13/07/2021 - 08:09

Xây dựng cơ chế giá mới cho dự án điện mặt trời 

Ðể tiếp tục khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ÐMTMN) khi Quyết định 13/2020/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6-4-2020 (Quyết định 13) hết hiệu lực từ ngày 31-12-2020, Bộ Công Thương đã xây dựng xong dự thảo liên quan đến cơ chế giá cho ÐMTMN và đang lấy ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ với những chính sách thiết thực đưa ÐMTMN phát triển đúng hướng.

Một công trình ÐMTMN trên địa bàn TP Cần Thơ

Theo dự thảo, giá dù vẫn duy trì mức cố định nhưng mức dự kiến giảm chỉ còn 5,2-5,8 UScent/kWh (theo Quyết định 13/2020/QÐ-TTg giá mua ÐMTMN là 8,38 UScent/kWh), tức là từ mức giá hơn 1.900 đồng/kWh xuống hơn 1.300 đồng/kWh, giảm khoảng 30% so với mức giá hiện tại. Theo Bộ Công Thương, mục đích của mức giá mới nhằm phát triển đúng hướng, tức khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt để tự dùng, thay vì tình trạng phát triển “nóng” ÐMTMN để hưởng giá cao khi đẩy hết công suất lên lưới. Thực tế, có không ít nhà đầu tư rơi vào tình trạng khi điện sản xuất ra nhưng không thể phát lên lưới do quá tải đường truyền. Ðó là hậu quả từ việc phát triển nóng, mà chính cơ quan quản lý không lường trước được.

Mức giá mới của từng dự án sẽ phụ thuộc vào quy mô công suất hệ thống lắp đặt, quy mô càng lớn giá sẽ càng thấp nhằm khuyến khích hộ gia đình lắp đặt hơn các trang trại, khu nhà công nghiệp, thay vì tất cả các loại hình điện áp mái đều có một mức giá như trước đây. Bên cạnh đó, để tiếp tục khuyến khích phát triển ÐMTMN, đồng thời hạn chế những vấn đề bất cập nêu trên, Bộ Công Thương đang nghiên cứu dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển ÐMTMN cho giai đoạn tới, theo hướng: tiếp tục áp dụng cơ chế giá cố định (giá FIT) cho ÐMTMN; giá mua điện phụ thuộc vào công suất của hệ thống ÐMTMN; quy định tỷ lệ tự dùng điện của người sản xuất/bên bán điện; quy định lắp đặt hệ thống mini-SCADA để vận hành, điều độ từ xa.

Trước những băn khoăn của các nhà đầu tư về dự thảo giá bán ÐMTMN dự kiến giảm đến 30%, các chuyên gia cho rằng, mức giá ÐMTMN theo dự thảo đưa ra là dựa trên tính toán giá thế giới và tình hình đầu tư thực tế tại Việt Nam. Thứ hai, là thiết bị lắp đặt cho điện mặt trời áp mái đã giảm khá nhanh trong thời gian qua. Thế nên, mức giá đưa ra cuối cùng là phải bảo đảm cho nhà đầu tư có lợi nhuận, vừa đúng tình hình thực tế về công nghệ, giá đầu vào… Ngoài ra, chính sách này nhằm khuyến khích nhà đầu tư làm điện để sử dụng với nguồn năng lượng sạch, phù hợp chính sách phát triển năng lượng tái tạo của quốc gia, mặt khác giảm áp lực truyền tải lưới điện…

Tại Công ty Ðiện lực Cần Thơ (PC Cần Thơ), các khách hàng lắp đặt ÐMTMN trước ngày 31-12-2020 và đã ký hợp đồng với ngành Ðiện thì công ty tiếp tục thực hiện mua điện theo hợp đồng đã ký kết. Thời hạn hợp đồng mua điện từ dự án ÐMTMN là 20 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng, giá mua điện thực hiện theo Quyết định 11 và Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ. Trong 6 tháng năm 2021, PC Cần Thơ không tiếp nhận khách hàng mới lắp ÐMTMN do Quyết định 13 đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, ngành điện vẫn khuyến khích khách hàng lắp ÐMTMN với công suất phù hợp để tự sử dụng, Ðiện lực hỗ trợ khách hàng thay thế hệ thống đo đếm phù hợp với hệ thống ÐMTMN. Năm 2020, TP Cần Thơ có 2.129 khách hàng sản xuất ÐMTMN. Trong đó, khách hàng hộ gia đình là 1.828, khách hàng doanh nghiệp 301. Lũy kế 6 tháng 2021, sản lượng ÐMTMN phát lên lưới 37,36 triệu kWh. Lũy kế từ năm 2020 đến tháng 6-2021, PC Cần Thơ đã trả tiền điện cho khách hàng ÐMTMN với tổng số tiền 91,204 tỉ đồng, tương ứng tổng sản lượng thanh toán 46,602 triệu kWh. Trong 6 tháng đầu năm 2021, PC Cần Thơ đã trả tiền điện cho khách hàng ÐMTMN 73,314 tỉ đồng, tương ứng 35 triệu kWh sản lượng điện. Dự kiến, năm 2021 PC Cần Thơ sẽ mua điện từ dự án ÐMTMN là 79 triệu kWh.

Bộ Công Thương đang chỉ đạo Cục Ðiện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để nghiên cứu cơ chế đấu thầu phát triển năng lượng tái tạo dự kiến áp dụng sau năm 2021. Theo đó, nhà đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo sẽ được lựa chọn theo hình thức đấu thầu và chính nhà đầu tư sẽ ra giá bán điện từ dự án năng lượng tái tạo thấp nhất. Mục đích của việc đấu thầu này nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt ÐMTMN vì mục đích sử dụng là chính. Dự kiến dự thảo này nếu được thông qua, có thể sẽ thay thế một phần Quyết định 13. Theo các chuyên gia, đấu thầu dự án điện mặt trời là phương án tối ưu nhằm ngăn tình trạng loại hình năng lượng này phát triển ồ ạt, dẫn tới tắc nghẽn lưới truyền tải như hiện nay. Ngoài ra, chọn được nhà thầu uy tín, chất lượng dự án thành công cao hơn và tránh những rủi ro dễ xảy ra về chất lượng, rủi ro về môi trường trong tương lai.

ÐMTMN là nguồn điện sạch, đây cũng là loại hình năng lượng tái tạo tận dụng được diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối,... do đó cần khuyến khích các thành phần kinh tế như hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia đầu tư để cấp điện tự dùng và phần dư bán lại cho Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam. Theo ý kiến từ một số chuyên gia, mức giá thu mua ÐMTMN mới là phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của cả nhà đầu tư và đơn vị mua điện.

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), lũy kế 5 tháng năm 2021 sản lượng ĐMTMN của khách hàng trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam phát lên lưới điện quốc gia đạt hơn 2,6 tỉ kWh, riêng tháng 5 đạt 630 triệu kWh. Theo EVNSPC, hiện tổng số khách hàng lắp đặt ĐMTMN đang vận hành trên lưới đến hết tháng 5-2021 là 54.084 khách hàng với tổng công suất tấm quang điện là 5.523MWp. Lũy kế 5 tháng năm 2021, Tổng công ty đã thanh toán trên 4.400 tỉ đồng tiền ĐMTMN cho các khách hàng tại 21 tỉnh, thành phía Nam.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết