28/11/2017 - 21:44

Đồng bằng sông Cửu Long

Xây dựng, triển khai chiến lược truyền thông ứng phó thiên tai 

“Xây dựng, triển khai chiến lược truyền thông và phổ biến thông tin về những nguyên tắc và khuyến nghị của kế hoạch ĐBSCL” là dự án vừa được khởi động, nhằm nâng cao nhận thức, năng lực cán bộ chuyên môn cấp tỉnh, huyện và nông dân của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH). Đó là những gợi ý về phát triển sản xuất nông nghiệp dựa trên lợi thế tự nhiên của ĐBSCL cùng các khuyến nghị liên quan đến quản lý tài nguyên nước, thích ứng với BĐKH  tại ĐBSCL trong thời gian tới.

 

Cần kế hoạch thích ứng

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ĐBSCL đóng vai trò quan trọng ở Việt Nam về cả mặt kinh tế và môi trường. Khu vực có diện tích tự nhiên 3,9 triệu ha và là nơi sinh sống của trên 17 triệu dân (chiếm 20% dân số cả nước), đóng góp 18% cho tổng GDP quốc gia.

Tuy nhiên, tương lai của ĐBSCL đang bị đe dọa của BĐKH và sức ép của phát triển kinh tế. ĐBSCL được xếp hàng đầu trong 5 đồng bằng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Các hiện tượng bất thường như: xâm nhập mặn; khô hạn, biến động nguồn nước ngọt; sạt lở bờ sông, bờ biển; lốc xoáy... xuất hiện ngày càng tăng, đe dọa cuộc sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Nhiều năm gần đây, người dân các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh... phải “chạy mặn” từng ngày vào mùa khô hạn. Bởi, các tiểu vùng nước ngọt quanh năm bị đảo lộn, bị mặn xâm nhập, đe dọa cả trăm ngàn ha đất nông nghiệp, nhiều vườn cây ăn trái, thủy sản nước ngọt có nguy cơ bị xóa sổ.

Theo thống kê, tại ĐBSCL, tốc độ nước biển dâng hiện nay là 3 mm/năm. Tính chung trong 50 năm qua, ở ĐBSCL, nước biển đã dâng khoảng 20cm. Theo kịch bản khả dĩ nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối thế kỷ XXI, mực nước dâng ở ĐBSCL sẽ là 53cm (32-77cm) cho vùng biển Đông và 55cm (33-78cm) cho vùng biển Tây.

Với kịch bản nói trên, khu vực này sẽ bị ngập khoảng 4,48% diện tích. “Vì vậy, vấn đề nước biển dâng lâu dài hơn và không khẩn cấp bằng sự sụt lún ở ĐBSCL”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, nhận định.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ sụt lún trung bình ở ĐBSCL đang là 1,1 cm/năm, có những nơi sụt lún đến 2,5cm/năm. Qua so sánh cho thấy, tốc độ sụt lún đã cao hơn 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.

Hiện nay, hơn một nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL đang sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao, với tổng chiều dài sạt lở bờ sông, bờ biển lên đến gần 900km. “Trung bình mỗi năm, khu vực này mất khoảng 500 ha đất ven biển, tình trạng sạt lở đã làm mất cân bằng và phá hủy hệ sinh thái tại khu vực bờ biển” - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết. 

Đại diện Bộ TN&MT, Trường Đại học Cần Thơ, các chuyên gia BĐKH Hà Lan và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tham dự hội thảo khởi động dự án.

Khởi động dự án

Theo Bộ TN&MT, trong những thập kỷ qua, ĐBSCL đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, tác động của BĐKH, phát triển không theo quy hoạch và khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang là mối đe dọa nghiêm trọng đến tương lai của ĐBSCL.

Chính phủ Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế đã và đang xây dựng các chiến lược và chương trình khác nhau nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH. Một trong những sáng kiến đó là Kế hoạch ĐBSCL được soạn thảo trong khuôn khổ thỏa thuận giữa Chính phủ Hà Lan và Việt Nam.

Kế hoạch ĐBSCL là tài liệu tham khảo và định hướng cho Chính phủ, đề ra những nguyên tắc về phát triển bền vững cân nhắc đến hai yếu tố phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bao gồm BĐKH ở đồng bằng.

Ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TN&MT, cho biết: “Hiện kế hoạch đã nhận được sự ủng hộ từ các bộ, ngành Trung ương, các địa phương khu vực ĐBSCL và các nhà tài trợ, đối tác thực hiện. Tuy nhiên, nhận thức và hiểu biết ở cấp cơ sở của các cơ quan nhà nước và cộng đồng về nguyên tắc và khuyến nghị của Kế hoạch ĐBSCL còn nhiều hạn chế. Từ đó cần có kế hoạch truyền thông cho kế hoạch này”.

Sông, rạch trên địa bàn TP Cần Thơ bị kiệt trong mùa khô do ảnh hưởng BĐKH.

Theo PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên – Trường Đại học Cần Thơ, thông điệp chính của Kế hoạch ĐBSCL được chia thành các tiểu vùng: Tiểu vùng ngập lũ thượng lưu (Ang Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An…) với bao đê khép kín phục vụ sản xuất lúa 3 vụ đã thay đổi chế độ lũ, vận chuyển phù sa cho đồng bằng, suy thoái đa dạng sinh học và tính chống chịu với BĐKH của ĐBSCL.

Do đó cần có một chiến lược trữ nước nhằm tạo điều kiện cho việc kiểm soát lũ và cung cấp phù sa trong mùa mưa, mục tiêu sản xuất lúa gạo từ năm 2020 cần được điều chỉnh để hỗ trợ cho việc chuyển đổi lúa 3 vụ sang các mô hình sản xuất theo hướng bền vững và kinh tế hơn.

Tiểu vùng cửa sông ven biển (TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang...) với hệ thống sản xuất dựa vào tài nguyên nước ngọt đã không còn ổn định do nguồn nước thượng nguồn suy giảm kết hợp với nước biển dâng trong mùa khô.

Do đó cần phát huy tiềm năng của hệ thống sản xuất nông nghiệp theo cấu trục ngọt - lợ - mặn để thích ứng với vấn đề thiếu nước ngọt; quản lý tổng hợp vùng ven biển là cách tiếp cận hợp lý để giảm các rủi ro ngập mặn và sóng bão, qua đó bảo vệ các hệ thống sản xuất trên nền nước ngọt bên trong.

Tiểu vùng bán đảo cà mau (Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang) do tác động của nuôi tôm, khai thác nước ngầm đến lún sụt và suy giảm rừng ngập mặn... Do đó cần phát triển các hệ thống canh tác trên nền nước mặn, tăng cường trữ nước ngọt và bảo vệ tài nguyên nước ngầm; tận dụng lợi thế sinh thái của rừng ngập mặn kết hợp phát triển thủy sản sinh thái...

PGS.TS Trần Trung Tính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: Kế hoạch này sẽ giúp vùng ĐBSCL kiến tạo, phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở chủ động thích ứng, chuyển hóa được những thách thức, biến thách thức thành cơ hội, bảo đảm cuộc sống ổn định và khá giả cho người dân cũng như bảo tồn giá trị truyền thống, văn hóa trước biến đổi khí hậu. 

Dự án “Xây dựng, triển khai chiến lược truyền thông và phổ biến thông tin về những nguyên tắc và khuyến nghị của kế hoạch ĐBSCL” được khởi động vào ngày 15-11-2017, nhằm mục tiêu tập huấn, nâng cao nhận thức, năng lực cho nhóm đối tượng truyền thông là cán bộ cấp tỉnh, huyện (có liên quan môi trường, BĐKH) và nông dân xung quanh kế hoạch trên. Đây là lực lượng trực tiếp tham gia và truyền thông nội dung kế hoạch, góp phần thực hiện kế hoạch ĐBSCL đạt kết quả cao, ứng phó BĐKH, phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong tương lai.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết