22/10/2016 - 15:41

Xây dựng đi đôi với bảo vệ môi trường

Vật liệu xây chiếm tỷ lệ lớn trong các vật liệu xây dựng công trình, trong đó bao gồm vật liệu đất nung. Quá trình đô thị hóa ở ĐBSCL đang diễn ra nhanh chóng, hoạt động sản xuất gạch đất nung cũng phát triển về quy mô, gây nên tình trạng ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên đất sét trong tự nhiên. Do đó, các địa phương trong vùng cần tập trung chuyển đổi sang sản xuất và sử dụng các loại vật liệu xây dựng không nung nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường, đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ cho các công trình xây dựng.

* Nhiều ưu thế chưa được phát huy

Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, dự báo nhu cầu sử dụng vật liệu xây ở nước ta vào năm 2020 cần 33 tỉ viên gạch quy tiêu chuẩn. Theo tính toán, để sản xuất ra 1 tỉ viên gạch đất sét nung, phải tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét, 150 ngàn tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn CO2. Ước tính, đến năm 2020, mỗi năm nước ta phải tiêu tốn 50 triệu m3 đất sét, 5 triệu tấn than và thải ra môi trường 19 triệu tấn CO2, gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác. Cùng với cả nước, quá trình đô thị hóa của vùng ĐBSCL đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Với yêu cầu quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, các tỉnh thành trong vùng sẽ cần đến khối lượng lớn vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình.

Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm gạch không nung tại Triển lãm Quốc tế VIETBUILD Cần Thơ 2016.

Kể từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg "Về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020". TP Cần Thơ là một trong những địa phương đã chủ động đưa loại vật liệu xây thân thiện này vào công trình xây dựng và tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về những tiện ích của vật liệu xây không nung. Ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ chủ động tuyên truyền, phổ biến bằng văn bản về lộ trình triển khai việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng; thực hiện kiểm soát bằng nhiều hình thức như thông qua hoạt động kiểm tra công tác nghiệm thu, hoạt động thẩm định thiết kế-dự toán công trình. Qua đó, các công trình theo quy định bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung và lộ trình áp dụng đối với các công trình không bắt buộc đã được thực hiện đúng theo quy định. Đến nay, 100% công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn thành phố được kiểm soát sử dụng vật liệu xây không nung.

Theo đánh giá của TP Cần Thơ và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đối với các công trình sử dụng vốn tư nhân, dù chưa có số liệu thống kê nhưng nhìn chung tỷ lệ sử dụng gạch không nung vẫn chưa cao. Thực trạng sản xuất gạch không nung vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu là sản phẩm gạch cốt liệu, chưa phát huy được ưu thế như loại gạch bê tông khí chưng áp (gạch ACC) giúp giảm tải trọng cũng như chi phí đầu tư cho công trình. Các yếu tố về giá thành, thói quen sử dụng cũng khiến nhiều công trình tư nhân chưa mạnh dạn sử dụng gạch không nung. Việc thay thế các lò nung gạch truyền thống bằng dây chuyền sản xuất gạch không nung cũng gặp không ít khó khăn do các cơ sở, doanh nghiệp thiếu chi phí đầu tư. Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng, cho biết: Hiện nay, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung chiếm trên 23% trong tổng số vật liệu xây, song cần đặt mục tiêu cao hơn để vật liệu xây không nung dần thay thế cho vật liệu xây bằng đất nung để bảo vệ cho nguồn tài nguyên đất không thể tái tạo được.

* Cần lộ trình phù hợp

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia vào chế tạo, chuyển giao công nghệ, thiết bị sản xuất một số loại vật liệu xây không nung, vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng. Các thiết bị, công nghệ sản xuất gạch không nung từ tro xỉ than không gây ô nhiễm và tiếng ồn cũng được các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư để thay thế các lò gạch nung truyền thống khi việc sử dụng sản phẩm gạch không nung ngày càng tăng. Ngoài gạch xây không nung, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm đa dạng như tấm panel Acotec với 3 thành phần chính là cát, xi măng và nước, giúp giảm nhẹ tải trọng cho công trình xây dựng, giảm công suất xây dựng.

Theo Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP (ngày 5-4-2016) "Về quản lý vật liệu xây dựng", các loại dự án nghiên cứu phát triển, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của nhà nước. Công ty cổ phần Xi măng Tây Đô (TP Cần Thơ) đã sử dụng xỉ hoạt lò cao để sản xuất thành công xi măng xỉ lò cao với tên gọi xi măng Tây Đô cọc đất dùng để gia cố nền đất yếu xung quanh đường hầm, cầu cảng, sân bay, các công trình ngầm; gia cố nền móng cho các công trình công nghiệp, nhà cao tầng… Ưu điểm của loại xi măng này là tương thích tốt với các loại đất sét mềm, đất bùn, thích hợp với địa chất, nhu cầu xây dựng ở ĐBSCL. Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát chất lượng, Công ty cổ phần Xi măng Tây Đô, cho biết: Việc sử dụng xỉ lò cao để sản xuất xi măng xỉ lò cao góp phần xử lý phế thải của ngành công nghiệp luyện kim, giảm thiểu tác hại đến môi trường. Lượng xỉ được dùng để thay thế clinker nên góp phần giảm việc khai thác nguyên liệu để sản xuất clinker. Hiện công ty đang tiếp tục nghiên cứu sử dụng phế phẩm xỉ lò cao cũng như tro xỉ nhiệt điện để sản xuất các loại xi măng khác nhằm tận dụng nguồn phế thải giá trị thấp thay thế các nguồn nguyên liệu khác ngày càng khan hiếm, góp phần giảm chi phí, đảm bảo tăng chất lượng công trình và bảo vệ môi trường.

Theo ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc sử dụng gạch không nung vào xây dựng tại ĐBSCL sẽ có nhiều lợi thế so với gạch đất sét nung như bảo vệ môi trường, cách âm, cách nhiệt, thi công nhanh, chống cháy… Việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung truyền thống sẽ là xu hướng tất yếu tại khu vực ĐBSCL trong thời gian tới nhằm giúp các tỉnh, thành trong vùng hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính, tạo ra các sản phẩm xanh và xây dựng nên những công trình xanh.

Bài, ảnh: LÊ MINH

Chia sẻ bài viết