19/01/2018 - 21:57

Xử lý nước ngầm nhiễm phèn sắt bằng mô hình sản xuất nước tưới nông nghiệp mới 

(CT) – Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ (Trung tâm) đã nghiên cứu thực nghiệm thành công mô hình sản xuất nước tưới nông nghiệp để xử lý nước ngầm nhiễm phèn sắt, góp phần cải tạo đất mặn.

Nguồn nước nhiễm mặn được đưa qua các thiết bị xử lý từ trường (còn gọi là từ tính) nhằm làm tơi mới nguồn nước và khử muối đất; đồng thời thay đổi tính chất vật lý của nước giúp cây trồng hấp thụ dưỡng chất trong đất và phân bón tốt hơn, tránh dư lượng phân bón trong đất quá cao dẫn đến bạc màu và chai đất.

Mô hình được khảo nghiệm tại Trường Đại học Cần Thơ với hình thức trồng cải trên đất nhiễm mặn. Ảnh: HỒ HÙNGMô hình được khảo nghiệm tại Trường Đại học Cần Thơ với hình thức trồng cải trên đất nhiễm mặn. Ảnh: HỒ HÙNG

Trung tâm đã phối hợp với Bộ môn Khoa học Đất thuộc Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng (Đại học Cần Thơ) và trại thực nghiệm của Trung tâm tiến hành các khảo nghiệm thực tế: trồng cải xanh trên đất nhiễm mặn và trồng cải mầm trên các giá thể khác nhau (xơ dừa, mùn cưa...). Kết quả cho thấy, thời gian xử lý nước tương đối ngắn nhưng hiệu quả mang lại cao. Cây trồng được tưới nước xử lý từ trường hấp thụ dưỡng chất trong đất và phân bón tốt hơn. Cụ thể, cây phát triển tốt hơn gấp 1,47 lần so với nghiệm thức sử dụng nước chưa xử lý và gấp 1,29 lần so với nghiệm thức sử dụng nước máy. Chất lượng của các loại cây đều tốt, sinh trưởng khỏe và không có sâu bệnh hại.

Từ kết quả khảo nghiệm, các nhà khoa học khẳng định: mô hình này có thể nhân rộng và ứng dụng vào thực tế ở các vùng đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... và một số vùng tại TP Cần Thơ hiện nay như Ninh Kiều, Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Cờ Đỏ.

LỆ THU

Chia sẻ bài viết