10/09/2010 - 21:20

Đồng chí Tô Minh Giới, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - Trưởng ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa:

Xây dựng đời sống văn hóa là chiến lược quan trọng trong xây dựng và phát triển thành phố

 

TP Cần Thơ vừa Tổng kết 10 năm Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) và tuyên dương hơn 60 điển hình cá nhân và mô hình văn hóa tiên tiến. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với đồng chí Tô Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND thành phố – Trưởng Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH thành phố - về hướng phát triển mới của việc xây dựng đời sống văn hóa.

* PV: Thưa đồng chí, phong trào TDĐKXDĐSVH liệu có còn phù hợp với yêu cầu của TP Cần Thơ – đô thị loại I đang phát triển lên đô thị công nghiệp?

- Đúng là có nhiều ý kiến cho rằng nhiều tiêu chí và mô hình của phong trào không còn phù hợp với yêu cầu phát triển mới của TP Cần Thơ. Thậm chí có không ít người hoài nghi về sự tồn tại của phong trào trong tương lai. Tuy nhiên, qua các đợt tổng kết từ cấp cơ sở đến thành phố, đã cho thấy không thể phủ nhận những thành tựu của phong trào TDĐKXDĐSVH trong 10 năm qua. Có thể thấy rằng thời gian qua quy mô triển khai phong trào ngày càng rộng lớn, lôi cuốn sự tham gia của tất cả ngành, cấp chính quyền và đông đảo tầng lớp nhân dân, hình thành nếp sống văn hóa mới, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp và nhân tố con người trong xây dựng và phát triển thành phố.

Văn hóa cơ sở đã đóng vai trò kết nối sức mạnh của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân các cấp, đặc biệt là ở cơ sở với những mô hình đậm tính nhân văn và thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Lấy thí dụ, để có một xã - phường hoặc ấp – khu vực văn hóa, thì đảng bộ ở địa phương đó phải trong sạch vững mạnh, hệ thống chính trị đoàn kết từ trên xuống dưới; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, với hệ thống an sinh xã hội được quan tâm đầu tư; thiết chế và hoạt động văn hóa tinh thần phong phú; cảnh quan môi trường và an ninh trật tự được đảm bảo; hầu hết các hộ dân tại địa phương đều là những gia đình văn hóa với những tấm gương người tốt việc tốt, gia đình bình đẳng – ấm no – tiến bộ – hạnh phúc.

Phong trào TDĐKXDĐSVH còn kết nối nhiều phong trào của các ban, ngành, đoàn thể; như xóa đói giảm nghèo, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng cơ quan – trường học – đơn vị có đời sống văn hóa tốt, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phụ nữ tích cực học tập lao động, thanh niên xung kích phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc...

Tuy nhiên, từng lúc từng nơi phong trào TDĐKXDĐSVH chưa theo kịp tốc độ phát triển và nhu cầu của xã hội. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần thay đổi với nhiều mô hình và tiêu chí mới, có sự kế thừa những thành quả cũ nhưng cũng phối hợp sự phát triển của xã hội. Thành phố đang xây dựng đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” đáp ứng những yêu cầu mới của TP Cần Thơ – đô thị loại I trực thuộc Trung ương để triển khai thực hiện vào đầu năm 2011, điều chỉnh nhiều mặt đời sống, từ hành vi cá nhân đến các vấn đề lớn như mỹ quan đô thị, trật tự an toàn xã hội...

* PV: Thưa đồng chí, qua 10 năm nhìn lại, chúng ta có thể rút được kinh nghiệm gì về sự thiếu, yếu của phong trào TDĐKXDĐSVH?

- Điều đáng ngại nhất của phong trào là bệnh hình thức. Rất nhiều địa phương triển khai phong trào trong văn bản, báo cáo và con số thống kê, hô khẩu hiệu nhiều hơn làm, khiến phong trào chưa phản ánh đúng mục đích, thực chất. Nhiều nguyện vọng, đề xuất và những khó khăn của cơ sở chưa được quan tâm giải quyết thấu đáo. Tôi cho rằng song song với việc đưa ra những tiêu chí cụ thể, chi tiết và triển khai sâu rộng như thời gian qua; Ban Chỉ đạo cấp thành phố cần kết hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, chính quyền để xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, điều chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm.

Thực trạng đời sống xã hội thành phố còn nhiều vấn đề phức tạp. Đơn cử như tình trạng đối tượng phạm tội ở độ tuổi vị thành niên và thanh niên ngày một nhiều; đô thị hóa nhanh khi chưa có các chính sách xã hội tương thích đang ảnh hưởng đến đời sống vật chất lẫn tinh thần của không ít người nông dân; đạo đức xã hội có xu hướng xuống cấp, môi trường sinh thái ô nhiễm; việc cưới, tang, lễ hội còn phô trương, lãng phí. Mê tín dị đoan khi có cơ hội lại bùng phát, một số giá trị văn hóa dân tộc truyền thống đang có dấu hiệu mai một... Cho nên, phong trào TDĐKXDĐSVH cần tiếp tục đẩy mạnh bằng nhiều biện pháp cụ thể và thiết thực hơn nữa.

* PV: Như vậy, thành phố Cần Thơ sẽ làm gì để phong trào tốt hơn trong thời gian tới, thưa đồng chí?

- Ban Chỉ đạo TP Cần Thơ đang kiến nghị các ngành các cấp Trung ương xem xét thay đổi nhiều quy định để phong trào sát với thực tiễn hơn. Chẳng hạn như quy định mỗi ấp - khu vực văn hóa phải có Nhà thông tin 500m2 trở lên hoặc xã phường văn hóa phải có Nhà văn hóa trên 1.000m2 là chưa khả thi và hiệu quả. Cần đầu tư cho những khu văn hóa gia đình, hay những Nhà Văn hóa liên khu vực, liên phường nhằm đảm bảo cơ sở vật chất cũng như nguồn lực con người để điều hành quản lý. Thành phố sẽ kết nối các phong trào như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa – do ngành Văn hóa làm thường trực, với Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Khu dân cư của Mặt trận Tổ quốc và Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của Công an... để hỗ trợ cho nhau.

Đẩy mạnh phong trào TDĐKXDĐSVH trong tương lai sẽ vẫn là nhiệm vụ của toàn Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học, cán bộ công chức và nhân dân.

* Xin cảm ơn đồng chí!

XUÂN VIÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết