21/09/2022 - 11:04

Vun bồi tình yêu nghệ thuật cải lương 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Vòng sơ tuyển Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2022 (Giải thưởng Trần Hữu Trang) vừa khép lại thành công sau đêm thi tuyển ở Nhà hát Tây Ðô, TP Cần Thơ. Những tiết mục dự thi cho thấy sự yêu nghề, trọng nghề của các nghệ sĩ cải lương.

Tham gia Giải thưởng Trần Hữu Trang 2022 có 40 thí sinh là các nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp trong cả nước. Trong đó, các đơn vị nghệ thuật ở khu vực ÐBSCL có 10 nghệ sĩ dự thi (4 nghệ sĩ được đặc cách vào vòng chung kết, 6 thí sinh thi sơ tuyển). Ðêm thi sơ tuyển khu vực ÐBSCL tại Nhà hát Tây Ðô vào cuối tuần qua đã mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc với những vai diễn xúc động.

Nghệ sĩ Nhật Thanh vai Đặng Hiền (bên trái) trong trích đoạn “Ký ức mùa xuân”.

Nhà hát Tây Ðô có 3 nghệ sĩ dự thi, trong đó nghệ sĩ Phương Anh được đặc cách vào chung kết, 2 nghệ sĩ là Hồng Giang và Mỹ Hạnh thi sơ tuyển. Phần thi của hai nữ nghệ sĩ với hai màu sắc khác nhau, diễn ra khá thành công. Mỹ Hạnh thi hạng mục đào mụ, vào vai má Năm trong trích đoạn “Cây thốt nốt quỳ”. Câu chuyện người mẹ Nam Bộ đi tìm hài cốt của chồng là liệt sĩ với bối cảnh nơi cây thốt nốt quỳ đã lấy nước mắt người xem. Còn với nữ nghệ sĩ trẻ Hồng Giang, vai diễn Lý Chiêu Hoàng trong trích đoạn “Vương triều đẫm lệ” (hạng mục đào mùi) đã tạo nhiều đất diễn cho cô. Một cô gái nhỏ trở thành “con bài chính trị” của người lớn, với những lo âu, dằn vặt, đau khổ... được Hồng Giang lột tả trọn vẹn.

Phần thi của 4 thí sinh còn lại cũng rất ấn tượng. Huỳnh Tiểu Nhi (Ðoàn Cải lương Hương Tràm, Cà Mau) vào vai Thắm, hạng mục đào mùi, trong trích đoạn “Chớp biển”. Bích Trâm (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang) thi hạng mục đào mụ với vai bà Hằng trong “Ký ức mùa xuân”. Cũng với trích đoạn này nhưng nghệ sĩ Nhật Thanh (Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu) thi hạng mục kép lão, vai Ðặng Hiền. Nghệ sĩ Hồng Mảnh (Trung tâm Văn hóa tỉnh Cà Mau) thì chọn trích đoạn “Nỗi niềm sau cuộc chiến” để thi diễn hạng mục đào mùi, vai Tâm.

Nhìn chung, 6 thí sinh trong đêm thi tại Nhà hát Tây Ðô đều là những nghệ sĩ có thâm niên trong nghề, các tiết mục được đầu tư, dàn dựng công phu, bài bản. Nhìn những màn hóa thân khóc, cười trên sân khấu của các nghệ sĩ, khán giả dễ cảm nhận được tình yêu của họ dành cho nghệ thuật cải lương. Những giọt nước mắt, mồ hôi trên sân khấu đã giúp những vai diễn thêm thăng hoa.

Ðiển hình như nghệ sĩ Nhật Thanh, sinh năm 1966, đến từ Bạc Liêu, vào vai kép lão Ðặng Hiền trong trích đoạn “Ký ức mùa xuân”. Vốn công tác tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nhưng rồi sau một cơn bệnh ngặt nghèo, ông không thể di chuyển được. Không gục ngã, ông cố gắng vượt qua bệnh tật, tập vận động và duy trì tập luyện nghệ thuật. Vậy rồi sức khỏe ông dần bình phục, ông về tham gia Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu để thỏa đam mê cải lương. Nghệ sĩ Nhật Thanh tâm sự rằng: Tham gia Giải thưởng Trần Hữu Trang lần này, ông không nặng nề chuyện thành tích mà cốt sao được diễn, được gặp lại bạn bè, đồng nghiệp và khán giả. Tình yêu cải lương trong ông mãnh liệt lắm.

Quả vậy, dù kết quả vòng sơ tuyển ra sao, các nghệ sĩ cũng đã hết mình với nghề và với vai diễn. Ðạo diễn Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Cuộc thi đã khơi gợi ý thức rèn luyện, tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng khán giả của nghệ sĩ. Ban Tổ chức cũng ghi nhận lòng yêu nghề, tôn vinh sức sáng tạo của nghệ sĩ, khuyến khích sự phấn đấu của các nghệ sĩ với mục đích bảo tồn và thăng hoa sân khấu cải lương”.

Chia sẻ bài viết