13/04/2007 - 10:24

"Vương quốc rắn" Đồng Tâm

Nằm cách thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) non 10 cây số, Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9 (NTNCCBDL) được nhiều người quen gọi là Trại rắn Đồng Tâm. Nơi đây còn được mệnh danh là “Vương quốc rắn” với đủ các loại rắn: hổ chúa, hổ mang, mai gầm, lục đầu dồ (xanh, vàng, đen, đỏ)... Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả những chú rắn độc ấy chính là những người lính mặc áo trắng đã từng chiến đấu với tử thần, cứu mạng cho biết bao người bị rắn cắn.

CHIẾN ĐẤU VỚI TỬ THẦN

Một góc bảo tàng rắn Đồng Tâm.
Chiếc xe cấp cứu liên tục rúc những hồi còi dài, đỗ xịch trước sân trung tâm NTNCCBDL Đồng Tâm. Cửa sau được mở ra. Nạn nhân được đưa nhanh vào phòng cấp cứu trong tình trạng mắt đã đứng tròng, lưỡi thụt, á khẩu, hôn mê sâu. Loại rắn cắn nạn nhân nhanh chóng được xác định là rắn hổ chúa - một loại rắn cực độc. Các bác sĩ quyết định truyền huyết thanh cho nạn nhân ngay lập tức. Nhưng cái khó nằm ở chỗ việc truyền huyết thanh phải đảm bảo đúng chủng loại, đúng kỹ thuật. Vì mỗi loại huyết thanh chỉ đặc trị một loại rắn. Nếu truyền không đúng kỹ thuật nạn nhân chẳng những không thoát khỏi tử thần và tử thần còn đến với họ nhanh hơn do bị sốc... Suốt 5 tiếng đồng hồ căng thẳng, hồi hộp, đội ngũ y bác sĩ phải sử dụng tới 18 lọ huyết thanh, các loại thuốc cùng dịch truyền nạn nhân đã được cứu thoát khỏi bàn tay tử thần, dần dần hồi tỉnh. Cuối cùng nạn nhân được cứu sống. Đó là cháu Trần Hoàng Minh, 12 tuổi, ở xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri, Bến Tre.

Thiếu tá Phan Văn Phát, Trưởng khoa Cấp cứu, Trung tâm NTNCCBDL Đồng Tâm, cho biết: “Nhiều nạn nhân khi được đưa tới Trung tâm chậm, rất nguy kịch. Chúng tôi phải cố gắng hết sức mình theo phương châm “còn nước còn tát” để cứu họ khỏi bàn tay tử thần. Cách đây chưa lâu, một nạn nhân bị rắn cắn đưa tới trung tâm trong tình trạng nguy kịch. Nạn nhân là nhân viên tại nhà hàng đặc sản chế biến thịt rắn ở Đồng Nai, bị rắn cắn trong quá trình làm rắn để phục vụ thực khách. Được cứu sống, anh ta mừng vui cám ơn rối rít và hứa từ bỏ cái nghề gửi hồn cho tử thần này”.

Chị Nguyễn Thị Hường, 47 tuổi, ở xã Tân Hòa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị rắn chằm quạp cắn. Sau khi đưa chị đi chữa trị bằng thuốc nam nhưng không khỏi, cái chết đã cận kề, cuối cùng gia đình mới vội vàng đưa chị tới Trung tâm NTNCCBDL Đồng Tâm trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ của Trung tâm đã căng mình cứu chữa. Kết quả: chị Hường được cứu sống. Chị mừng vui, nước mắt tuôn trào: “Nhờ các bác sĩ Trại rắn Đồng Tâm, tôi đã được sinh ra lần thứ hai. Thật không biết lấy gì đền đáp công ơn này!”.

Bản danh sách những người bị rắn độc cắn được Trung tâm Đồng Tâm cứu thoát khỏi bàn tay tử thần cứ mỗi ngày một dài thêm. Nếu tính trung bình mỗi năm có 500 người bị rắn độc cắn được cứu sống thì ngót 20 năm qua số người được trung tâm “cải tử hoàn sinh” sẽ là con số lên tới hàng chục ngàn người. Tôi hỏi Thiếu tá Phát: “Làm thế nào để biết được loại rắn cắn nạn nhân để quyết định truyền loại huyết thanh cho chính xác?”. Trước câu hỏi thật thà, có phần hơi ngô nghê của tôi, anh Phát nở nụ cười nói: “Trước tiên, chúng tôi phải quan sát vết thương của nạn nhân, tiếp đến là các biểu hiện lâm sàng (mỗi loại rắn cắn có biểu hiện lâm sàng riêng) kết hợp với kinh nghiệm chẩn đoán của riêng mình để đề ra cách chữa trị”.

TẤM LÒNG NGƯỜI LÍNH

Hiện nay, Trung tâm có thể cứu sống những người bị rắn độc cắn chỉ còn thoi thóp, nếu đem đến Trung tâm kịp thời. Trung bình thời gian điều trị cho nạn nhân bị rắn độc cắn mất khoảng 10-15 ngày. Có những ca bị rắn cực độc cắn, vết thương bị hoại tử thời gian điều trị phải mất 2- 3 tháng. Với vết thương bị hoại tử, các bác sĩ Trung tâm sẽ cắt bỏ chỗ bị hoại tử, sau đó tiến hành ghép da cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Danh Sinh, Giám đốc Trung tâm NTNCCBDL Đồng Tâm, người gắn bó với trung tâm ngay từ những ngày đầu thành lập, nhớ lại một thời gian khó: Lúc đầu, cơ sở vật chất của trung tâm chỉ là vài ba căn nhà cấp 4 xiêu vẹo, cuộc sống của anh em hết sức khó khăn, vất vả. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên giao, mỗi người dân được cứu sống là niềm vui, là hạnh phúc của mình. Có được cơ ngơi như hôm nay một phần lớn là có sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của lãnh đạo Quân khu, của Bộ Quốc phòng. Đặc biệt, Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà không chỉ thăm hỏi, động viên mà còn làm cầu nối để Công ty TNHH Him Lam xây tặng cho Trung tâm toàn bộ khu nhà khoa cấp cứu, trị giá 1,6 tỉ đồng.

- Thế còn chuyện quyết định miễn viện phí cho bệnh nhân mới đây của các anh? Tôi hỏi.

- Đó là nhờ tấm lòng hào hiệp của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ. Hơn 99% số nạn nhân bị rắn cắn đưa đến đây là những người nghèo. Chứ còn người giàu mấy ai phải vào vườn, vào rừng lao động mà bị rắn cắn. Mình không giúp đỡ họ thì giúp ai. Việc miễn viện phí giúp họ giảm bớt được gánh nặng tiền bạc.

Trung bình mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận hơn 500 ca bị rắn độc cắn, nhưng đáng mừng là nhiều năm nay không có trường hợp nào tử vong. Từ tháng 3-2006, các bệnh nhân đến đây được khám miễn viện phí với mỗi ca giảm khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Tổng số tiền miễn viện phí của Trung tâm NTNCCBDL Đồng Tâm trong 9 tháng đã lên tới khoảng 150 triệu đồng.

ĐIỂM DU LỊCH HẤP DẪN

Không chỉ điều trị rắn độc cắn cho quân và dân các tỉnh ĐBSCL, Trung tâm NTNCCBDL Đồng Tâm còn có nhiệm vụ bảo tồn các nguồn dược liệu quý; bảo tồn các loại động vật quý hiếm, nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc y học cổ truyền dân tộc. Hiện nay, Bảo tàng rắn của Trung tâm trưng bày và nuôi 52 loài rắn- trong đó có nhiều loài quí hiếm như: mai gầm, hổ mang, hổ chúa, cạp nia... Con rắn hổ chúa lớn nhất từng được nuôi ở đây nặng đến 18kg, dài 4,5 mét. Đặc biệt, Trung tâm còn giữ nhiệm vụ bảo tồn nguồn gien của 2 loại rắn quý được ghi trong Sách đỏ Việt Nam là rắn hổ chúa và rắn hổ mang. Bảo tàng cũng đang lưu giữ tiêu bản của hầu hết các loại rắn hiện đang sống ở Việt Nam. Bảo tàng rắn của Trung tâm NTNCCBDL Đồng Tâm đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam cấp giấy công nhận là bảo tàng rắn đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 14- 8 - 2005. Đồng thời, Trung tâm còn tham gia quỹ bảo tồn gien NAJA- bảo tồn rắn hổ chúa.

Từ lâu, trung tâm trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều đoàn khách quốc tế, khách du lịch trong và ngoài nước, nhiều nhà khoa học, học sinh - sinh viên... đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về rắn và nhiều loại động thực vật khác. Hiện nay, khu du lịch của Trung tâm có 20 loại thú, 30 loại cây thuốc nằm trong danh sách bảo tồn nguồn gien. Bây giờ thì tôi mới hiểu vì sao ngành du lịch lại chọn Trung tâm NTNCCBDL Đồng Tâm là điểm đến chính thức trong tua tới thăm Tiền Giang.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn sản xuất các loại thuốc y học cổ truyền dân tộc: thuốc Copratox chiết xuất từ nọc rắn dùng cho người cao tuổi, cầu thủ chống nhức mỏi cơ khớp, viên thuốc chữa cấp cứu bị rắn cắn tạm thời được chế biến từ cây kim vàng hay các thuốc có tác dụng bồi bổ cơ thể: cao trăn, cao khỉ, mỡ trăn. Giám đốc Nguyễn Danh Sinh cho biết: “Chúng tôi chủ trương xây dựng mô hình du lịch khoa học sinh thái. Du khách tới tham quan trung tâm ngoài việc nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng, miệt mỏi, họ sẽ học hỏi được những điều bổ ích. Đây chính là lý do chúng tôi đưa ra khái niệm du lịch khoa học sinh thái. Du khách không chỉ khám phá, tìm hiểu về những loài bò sát, những loài rắn, còn được cung cấp kiến thức bổ ích về cách phòng chữa trị rắn cắn. Việc thực hiện chương trình tuyên truyền lồng ghép với du lịch đã phần nào phát huy tác dụng”.

Đến nay, Trung tâm đã kết hợp với các trạm y tế địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân kiến thức về cách phòng ngừa rắn độc, cũng như sơ cấp cứu ban đầu trước khi đem đến bệnh viện gần nhất. Mới đây, Trung tâm đã tổ chức lớp hướng dẫn cho hơn 700 học viên Trường Trung cấp Quân y 2 và các cơ sở y tế tỉnh Bến Tre về phương pháp cấp cứu khi bị rắn độc cắn. Trung tâm cũng sẵn sàng tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về cấp cứu, chữa trị rắn độc cho các cơ sở y tế, cung cấp huyết thanh điều trị rắn căn với giá gốc lấy từ Viện Pasteur Nha Trang.

Trung tâm đã nghiên cứu thành công 4 đề tài cấp bộ, tham gia phối hợp cùng với Viện Pasteur Nha Trang (Bộ Y tế) nghiên cứu, sản xuất huyết thanh chữa trị cắn. Đặc biệt, Trung tâm nghiên cứu đề tài sản xuất viên thuốc chống lạnh cho bộ đội hoạt động ở vùng có nhiệt độ thấp được Bộ Quốc phòng và các đơn vị ủng hộ, hoan nghênh. Dây chuyền sản xuất thuốc y học dân tộc của trung tâm được đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ đạt tiêu chuẩn quốc tế GMP. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tập trung nghiên cứu các sản phẩm công nghệ sinh học.

Một ngày tại “Vương quốc rắn” Đồng Tâm đã đem đến cho tôi biết bao điều kỳ thú, hấp dẫn. Những phút giây thư giãn thật tuyệt vời; sự khám phá, tìm hiểu những bí ẩn diệu kỳ của các loài rắn, đem lại những kiến thức bổ ích cho cuộc sống. Cầu chúc cho Trung tâm NTNCCBDL Đồng Tâm sẽ mãi là “điểm tựa” cho những người nghèo không may bị rắn cắn, một điểm đến ngày càng hấp dẫn với nhiều du khách.

Ghi chép ĐĂNG QUANG

Chia sẻ bài viết