Cứ mỗi độ hè về, Cần Thơ lại vào mùa trái ngọt, thu hút nhiều du khách. Cồn Sơn - vùng đất nằm giữa lòng sông Hậu, có nhiều vườn cây trái sum suê và những trải nghiệm dân dã miệt vườn, thích hợp để nhiều gia đình đến tham quan và trải nghiệm một mùa hè gợi nhớ kỷ niệm tuổi thơ.
Chị Bảy Muôn (ảnh, phải) chỉ dẫn các em nhỏ làm bánh kẹp cuốn.
Từ khi mùa hè bắt đầu, lượng du khách đổ về cồn Sơn gấp 2-3 lần so với thường ngày. Nhiều du khách lựa chọn điểm đến này để có những trải nghiệm đúng chất miệt vườn dân dã, thỏa thích vui chơi với nhiều hoạt động tham quan bè cá, xem tuyệt chiêu cá lóc bay, vào vườn hái trái, học làm bánh dân gian, thưởng thức các món ăn đồng quê dân dã… Hơn hết là cảm nhận nếp sống đôn hậu, mộc mạc của người dân địa phương.
Cách đất liền 600m, cồn Sơn rộng trên 67ha, được ví như viên ngọc ngậm trong miệng rồng của làng cổ Long Tuyền. Nhìn từ xa, cồn Sơn có vẻ hoang sơ khi được bao bọc bởi những rặng bần, bốn mặt là sông nước mênh mông. Được phù sa bồi lắng quanh năm, cồn Sơn vẫn giữ được không gian xanh lý tưởng với những vườn cây sum suê, trĩu quả. Để đến cồn Sơn, du khách chỉ mất chừng 5-10 phút sang bến đò Cô Bắc, còn nếu đi từ Bến Ninh Kiều thì mất khoảng 30-45 phút. Ở cửa ngõ cồn Sơn, đón du khách là bè cá Bảy Bon - nơi nuôi hàng chục loại cá đặc sản nước ngọt: cá hô, thác lác, cá chạch lấu, cá heo, cá éc, cá lăng, cá vồ đém… Bè cá của ông Lý Văn Bon là một trong những điểm tham quan hấp dẫn với nhiều du khách phương xa. Tại đây, du khách không chỉ được tìm hiểu về đặc tính của các loài cá nước ngọt vùng ĐBSCL mà còn chiêm ngưỡng nhiều loài cá lạ, như: trê hồng, hỏa long (chạch lửa), hồng vỹ mỏ vịt, cá cọp, cá chép Koi ngũ sắc, cá mang rổ (còn gọi là cá cung thủ bởi đặc tính săn mồi bách phát bách trúng bằng nước bọt)… Trong đó, có không ít màn trình diễn ấn tượng như đàn chép Koi tạo hình, cá mang rổ săn mồi khiến du khách ngạc nhiên.
Rời bè cá, du khách chính thức đặt chân lên đất cồn. Dải đất này mang đến cảm giác thanh bình bởi vẻ đẹp mộc mạc, hồn hậu với cảnh vườn cây, ao cá, bến sông. Không gian quê hết sức thoáng đãng và thanh mát. Trên cồn Sơn có vài chục hộ dân sinh sống, chủ yếu gắn bó với nghề làm vườn, ngày nay họ tận dụng lợi thế này để làm du lịch. Không khó để tìm vườn cây tham quan ở cồn Sơn, tùy theo mùa, khách có thể ghé: vườn chôm chôm Song Khánh, vườn bưởi Phương My, vườn vú sữa bơ hồng của cô Sáu, hay vườn nhãn da bò Năm Minh, nhãn ido Sáu Cảnh, vườn ổi, nhãn xuồng cơm vàng Thành Tâm… Cây trái ở đây đều có quanh năm, trĩu quả, chỉ cần với tay là du khách có thể hái và thưởng thức tại chỗ. Du khách còn được trải nghiệm cuộc sống của nông dân qua các hoạt động: câu cá, mò cua, bắt ốc, tát mương bắt cá… Sau nhiều giờ lặn ngụp, lấm lem bùn đất, thành quả thu được là những con cá đồng: cá lóc, rô phi, cá trê… vẫn còn giãy đầy sức sống, khiến không ít khách vui sướng. Khách có thể nhờ người dân chế biến tại chỗ với nguyên liệu sẵn có trong vườn, thành những món đồng quê tuyệt vời, như: cá nướng rơm hay bẹ chuối, ốc nướng, lẩu ốc…
Không chỉ khai thác vườn, người dân cồn Sơn còn biết sáng tạo để tạo thêm sức hấp dẫn, đó là huấn luyện cá lóc bay. Để xem cá lóc bay, khách di chuyển đến nhà vườn Tín - Hòa ở cuối đuôi cồn, hoặc đến nhà vườn Thành Tâm ở đoạn giữa cồn. Trong những vèo chứa hàng trăm con cá, nghe hiệu lệnh thì đồng loạt bay lên cao, thậm chí cả mét, tạo nên cảnh tượng rất vui mắt và độc đáo.
Đến cồn Sơn là phải trải nghiệm và thưởng thức bánh dân gian, đó là câu truyền tai của của nhiều du khách khi đã đến cồn Sơn. Tại đây có không ít nghệ nhân làm bánh và cái hay của họ chính là vẫn giữ được hồn quê với cách chế biến và nguyên liệu truyền thống. Một trong những nghệ nhân được nhiều du khách biết đến là chị Bảy Muôn (tên thật là Phan Kim Ngân) của nhà vườn Công Minh. Với kinh nghiệm khoảng 50 năm làm bánh, chị Bảy Muôn sở hữu mấy chục công thức làm bánh truyền thống, như: bánh kẹp cuốn, bánh lá mít, bánh khoai mì, bánh da lợn, bánh lọt ngọt… Tại nhà vườn Công Minh, khách sẽ được sống lại ký ức tuổi thơ khi được hướng dẫn làm một số loại bánh dân gian được truyền từ nhiều đời. Chính vì thế, chị Bảy Muôn rất được nhiều đoàn khách, đặc biệt là các gia đình lựa chọn để giúp con em họ có những trải nghiệm đúng chất tuổi thơ ở miệt vườn.
Nằm giữa lòng đô thị, cồn Sơn vẫn giữ nét mộc mạc, dân dã với loại hình du lịch cộng đồng. Những trải nghiệm nơi đây mang đậm “hồn quê” khi được nuôi dưỡng bằng lối sống chân chất, thân tình của người dân địa phương. Chú Bảy Bon, chị Năm Phước, chị Bảy Muôn vẫn được du khách thân tình nhắc lại với lời hứa hẹn sẽ trở lại trải nghiệm lần nữa cuộc sống thôn quê đậm chất miền Tây. Nhiều du khách ở Hà Nội, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… trở lại cồn Sơn với ví von là trở về nhà, sống lại ký ức tuổi thơ.
Bài,ảnh: Ái Lam