin như: tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, giới thiệu điển hình; thỏa thuận với các cơ sở đào tạo và các công ty XKLĐ tổ chức đào tạo nguồn lao động một số nghề như: hàn, may công nghiệp, điều dưỡng, hộ lý. Bên cạnh đó, tranh thủ Trung tâm Lao động ngoài nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước giao thêm chỉ tiêu dự tuyển các Chương trình XKLĐ theo các hiệp định liên Chính phủ; thông tin 2 chiều với các doanh nghiệp, đơn vị đưa lao động Cần Thơ đi XKLĐ. Mặt khác, giáo dục lao động để bổ túc kiến thức, nâng cao niềm tự hào và ý thức trách nhiệm đối với quê hương.

Để thúc đẩy công tác XKLĐ năm 2015, Trung tâm DVVL TP Cần Thơ kiến nghị: Chuyển kinh phí thực hiện Dự án hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề các năm trước sang sử dụng năm 2015; khôi phục việc sử dụng nguồn vốn của ngân sách thành phố đã chuyển cho NHCSXH để cho vay chi phí đi XKLĐ cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt đối với thị trường Nhật Bản, Đài Loan; giao chỉ tiêu vận động người đi XKLĐ cho các quận, huyện; cho phép trung tâm được mời gọi, tuyển chọn và ký kết thỏa thuận cộng tác viên XKLĐ ngoài ngành, đoàn thể cơ sở; kiên quyết xử lý đúng mức các trường hợp không chấp hành Quyết định xử phạt về hành vi ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc...

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết