Trần Hữu Hiệp
(Ủy viên Chuyên trách kinh tế, BCĐ Tây Nam Bộ)
"Năm Du lịch quốc gia 2016: Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long" với chủ đề: "Khám phá đất phương Nam" đã được khởi động. Theo chương trình tổng thể, dự kiến lễ khai mạc sẽ diễn ra vào ngày 9-4, bế mạc ngày 24-12-2016 tại huyện đảo Phú Quốc cùng với chuỗi các sự kiện diễn ra tại 18 tỉnh, thành cả nước. Đã đến lúc cần nhận diện và xúc tiến sớm một chương trình xây dựng thương hiệu biển "đảo ngọc Phú Quốc" xứng đáng với những giá trị và sự nổi tiếng của hòn đảo lớn nhất Việt Nam này.
Lấp lánh "đảo ngọc"
Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, có lợi thế quan trọng trong mối liên kết giao thông hàng hải, hàng không với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Phú Quốc chỉ cách Hà Tiên khoảng 45km, cách thành phố Rạch Giá khoảng 120km, có tổng diện tích tự nhiên gần 60.000ha, tương đương đảo quốc Singapore, với 27 hòn đảo lớn, nhỏ. Hòn đảo này có đủ điều kiện phát triển cảng nước sâu để tàu lớn nước ngoài ghé neo đậu; có cảng hàng không quốc tế để các phi cơ thương mại từ các hướng tới phục vụ các yêu cầu của khách du lịch và giới doanh nhân nước ngoài. Phú Quốc hội đủ các lợi thế về địa lý, tự nhiên, kinh tế, xã hội để phát triển nền kinh tế mở cửa, hướng ngoại và trở thành điểm nhấn về kinh tế - xã hội, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước phát triển.
|
Cảnh biển đẹp hoang sơ ở Phú Quốc. Ảnh: HỮU HIỆP |
Thời gian qua, cùng với việc "mở cổng trời" - sân bay quốc tế Phú Quốc; "cửa bể" - cảng biển quốc tế tổng hợp An Thới, các cảng nội địa Dương Đông, Bãi Thơm cũng được hoàn thành; các đường trục Bắc - Nam, vòng quanh đảo và tuyến xương cá đang hoàn thiện. Theo chân đường cáp ngầm xuyên biển đầu tiên ở nước ta, dài nhất Đông Nam Á, đường cáp quang viễn thông cũng không chậm chân ra đảo ngọc. Kéo theo nhiều công trình hạ tầng lớn trên đảo là nhiều dự án đầu tư tầm cỡ quốc gia và quốc tế, nhất là các dự án du lịch lớn đang tạo ra sức hút mới cho Phú Quốc.
Tuy nhiên, ở góc nhìn thương hiệu, cho đến nay, ngoài cách gọi bóng bẩy là "đảo ngọc", chúng ta vẫn chưa có một thương hiệu Phú Quốc theo đúng nghĩa một thương hiệu biển nổi tiếng bằng chính các công nghệ du lịch, thương mại và là một sản phẩm "sở hữu trí tuệ" được xây dựng, đăng ký bảo hộ độc quyền. Yêu cầu xây dựng và phát triển thương hiệu biển "đảo ngọc" với đặc thù biển đảo độc đáo, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, gắn với các doanh nghiệp mạnh, uy tín, "trách nhiệm công" của chính quyền, yêu cầu liên kết, hợp tác đang là đòi hỏi bức xúc cần có tư duy, tầm nhìn, chiến lược, hoạch định hệ thống cơ chế, chính sách và nỗ lực thực thi hiệu quả.
Thương hiệu biển Việt Nam và "đảo ngọc"
Vấn đề đặt ra dưới góc nhìn chính sách là việc xây dựng thương hiệu biển "đảo ngọc" bắt đầu từ đâu? Vai trò và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức hỗ trợ, doanh nghiệp và người dân đảo ngọc, người dân Kiên Giang và Đồng bằng sông Cửu Long? Cách thức triển khai như thế nào để tăng cường liên kết, để thương hiệu thực sự là "tài sản riêng của doanh nghiệp" và là "tài sản dùng chung"? Đó là những vấn đề quan trọng cần được làm rõ và phối hợp tốt trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu vừa mang tính đặc thù của địa phương, vừa là một thương hiệu quốc gia nổi tiếng.
|
Cảng biển An Thới, Phú Quốc. Ảnh: HỮU HIỆP |
Nhìn ở cấp độ quốc gia, thì các sản phẩm kinh tế biển có thương hiệu còn rất hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến thương hiệu của mình. Số lượng các sản phẩm có thương hiệu trên thế giới tập trung ở dầu khí, ở hàng hải, một số doanh nghiệp xuất khẩu hải sản; trong khi đó nhiều lĩnh vực cảng biển, dịch vụ hàng hải, dịch vụ du lịch... chưa có thương hiệu. Việc huy động nguồn lực tổng hợp cho phát triển kinh tế biển còn hạn chế. Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng biển, đảo và ven biển chưa nhiều, cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng các khu, điểm du lịch còn thấp kém. Sự tham gia của các thành phần kinh tế chưa mạnh, chưa dồn sức vào các sản phẩm mũi nhọn.
Cần định danh rõ từng "thương hiệu con" trong thương hiệu chung của "đảo ngọc", gắn với trách nhiệm đối với thương hiệu đó của doanh nghiệp và địa phương. Bên cạnh các "thương hiệu con" như "nước mắm Phú Quốc", "ngọc trai Phú Quốc", "ẩm thực Phú Quốc"... thì thương hiệu "đảo ngọc Phú Quốc" là cách tiếp cận chung, cần thiết và hiệu quả. Phát triển thương hiệu biển "đảo ngọc Phú Quốc" cần sự vào cuộc phối hợp nhiều bộ ngành liên quan, các giải pháp phải đồng bộ, từ hoạch định chính sách, đầu tư phát triển, nỗ lực của chính quyền đến doanh nghiệp và người dân để đầu tư xây dựng và phát triển hình ảnh, tăng cường sự nhận biết về Phú Quốc trên thị trường trong nước và thế giới, nhất là thị trường đầu tư và du lịch.
Xây dựng thương hiệu biển "đảo ngọc Phú Quốc" cần "định danh chủ thể thương hiệu". Quá trình xây dựng cần được bắt đầu từ doanh nghiệp, đặt trong các mối quan hệ thị trường, chịu sự tác động và điều chỉnh của cơ chế thị trường. Chính thị trường sẽ tạo ra thử thách và sức sống cho thương hiệu, tránh sự thô cứng của các quy định hành chính. Sự hợp tác của doanh nghiệp và người dân đảo ngọc cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra không gian địa lý cho những sáng tạo vật chất và tinh thần làm nên thương hiệu biển độc đáo của Phú Quốc. Doanh nghiệp và người dân kinh doanh du lịch, lao động sản xuất trong các ngành kinh tế biển là "mắt xích" quan trọng nhất, vừa là "đầu vào", vừa là "đầu ra" tạo nên thương hiệu trong lòng khách hàng. Hơn ai hết, họ "biết mình, biết ta" trong cuộc cạnh tranh thương trường - không gian tồn tại và phát triển của thương hiệu.
Cần xây dựng và phát triển thương hiệu biển "đảo ngọc Phú Quốc" dưới 2 góc độ: là "tài sản riêng của doanh nghiệp" và "tài sản chung" của cộng đồng trên đảo, hướng đến nâng tầm quốc gia và quốc tế. Trong cách tiếp cận "thương hiệu đảo ngọc" là "tài sản riêng" cần bổ sung chính sách thương hiệu biển để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc thù của đảo Phú Quốc.
Cộng đồng cư dân trên đảo đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng và bảo vệ thương hiệu "đảo ngọc". Văn hóa bản địa, ý thức, niềm tự hào, ham muốn làm giàu từ biển sẽ biến mỗi người dân trở thành một "đại sứ tiếp thị" cho Phú Quốc. Họ sẽ là yếu tố kết nối văn hóa đảo ngọc với cộng đồng khác trong nước và quốc tế.
Phú Quốc trong "quần thể" ASEAN
Từ khởi điểm "Năm Du lịch quốc gia Phú Quốc - Kiên Giang 2016" cần duy trì thường xuyên các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu biển "đảo ngọc", lồng ghép với các diễn đàn kinh tế biển, diễn đàn thương hiệu biển hàng năm và các hoạt động của Ngoại giao đoàn Việt Nam. Từ quy mô cấp quốc gia, nghiên cứu tổ chức có sự tham dự của đại diện các nước trong khu vực ASEAN, tổ chức quốc tế quan tâm đề chủ đề biển đảo. Qua đó, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế biển và nỗ lực xây dựng khu vực biển Đông thành biển hòa bình, xây dựng hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia về biển "đảo ngọc Phú Quốc" trong nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, đầu tư, thương mại, du lịch của Phú Quốc.
Xây dựng thương hiệu "đảo ngọc Phú Quốc" rất cần được trợ lực bằng các cơ chế, chính sách, quy định pháp lý và thực thi nghiêm trong việc bảo hộ "thương hiệu" và các giải pháp quy hoạch đầu tư hiệu quả. Việc xây dựng chiến lược quốc gia xây dựng thương hiệu biển phải gắn kết được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành quan trọng và chiến lược phát triển vùng. Từ đó, đưa ra mục tiêu phát triển các ngành, sản phẩm cụ thể gắn với thương hiệu biển và đưa ra danh mục ưu tiên, trách nhiệm của các ngành, các cấp, địa phương và doanh nghiệp.
Cần xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố có biển, tạo nên sức mạnh tổng hợp phát huy sức mạnh tiềm năng kinh tế biển; định vị lợi thế cạnh tranh, liên kết và tiến tới cạnh tranh sòng phẳng với các đảo phát triển trong khu vực ASEAN. Tạo cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, nâng cao sức cạnh tranh tạo thương hiệu biển trên toàn thế giới. Cơ chế tài chính và hỗ trợ nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn đầu hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi để bảo hộ thương hiệu biển một cách có hiệu quả hơn.