01/08/2019 - 07:32

Vướng mắc trong việc xác lập tài sản chung của vợ chồng 

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HNGD 2014) được ban hành và thay thế Luật HNGD năm 2000 là một bước tiến quan trọng về mặt lập pháp. Luật này mang tính đột phá với nhiều quy định mới, tiến bộ được bổ sung, nhất là quy định về xác lập tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, trong thực tiễn công chứng việc xác định tài sản chung của vợ chồng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Thanh Đình  phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết  thi hành Luật HNGĐ 2014.

Một số điều trong Luật HNGĐ 2014 đã quy định trực tiếp sự tham gia của Công chứng viên vào giải quyết các vấn đề phức tạp trong quan hệ hôn nhân, gia đình và tài sản chung như: Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân; thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng và thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đã góp phần phát huy vai trò, củng cố vị thế của nghề công chứng trong việc đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, trong đó có các giao dịch liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình. Bên cạnh những mặt tiến bộ mà Luật HNGĐ 2014 đã đạt được, trong thực tiễn thực hiện công chứng các giao dịch về tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng đang phát sinh một số vấn đề vướng mắc cần được khắc phục.

Luật HNGĐ 2014 quy định rất rõ các trường hợp đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung của vợ chồng: “Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”. Tuy nhiên, trong trường hợp tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng riêng của vợ hoặc chồng nhưng được vợ chồng đầu tư, xây dựng thêm thì có trở thành tài sản chung của hai vợ chồng không?

Hiện nay việc xác định tài sản riêng của vợ chồng tồn tại nhiều quan điểm không thống nhất. Có quan điểm cho rằng tài sản lúc đầu đã là tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì không thể dịch chuyển từ tài sản riêng thành tài sản chung vợ chồng nếu không có sự thỏa thuận của vợ chồng về việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung bằng văn bản. Do đó, khi xác lập các giao dịch mang tính chuyển dịch tài sản đó không cần có sự thể hiện ý chí của người vợ hoặc người chồng còn lại. Quan điểm khác ngược lại quan điểm vừa nêu cho rằng tài sản riêng của vợ hoặc chồng nhưng đã được vợ chồng đưa vào quản lý, sử dụng chung thì được xem là tài sản chung vợ chồng dù nguồn gốc tài sản đó là tài sản riêng của vợ hoặc chồng, bởi vì nguồn gốc tài sản không thể quyết định được quyền định đoạt tài sản tại thời điểm giao dịch, tài sản hiện tại đã được phát triển, tôn tạo và tăng lên giá trị gấp rất nhiều lần so với ban đầu nhờ vào công sức chung của hai vợ chồng.

Tuy nhiên, hai luồng quan điểm nêu trên đều cho rằng khi tài sản riêng của vợ hoặc chồng được đưa vào kinh doanh hay quản lý, sử dụng thì quá trình đó bao hàm luôn việc làm tăng giá trị tài sản hay nói cách khác là làm thay đổi trạng thái giá trị ban đầu của tài sản sang một vị trí giá trị cao hơn. Nghĩa là không tách bạch việc quản lý, sử dụng và việc đầu tư, xây dựng thành hai trường hợp độc lập. Sự không tách bạch đó là hoàn toàn phù hợp, bởi trong quá trình khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chắc hẳn phải có quá trình sửa chữa, nâng cấp, xây dựng để tài sản đó đem lại hoa lợi, lợi tức cao nhất.

Từ những bất cập đó, Hiệp hội Công chứng Việt Nam đã đề ra giải pháp: Đối với trường hợp tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng riêng của vợ hoặc chồng đưa vào quản lý, sử dụng chung thì khi xác lập, thực hiện giao dịch mang tính chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đó pháp luật cần quy định nếu tài sản sau quá trình được đưa vào quản lý, sử dụng mà giá trị tài sản đó tăng lên so với lúc đầu thì việc định đoạt tài sản đó cần phải xác định, làm rõ: Nếu việc tăng giá trị đó chứng minh được là từ tài sản riêng của chủ sở hữu, chủ sử dụng thì việc định đoạt tài sản đó không cần người vợ hoặc người chồng còn lại đồng ý. Ngược lại, nếu không chứng minh việc tăng giá trị tài sản đó từ tài sản riêng của chủ sở hữu, chủ sử dụng thì việc định đoạt cần phải có sự đồng ý của hai vợ chồng.

Bên cạnh đó, đối với văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng thì nó có được xem là căn cứ xác định tài sản chung vợ chồng hay không. Sau khi thực hiện việc lập văn bản thỏa thuận và đã kết hôn, vợ chồng có cần phải đăng ký sang tên rồi mới được thực hiện các giao dịch tiếp theo hay mặc nhiên được thừa nhận và tham gia giao dịch.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết  thi hành Luật HNGĐ 2014, ông Nguyễn Thanh Đình, Chủ tịch Hội Công chứng viên TP Cần Thơ, đề xuất bên cạnh quy định chế độ tài sản chung của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn thì cần bổ sung sửa đổi như sau: Việc thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng trước khi kết hôn phải được ghi vào giấy đăng ký kết hôn - thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng là thời điểm thỏa thuận được ghi vào giấy đăng ký kết hôn. Điều này cũng liên quan đến các quy định của Luật Công chứng, các quy định hạn chế thực hiện công chứng theo phạm vi địa hạt như hiện nay có thể là một trở ngại lớn cho công chứng viên khi thực hiện công chứng tài sản nói chung và tài sản vợ chồng nói riêng. Việc sửa đổi cần theo hướng xóa bỏ địa hạt công chứng sẽ giúp cho công chứng viên có thể kiểm soát tốt hơn nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch mà mình chứng nhận liên quan đến tài sản vợ, chồng. Tuy nhiên, bên cạnh việc xóa bỏ địa hạt thì cần phải có giải pháp như xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng dùng chung trong cả nước.

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Chia sẻ bài viết