19/11/2016 - 16:44

Kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2016)

Vượt khó, dạy tốt

"Cái bục giảng không cao. Nhưng đã có một đôi người vấp té. Viên phấn của lòng mình không giữ nổi trên tay..." (tác giả Đoàn Vị Thượng). Đó là những câu thơ ví von khó khăn của nghề "đưa đò". Những thầy, cô giáo chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện từng trải qua thăng trầm, đối diện với vất vả trong cuộc sống, nhưng vẫn kiên tâm bám trụ với nghề, mong muốn mang kiến thức đến cho học sinh…

1. Cơ duyên đưa thầy Nguyễn Tuấn Khanh (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy, quận Bình Thủy) đến với nghề là làm theo tâm nguyện của cha. Là nhà kinh tế nhưng cha thầy Khanh rất thích nghề giáo, vốn dĩ được xem như chuẩn mực đạo đức xã hội. Vì thế, sau khi tốt nghiệp THPT thầy Khanh theo học và tốt nghiệp khóa Trung học sư phạm.

Thầy Nguyễn Tuấn Khanh đang chuẩn bị kế hoạch cho buổi họp mặt ngày 20-11. Ảnh: THU HẰNG

Năm 1982, thầy Khanh về công tác tại trường cấp I, II Long Hòa. Để đưa con chữ đến với các em, hằng ngày thầy Khanh phải lội bộ 7-8 cây số, rồi qua cầu khỉ lắt lẻo, gập ghềnh, "vồ ếch" là bình thường. Thầy Khanh bồi hồi kể lại: "Lúc đó phải yêu nghề mới có thể trụ được. Đi dạy có ngày đường trơn trợt bị té, giáo án ướt sũng, quần áo lấm lem nhưng đến lớp nhìn ánh mắt ngây thơ của các em học sinh, tôi lại thấy vơi nỗi nhọc nhằn". Thầy không ngừng học hỏi đồng nghiệp, dành thời gian trau dồi kiến thức chuyên môn, điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp. Năm học 2013-2014, thầy Khanh được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy. Dù ở cương vị nào, thầy luôn tròn nhiệm vụ, năng động, sáng tạo, thường xuyên đổi mới công tác quản lý phù hợp tình hình thực tiễn. Theo chủ đề năm học, thầy chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo và tạo hứng thú học tập cho học sinh. Thầy Khanh luôn cải tiến nội dung sinh hoạt chuyên môn và tổ chức các chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như học tập của học sinh. Từ năm 2007 đến nay, trường luôn đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, được tặng Bằng khen của UBND thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng III.

Là Chủ tịch công đoàn cơ sở của trường, thầy Khanh chăm lo tốt về đời sống tinh thần và vật chất cho cán bộ, giáo viên, nhân viên như: tổ chức tham quan học tập, du lịch dịp lễ, hè. Ngoài ra, còn tham mưu với lãnh đạo cấp trên hoặc vận động đơn vị hỗ trợ các giáo viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Thầy Khanh còn phối hợp tốt giữa chính quyền, đoàn thể và các tổ chuyên môn trong việc tổ chức các phong trào thi đua của ngành, tham gia phong trào viết sáng kiến, sáng tạo kỹ thuật cấp thành phố (đơn vị đạt 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích). Các giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm các năm học qua áp dụng trong thực tế, được Hội đồng khoa học cấp quận, thành phố đánh giá cao và mang lại hiệu thiết thực đối với đơn vị và ngành. Hằng năm, công đoàn cơ sở được xếp loại vững mạnh xuất sắc; tập thể và cá nhân được Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ tặng Bằng khen.

2. "Nghề nuôi dạy trẻ tuy vất vả nhưng vui", đó là bộc bạch của cô Trần Thị Trúc Linh, giáo viên Trường Mầm non Hướng Dương (quận Ô Môn) với hơn 10 năm gắn bó với nghề. Một ngày làm việc của cô Linh bắt đầu từ 6 giờ 30 và kết thúc sau 17 giờ, tất bật lo từng bữa ăn, giấc ngủ, việc học hành, vui chơi của trẻ. Cô Linh cho biết: "Tôi thương ánh mắt ngây thơ, cử chỉ vụng về, câu nói ngây ngô của bé và hạnh phúc khi thấy các bé ngoan ngoãn, khỏe mạnh".

 Cô Trần Thị Trúc Linh đang kể chuyện cho trẻ. Ảnh: THU HẰNG

Sau tốt nghiệp Trung học sư phạm mầm non, cô về công tác tại Trường Mầm non Hướng Dương. Với kiến thức được trang bị cùng tinh thần ham học hỏi và cầu thị, cô Linh bắt nhịp nhanh với môi trường sư phạm. Cô Nguyễn Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Dương, cho biết: "Cô Linh là giáo viên dạy giỏi, thân thiện, hòa đồng, tích cực tham gia các phong trào ở trường. Cô Linh cùng nhiều giáo viên khác góp phần giúp trường đạt nhiều kết quả tốt trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ". Nắm bắt tâm lý các trẻ mầm non thích nghe kể chuyện, tham gia vui chơi tập thể, cô Linh thường xuyên đổi mới phương pháp để trẻ tiếp thu kiến thức tốt nhất. Cô tổ chức cho trẻ học tập tốt thông qua các trò chơi, hoạt động ngoài trời; chịu khó sưu tầm hình ảnh sinh động, làm đồ dùng, đồ chơi… tạo hứng thú và niềm vui cho trẻ trong mỗi giờ học. Cô Linh còn tranh thủ đem những sáng kiến kinh nghiệm ứng dụng vào thực tiễn chăm sóc, giáo dục, giúp trẻ phát triển toàn diện. Một trong các sáng kiến kinh nghiệm hiệu quả đạt giải cấp quận là đề tài của cô "Một vài biện pháp giúp trẻ 4 tuổi có một số hiểu biết về nghệ thuật". Qua đó, giúp trẻ nhận biết giai điệu một số bài hát, hát đúng giai điệu bài hát. Lồng ghép, kết hợp hoạt động âm nhạc và hoạt động tạo hình, giúp trẻ phát huy khả năng cảm thụ nghệ thuật tốt nhất; khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động nghệ thuật và thể hiện sự tự do, thoải mái sáng tạo của bản thân.

Là tổ trưởng tổ 4 (trẻ 4-5 tuổi), cô Linh luôn gương mẫu trong công tác chuyên môn cũng như tổ chức các chuyên đề, giúp đỡ tổ viên để cùng nhau tiến bộ. Cô Linh còn là Bí thư chi đoàn năng động, xung kích, tích cực với các phong trào. Sau giờ làm việc, cô Linh trở về với tổ ấm thân thương bên chồng con và cha mẹ. Cô Linh luôn sắp xếp thời gian khoa học để cân bằng giữa công việc và gia đình. Tuy khá bộn rộn nhưng cô Linh vẫn tranh thủ thời gian học Đại học sư phạm ngành mầm non để nâng cao trình độ chuyên môn.

3. Dịp cùng thầy Đoàn Minh Phụng, Giáo viên Tổng phụ trách Đội và học sinh Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1 (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) đến thăm thầy, cô giáo về hưu, chúng tôi cảm nhận được tình cảm của người "đưa đò thầm lặng". Vừa đến nhà thầy Lâm Đức Thắng, nguyên Hiệu trưởng của trường, thầy Phụng ân cần, trìu mến chào hỏi: "Tụi con đến thăm thầy, thầy ơi!". Thầy Thắng kể: "Hồi trước, "bắt" thầy Phụng về Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1 hoài, nhưng thầy không chịu và bảo dạy Trường Tiểu học Mỹ Khánh 2 quen rồi!". Không phải ngẫu nhiên mà thầy Thắng kể về chuyện này. Trước năm 2005, xã Mỹ Khánh có 2 trường (Tiểu học Mỹ Khánh 1 và Tiểu học Mỹ Khánh 2); sau này mới sáp nhập thành Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1. Khi đó, điều kiện giảng dạy ở Trường Tiểu học Mỹ Khánh 2 khó khăn, thiếu thốn. Mỗi ngày đến trường, thầy Phụng phải chuẩn bị cơm ăn cho cả ngày và chịu cảnh đò giang cách trở… nhưng thầy Phụng vẫn bám trường, bám lớp suốt mười mấy năm. Thầy Phụng nhớ lại: "Năm 1990, tôi làm Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Mỹ Khánh 2. Mỗi lần dự thi Nghi thức Đội cấp quận, huyện, thành phố, tôi và học sinh phải chặt sậy làm cán cờ, tận dụng những vật dụng có thể xung quanh trường. Thầy trò phải ba bốn lượt đi đò, đi xe mới đến điểm thi". Những khó khăn đó đã hun đúc tinh thần vượt khó của thầy trò và "rinh" về thành tích: Liên đội "Lá cờ đầu" của huyện Phong Điền 14 năm liền.

 Thầy Đoàn Minh Phụng đang giới thiệu cho học sinh về lịch sử, văn hóa của huyện Phong Điền. Ảnh: B. NG

47 tuổi đời, 26 tuổi nghề, thầy Phụng đạt nhiều thành tích đáng nể: Tổng phụ trách đội giỏi cấp thành phố (tỉnh) 18 năm liền (từ 1996-1997 đến 2013-2014); 4 lần được công nhận giáo viên tổng phụ trách đội giỏi khu vực ĐBSCL… Niềm vui nhân đôi, dịp 20-11 này, thầy vinh dự nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ và đang chờ kết quả phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Nói về thành tích đạt được, thầy Phụng cười: "Bên cạnh nỗ lực bản thân, tôi được sự hỗ trợ của lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp; đặc biệt là "hậu phương" vững chắc, giúp tôi yên tâm công tác". Theo thầy Phụng, để nâng cao hiệu quả công tác Đội, người thầy phải luôn đầu tư, thu hút học sinh yêu thích hoạt động Đội bằng những sáng kiến kinh nghiệm từ bản thân, học hỏi các đơn vị… như tổ chức các trò chơi dân gian; giúp học sinh rèn kỹ năng thực hiện Nghi thức đội. Đặc biệt, thầy Phụng có sáng kiến "xây dựng khu sinh hoạt truyền thống", tuy chỉ là khoảnh vườn nhỏ trong khuôn viên trường, nhưng các thông tin lịch sử, văn hóa, xã hội… của huyện được "gói gọn" với nhiều tranh ảnh, hiện vật; qua đó khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương trong học sinh. Em Nguyễn Phương Vy, học sinh lớp 4A4, nói: "Con rất thích khu vườn này, có thể ngồi tại đây để học tập hoặc vui chơi. Thầy Phụng sinh hoạt Đội rất vui và sinh động". Thầy Phụng cho biết: "Tôi rất yêu thích công việc này và thấy mình trẻ lại trước sự hồn nhiên của học sinh. Nếu cho tôi lựa chọn lần nữa, tôi vẫn chọn nghề dạy học!".

Ông Trần Việt Trường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ trao Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đại diện tập thể có thành tích xuất sắc trong
phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” năm học 2015-2016. Ảnh: THU HẰNG 

***

Dịp 20-11 năm nay, những cố gắng và sự tận tụy của thầy Phụng, thầy Khanh và cô Linh được khắc ghi với vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì công lao đóng góp cho sự nghiệp "trồng người".

Ngọc - Hằng

Chia sẻ bài viết