19/05/2008 - 23:21

Xây tương lai cho trẻ thiểu năng trí tuệ

Trường Tương Lai được thành lập từ năm 1988. Qua 20 năm hoạt động, trường đã chăm sóc, giáo dục cho 1.785 lượt trẻ em từ 6-25 tuổi. Ở trong trường, các em được học tập, chăm sóc và hướng nghiệp hoàn toàn miễn phí. Nhưng sau 25 tuổi, rời trường các em sẽ sống ra sao?

Chăm lo trẻ thiểu năng trí tuệ

Trường Tương Lai nằm lặng lẽ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Ninh Kiều. Thoạt nhìn ngôi trường giống như một trường mầm non, với những phòng học nhỏ, được trang trí bắt mắt và rất nhiều đồ chơi. Năm học 2007-2008, trường có 124 học sinh. Các em được chia lớp phù hợp với độ tuổi và trình độ nhận thức. Các em học ở trường này đều là những trẻ bị thiểu năng trí tuệ với các bệnh: down, rối loạn hành vi, bại não, di chứng bệnh viêm màng não, suy tuyến giáp... Đa số các em không tự vệ sinh, ăn uống, thậm chí có em không tự đi đứng được, cần phải có các cô chăm sóc. Ở trường này, thường thấy cảnh học sinh đang học bỗng ngã ra giãy đành đạch vì động kinh, hay rượt đánh bạn, hoặc có em khóc, rồi cười sặc sặc. Vì bị thiểu năng trí tuệ nên chỉ việc dạy các em tự đi vệ sinh, các cô cũng mất cả tháng trời. Đó là với những em bệnh nhẹ, tiếp thu tốt, còn có em bị bệnh nặng các cô phải kiên nhẫn cả chục năm trời mới thấy tiến triển.

Giờ học chữ của các em ở Trường Tương Lai.  

Đầu tiên vào trường, các em sẽ được dạy kỹ năng tự chăm sóc thân thể (tự đi vệ sinh, giữ gìn quần áo sạch sẽ), sau đó làm quen với chữ cái, giao tiếp xã hội, hòa nhập (cho các em đi siêu thị, công viên), rồi hướng nghiệp... Cô Trần Thị Phương Ánh, Hiệu trưởng Trường Tương Lai, cho biết: “Với các em bệnh nhẹ, chúng tôi dạy các kỹ năng để sau khi rời trường các em tự chăm sóc bản thân và phụ giúp gia đình. Với các em bệnh nặng (down, bại não, rối loạn hành vi...) thì chúng tôi chủ yếu chăm sóc và can thiệp y tế, dạy các em một số phản xạ, thói quen”.

Sinh ra không được bình thường như những đứa trẻ cùng trang lứa, đa số gia đình các em lại nghèo. Bất hạnh nhất, theo tìm hiểu của các cô, sau khi sinh các em ra, hạnh phúc gia đình thường rạn nứt đổ vỡ, rất nhiều cặp vợ chồng phải ra tòa; số cặp vợ chồng tiếp tục chung sống hạnh phúc và cùng chăm sóc con thường rất ít. Chính vì thế, các em vừa thiếu thốn về vật chất lại thiếu thốn cả tình thương. Cô Trương Thị Xuân Hà, giáo viên Trường Tương Lai, nói: “Giáo viên phải rất kiên nhẫn, có tâm, thương các em thật sự thì mới trụ lâu ở trường được”.

Ngoài việc dạy ở trường, hằng năm các cô cũng đến tận gia đình để tìm hiểu hoàn cảnh của từng em (điều kiện sống, sinh hoạt), đồng thời hướng dẫn phụ huynh phối hợp với thầy cô trong việc chăm sóc và dạy các em. Cô Nguyễn Thị Hồng Đào cho biết: “Có đến tận nhà, tìm hiểu sinh hoạt của từng em, trao đổi với phụ huynh thì việc giáo dục mới có hiệu quả. Việc này cũng giúp tránh được tình trạng giáo viên dạy một đàng, về nhà cha mẹ không biết lại dạy các em kiểu khác”.

Trong hàng trăm học sinh ở trường, có những học sinh mà khi đến nhà các em rồi, ra về các cô cứ tâm tư mãi. Như trường hợp của em Đ.Q.N, bị bệnh down. Khi phát hiện con mình không được như những đứa trẻ khác, mẹ em đã bỏ em ra đi (!). Hai cha con lang bạt hết nơi này đến nơi khác, không có chỗ ở cố định với nghề bán vé số. Còn N.H.L. lại nằm trong tình cảnh trớ trêu khác. Hôm cha và bà nội chở em đến trường xin học, em chạy nhảy lung tung, bà nội chạy theo giữ em, rủi thay bà té đứt mạch máu rồi qua đời. Gia đình L. cũng rất khó khăn. Mỗi lần đến đám giỗ bà nội, L. lại bị đem ra đánh vì tội làm chết bà nội. Vì vậy mà tính L. rất cộc, hay chửi thề, đánh bạn... Thấy học trò như vậy, cô giáo đến tận nhà nói chuyện với gia đình, phối hợp giáo dục chăm sóc, từ đó L. bớt chửi thề và đánh bạn. Cô Hồng Đào giải thích thêm: “Trẻ bị thiểu năng trí tuệ như một cái máy in, người lớn làm sao thì các em lặp lại y như vậy. Vì thế chúng tôi dặn dò phụ huynh ý tứ trong cách nói chuyện, cư xử...”.

Bằng tình thương và sự kiên nhẫn, các cô giáo ở trường dạy các em chu đáo, tận tình như người mẹ thứ hai. Từ những đứa trẻ không biết tự chăm sóc mình, các em có thể đọc chữ, tự múc cơm ăn... và thậm chí các em bị bệnh nhẹ còn phụ các cô chăm sóc những em bệnh nặng hơn.

Cần sự hỗ trợ của cộng đồng

Các em nào bệnh nhẹ, học tốt ra trường có thể viết chữ, đọc chữ, ghi được lý lịch bản thân, làm 4 phép tính đơn giản,... Một số em bệnh thuộc dạng trung bình, sau khi “tốt nghiệp” chỉ biết tự chăm sóc bản thân. Còn nếu bệnh nặng, sau khi ra trường, cha mẹ các em phải tiếp tục chăm sóc. Nhà trường có chương trình hướng nghiệp dạy các em trồng trọt, may vá, gia chánh... nhưng mức độ chỉ dừng lại để các em có thể phụ giúp gia đình mà thôi. Các cô trong trường băn khoăn: sau 25 tuổi, các em ra trường không biết tương lai sẽ về đâu? Cô Phương Ánh tâm sự: “Từ khi thành lập đến nay ở trường chỉ có duy nhất 2 em lập gia đình, 4 em có công việc (phụ giúp gia đình buôn bán), còn các em khác đều phải phụ thuộc vào gia đình chăm nom nuôi nấng. Một mai, khi cha mẹ các em mất đi không biết ai sẽ nuôi các em? Ở TP Hồ Chí Minh có các quán cà phê, các cơ sở ... tạo công việc đơn giản, thủ công cho người thiểu năng trí tuệ dạng nhẹ. Nhưng ở Cần Thơ hiện nay chưa có mô hình này, thậm chí các câu lạc bộ là nơi sinh hoạt cho các em sau khi ra trường cũng chưa có”.

Trường Tương Lai có định mức tối đa là 80 em nhưng hiện nay trường đã thu nhận đến 124 em. Các em phải sinh hoạt và học tập trong những căn phòng nhỏ, chật hẹp. Tuy nhiên, số lượng này cũng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu gởi con các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh muốn gởi con phải đăng ký và chờ đợi nhiều năm mới có chỗ học. Hiện nay, mỗi ngày các em được ngân sách nhà nước cấp 3.000 đồng để ăn một bữa chính và một bữa phụ. Với vật giá hiện nay, trường phải tích cực vận động mạnh thường quân giúp đỡ để cải thiện bữa ăn cho các em. Cô Phương Ánh bày tỏ nỗi niềm: “Các em sinh ra đã kém may mắn. Chúng tôi mong sự hỗ trợ của các ban, ngành cũng như mạnh thường quân để giúp các em có một cuộc sống đầy đủ hơn”.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết