22/07/2013 - 22:28

Xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới

Nhiều HTX nông nghiệp tại ĐBSCL đang có quy mô nhỏ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ bà con xã viên còn hạn chế, nhất là việc hỗ trợ tiêu thụ sản  phẩm cho xã viên. Trong ảnh: Sản xuất hẹ tại HTX rau an toàn Phúc Thạnh ở phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội nghị quán triệt nhiệm vụ thực hiện Đề án “Khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX); xây dựng thí điểm mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL”.  Tại hội nghị này, nhiều ý kiến cho rằng,  HTX kiểu mới chính là lời giải cho tam nông.

Xu hướng phát triển tất yếu

Đề án “Khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động mô hình kinh tế hợp tác, HTX; xây dựng thí điểm mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL” được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ ngành Trung ương và địa phương thực hiện. Thời gian thực hiện chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Khảo sát, đánh giá hiện trạng kinh tế tập thể, HTX tại khu vực ĐBSCL và đề xuất thí điểm mô hình HTX kiểu mới trong lĩnh vực cây ăn trái, nuôi cá tra và sản xuất lúa gạo triển khai từ tháng 7 đến tháng 10-2013. Giai đoạn 2: Xây dựng thí điểm mô hình HTX trên thực tế tại ĐBSCL từ tháng 10-2013 đến 1-7-2016. Mục tiêu của Đề án thúc đẩy phát triển bền vững, đúng bản chất khu vực kinh tế tập thể tại vùng ĐBSCL, đặc biệt là HTX nông nghiệp. Qua đó giúp cải thiện đời sống, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng thành viên và dân cư địa phương.

Từ năm 1986, cùng với quá trình thực hiện đổi mới đất nước,  nước ta đã xây dựng Luật HTX để giúp định hướng cho việc xây dựng và hình thành HTX kiểu mới. Trải qua các lần xây dựng và sửa đổi, Luật HTX năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20-11-2012 tại kỳ họp thứ 4 khóa XIII và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 3-12-2012. Theo đánh giá của các chuyên gia, so với 2 phiên bản Luật HTX trước đó, Luật HTX năm 2012 đã cập nhật đầy đủ các nguyên tắc về thành lập và tổ chức hoạt động của HTX theo 7 nguyên tắc cơ bản mà Liên minh HTX Quốc tế đã đề ra cho HTX. Việc xây dựng các mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 là lời giải để khắc phục những hạn chế trong sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng không ổn định và đầu ra sản phẩm còn bấp bênh của nông sản tại ĐBSCL. Xây dựng và phát triển thành công các mô hình HTX kiểu mới cũng được xem là mấu chốt quan trọng phát triển “tam nông” và xây dựng nông thôn mới thành công.

Tiến sĩ Đinh Xuân Niêm, Chuyên gia cao cấp về HTX, nguyên Trưởng ban Chính sách, Liên minh HTX Việt Nam, cho rằng: “Không phải vì nước ta còn nghèo mới xây dựng và phát triển các HTX. Thực tế cho thấy nhiều nước đã phát triển trên thế giới, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… đã có phong trào phát triển HTX  từ lâu. Nhờ HTX mà họ thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn thành công. Phát triển HTX Việt Nam nên tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Vấn đề  “tam nông” tại ĐBSCL và cả nước nói chung chỉ có thể giải quyết tốt khi phát triển HTX thành công”.

Theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ĐBSCL đã và đang hình thành các vùng sản xuất chuyên canh về cây lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, cuộc sống nông dân trong vùng còn nghèo, thu nhập không ổn định do sản xuất nông sản thường xuyên gặp cảnh “được mùa, mất giá”, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh chưa ổn định, chất lượng không đảm bảo, giá thành sản phẩm cao… Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do các hộ gia đình, đơn vị kinh tế tư nhân mạnh ai nấy làm, chưa liên kết, hợp tác với nhau hoặc chưa có tổ chức, đơn vị nào đứng ra hỗ trợ, hướng dẫn người dân cách làm ăn phù hợp, hiệu quả. “Mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012 là mô hình rất phù hợp để giải quyết các vấn đề trên. Thông qua  HTX, các thành viên sẽ được cung cấp nguyên vật liệu đầu vào với giá thấp, hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật, công nghệ sản xuất và giúp tiêu thụ sản phẩm đầu ra một cách hiệu quả nhất”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

Để thúc đẩy phát triển HTX

ĐBSCL hiện chỉ có trên 1.110 HTX và  tỷ lệ nông dân trong vùng tham gia HTX còn thấp, khoảng 2-5% do phát triển HTX ở ĐBSCL và cả nước còn gặp nhiều khó khăn. Trình độ nguồn nhân lực và năng lực quản lý nội tại của các HTX rất yếu kém, nhiều người dân còn ngán ngại tham gia HTX do chưa thấy lợi ích khi gia nhập HTX. Vấn đề cấp thiết hiện nay là thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm  tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển bền vững. Đồng thời, cũng rất cần xây dựng mô hình làm điểm HTX kiểu mới để nhân rộng, phát triển.

Ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho rằng: “Trong 106 HTX nông nghiệp ở Hậu Giang đa số có quy mô nhỏ, hoạt động dịch vụ hạn chế và  còn gặp khó trong liên kết, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Để kinh tế hợp tác phát triển, bên cạnh cơ chế chính sách phù hợp cho HTX, thì con người là yếu tố rất quan trọng”. Ông Ngô Hồng Chiều, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Người có vốn, có trình độ sẽ thành lập doanh nghiệp chứ không muốn làm HTX. Trong 200 HTX trên địa bàn tỉnh, chủ nhiệm HTX có trình độ đại học rất ít. Trình độ của ban quản lý HTX hạn chế nên các HTX xã chỉ loay hoay làm một số dịch vụ như bơm tát, cung cấp giống…, chưa lo được đầu ra sản phẩm nên rất khó thu hút xã viên”. Theo ông Nguyễn Quốc Hải, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, chính những khó khăn về cơ chế chính sách, tài chính, con người và thiếu mô hình làm điểm để nhân rộng nên có nhiều HTX qua 10 năm hoạt động nhưng “hình hài” vẫn không thay đổi…

Đồng chí Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhìn nhận: “Có những HTX phát triển tốt, mang lại lợi ích thiết thực cho xã viên nhưng cũng có những HTX hoạt động kém hiệu quả. Thực trạng này khá phổ biến ở những huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ở một số nơi, quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác chưa được các cấp ủy đảng và chính quyền quan tâm chỉ đạo, còn hình thức trong củng cố và phát triển kinh tế tập thể; nhiều nơi coi nhẹ vai trò phát triển HTX, tổ hợp tác;… Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác của Nhà nước chưa đến được với HTX, tổ hợp tác. HTX khó vay vốn ngân hàng vì tài sản của tập thể không thể  thế chấp nên mất đi nhiều cơ hội kinh doanh. Bên cạnh đó, các HTX còn mang nặng tư tưởng bao cấp, sức cạnh tranh HTX còn yếu thế so với doanh nghiệp. Chúng ta cần phải có các giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế này”.

     Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Chia sẻ bài viết