26/06/2010 - 21:20

Xin đừng làm hỏng trẻ con

Album của một “thần đồng âm nhạc” – phản cảm từ cách trình bày. Ảnh: www.vietnhim.com 

Trẻ em hát nhạc người lớn là chuyện “xưa rồi nói mãi”! Thế nhưng, nếu như trước kia các bé chỉ dừng lại ở mức độ cầm micro hát vu vơ, nhún nhảy đơn giản thì hiện nay trên thị trường đĩa hát xuất hiện một số sản phẩm do trẻ em hát và được phổ biến rộng rãi trên mạng Internet. Điều đáng lo là những sản phẩm này thực hiện rất chuyên nghiệp: có nhóm múa, nhảy, diễn viên minh họa, trang phục các em cũng “bốc lửa” như đàn anh đàn chị, quay ngoại cảnh có kịch bản hẳn hoi. Người ta xưng tụng các em là “thần đồng âm nhạc”. Nhưng những bậc cha mẹ và nhà giáo dục chân chính quả là “cười không nổi”.

Cậu bé Châu từ năm tuổi đã bắt đầu hát những bài hát của người lớn và biểu diễn những động tác “bốc lửa” giống Micheal Jackson. Sau “thành công” của bé Châu, một loạt “thần đồng âm nhạc” xuất hiện như nấm sau mưa. Các cậu bé, cô bé này hát những bài nội dung yêu đương, dằn vặt, hận thù... với những ca từ mà những “người lớn đàng hoàng” còn không dám hát.

Mới đây, một VCD của bé trai chưa tròn 10 tuổi có nghệ danh bé Lon Ton gồm các ca khúc mà chỉ nghe tên thôi đã thấy “ớn óc”: Dù em có ra đi, Sao em làm ngơ, Twist tình yêu, Cô bé kiêu kỳ... vì những bài hát này không thể cho lứa tuổi nhi đồng nghe chứ nói gì đến hát. Bên cạnh đó là những clip minh họa thể hiện thói ngang tàng, côn đồ, bất cần đời. Nền của bài hát “Đời tôi là của tôi” – một bài hát trong album - sân khấu toàn vỏ xe với ruột xe, có một anh lính (?) cầm dùi cui xua đuổi bọn trẻ lang thang. Bé Lon Ton chui ra từ chiếc hộp giấy, tay cầm chai rượu đang uống dở và hát: “Sáng kệ sáng, trưa kệ trưa, chẳng cần biết ngày mai ra sao...” hay “Nói thì nói, xin đừng can, tôi không may nên tôi lầm than. Em ơi, xin đừng nói nhiều...” (!).

Video clip bài hát “Sao lại nhắn nhầm máy anh” là một trong những trường hợp mới đây đang được nhiều người truy cập trên mạng. Hai bé trai và bé gái đóng vai đôi trai gái yêu nhau hẹn gặp ở quán cà phê để giải quyết mâu thuẫn tình cảm. Bé gái mặc áo hai dây, cổ trễ ngực còn bé trai giống như một gã cao bồi. Cả hai thốt hát những lời: “Anh đừng nói nữa hay gọi phone làm gì? Cũng chỉ vậy thôi anh đừng có nhiều lời” và rồi “Bởi vì em yêu anh thật lòng, mà tại sao anh nỡ phũ phàng lừa dối tình em”. Đáng “cười ra nước mắt” nhất là video clip bài hát “Anh number one” của một bé trai chỉ hơn 5 tuổi. Nhóm múa minh họa cho cậu bé gồm rất đông thiếu nữ đôi mươi, mặc quần soọc ngắn cũn cỡn, áo ngắn trễ ngực bên bãi biển. Cậu bé chỉ đứng ngang lưng quần các cô gái nhưng “chàng trai và các cô gái” vẫn trao cho nhau những ánh mắt tình tứ , với những động tác uốn éo rất gợi dục (!)...

Những đĩa nhạc trẻ em kiểu này đang xuất hiện tràn lan. Đáng nói hầu hết là đĩa lậu hoặc đưa lên mạng. Nhiều người lớn vẫn khoái trá, say sưa “thưởng thức” loại nhạc này, thậm chí tập tành cho con, cháu mình bắt chước. Các bậc phụ huynh đó có nghĩ đến hậu quả không?

Trẻ con không đáng trách. Đáng nói là những người lớn từ cha mẹ, các nhà sản xuất và những ông bầu. Vì muốn con mình trở thành “thần đồng”, thành người nổi tiếng, nhiều bậc cha mẹ đã tìm mọi cách để “lăng xê” con mình. Còn các ông bầu, nhà sản xuất thì cố làm sao để đĩa (tất nhiên là đĩa lậu) bán thật nhiều, câu khách cho những show diễn.

Tuổi của các em đáng lẽ ra phải được nghe hát những ca khúc trong sáng, phù hợp với lứa tuổi chứ không phải để gào thét chuyện yêu đương nhăng nhít hay bất cần đời. Những người lớn đang “giết chết” tâm hồn vốn thơ ngây, trong sáng, phá hủy sự hình thành nhân cách của các em.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết