21/08/2015 - 21:21

PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH

Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL cần tăng cường liên kết phát triển bền vững

* BIDV: Khoảng 2.509 tỉ đồng ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển

(CT)- Ngày 21- 8, tại TP Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND TP Cần Thơ và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030". Tham dự hội thảo có đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cùng lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL cùng với gần 170 đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Đồng chí Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội thảo.

Vùng KTTĐ ĐBSCL gồm TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Đây là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông sản, thủy sản cả nước; là trung tâm năng lượng, dịch vụ - du lịch lớn của cả nước; là cầu nối trong hội nhập kinh tế khu vực và giữ vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh của đất nước… Thời gian qua các Bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh, thành trong vùng KTTĐ vùng ĐBSCL phối hợp triển khai nhiều giải pháp; đề xuất Trung ương ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, đào tạo nguồn nhân lực… Qua đó, kinh tế - xã hội của vùng KTTĐ ĐBSCL phát triển theo hướng tích cực. Giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng (GDP) bình quân của vùng khoảng 11%/năm; năm 2015 thu nhập bình quân đầu người ước đạt khoảng 2.470 USD/người/năm... Dù đạt được kết quả khả quan, nhưng vùng KTTĐ vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Đó là: Kết cấu và quy mô kinh tế của vùng còn nhỏ, thiếu tính bền vững; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; chưa xác định rõ sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp mũi nhọn để đầu tư đúng mức; nông nghiệp công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa còn nhiều khó khăn, chưa gắn kết được chuỗi giá trị nông sản. Môi trường và cơ chế chính sách đầu tư chưa thực sự hấp dẫn để thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài. Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch có mặt chưa tốt; kết cấu hạ tầng trên một số lĩnh vực thiếu đồng bộ; cơ sở vật chất về y tế còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực thấp; công tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Để vùng KTTĐ ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững, tại hội ghị, nhiều giải pháp đã được các nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất. Trong đó, nổi bật là cần thực hiện liên kết vùng, thúc đẩy liên kết phát triển giữa các tỉnh, thành trong vùng KTTĐ và giữa vùng KTTĐ với các tỉnh khác trong vùng và trong cả nước trên các lĩnh vực. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế. Tăng cường đầu tư cho giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa để nâng cao trình độ dân trí, tỷ lệ lao động qua đào tạo và chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo cơ chế khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham vấn những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, thành...

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hội nhập với khu vực mạnh hơn, nhiều hơn và rộng hơn nên tính cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến nhanh hơn, thất thường và cực đoan hơn. Trong bối cảnh này, vùng ĐBSCL, trong đó có vùng KTTĐ cần lựa chọn sản phẩm thế mạnh của từng vùng, từng địa phương trên nền tảng gắn kết với thị trường trong và ngoài nước. Từ đó phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp, như: cơ sở hạ tầng cho vùng công nghiệp, vùng nông nghiệp… Phát triển hạ tầng khung của vùng phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bên cạnh đó, vùng cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tổ chức lại sản xuất để rút lao động trong sản xuất nông nghiệp phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ… Phải tổ chức sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, tăng giá trị trên một đơn vị sản xuất. Cần mở rộng mô hình liên kết trong sản xuất, như: liên kết giữa dân với dân; liên kết giữa doanh nghiệp với người dân ở đầu vào và cả đầu ra. Trên hết, cần liên kết vùng để đảm bảo phát triển bền vững. Bao gồm: Liên kết tự nguyện giữa các địa phương; liên kết bắt buộc giữa các tỉnh liền kề nhau, có thế mạnh giống nhau để không triệt tiêu lẫn nhau trong quá trình phát triển. Ngoài ra, Nhà nước từ trung ương đến địa phương cần có cơ chế chính sách phù hợp; nhất là định hướng nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường. Các địa phương cần nhanh nhạy và sáng tạo vận dụng các chính sách phù hợp... để có phát triển bền vững, không ngừng nâng cao vật chất, tinh thần cho người dân.

* Dịp này, BIDV đã ký thỏa thuận với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, triển khai dự án kênh Quan Chánh Bố; ký thỏa thuận nguyên tắc tài trợ dự án BOT quốc lộ 1A tại Sóc Trăng, Bạc Liêu; ký các thỏa thuận nguyên tắc về tài trợ vốn lưu động trong lĩnh vực thủy sản cho nhóm Công ty TNHH Nam Hải - Thanh Thế - Cổ Chiên, tài trợ vốn lưu động kinh doanh lương thực và phương án cánh đồng lớn cho Công ty TNHH Trung An; hỗ trợ Chương trình đào tạo- giáo dục kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế và quản trị công tại TP Cần Thơ… Tổng giá trị các thỏa thuận hợp tác ký kết khoảng 2.509 tỉ đồng. Ngoài ra, Công đoàn BIDV còn trao tặng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam Bộ 3 tỉ đồng…

Tin, ảnh: Hà Triều

Chia sẻ bài viết