26/09/2008 - 20:42

Thị trường sữa ở TP Cần Thơ

Vừa mừng, vừa lo!

Người tiêu dùng cẩn trọng lựa chọn sản phẩm trước những thông tin về sản phẩm sữa Trung Quốc nhiễm chất melamine.

Thông tin về 22 công ty sữa của Trung Quốc kiểm tra có chứa chất gây sạn thận (chất melamine) gây xôn xao dư luận. Trước tình hình đó, Bộ Y tế có công văn chỉ đạo các tỉnh, thành trong cả nước tiến hành kiểm tra các sản phẩm sữa và sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu sữa trên thị trường. Từ ngày 23 đến ngày 27-9, đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại thành phố Cần Thơ do Thanh tra Sở Y tế chủ trì đã tiến hành kiểm tra nhiều đại lý, cửa hàng có kinh doanh các sản phẩm sữa.

* Chưa phát hiện có sản phẩm sữa Trung Quốc

Trong ba ngày từ 23 đến 25-9, đoàn kiểm tra đã kiểm tra được hơn 10 công ty, cửa hàng, đại lý, tiệm tạp hóa có kinh doanh sữa. Qua kiểm tra, hầu hết các chủ cửa hàng đều lấy hàng của các công ty có thương hiệu, uy tín lâu năm trên thị trường để bán. Chị Thu Hằng, chủ tiệm tạp hóa ki-ốt 31, Nhà lồng 3, Trung tâm Thương mại Cái Khế (TTTMCK), cho biết: Thỉnh thoảng cũng có một số người đến chào hàng sữa. Nhưng nhìn qua sản phẩm, tôi thấy nhãn hiệu lạ, ít xuất hiện trên thị trường nên không dám lấy về bán. Nhiều người bán ở TTTMCK khi được cán bộ trong đoàn kiểm tra hỏi có bán sữa có xuất xứ từ Trung Quốc không? họ đều lắc đầu. Chị Huỳnh Lệ Trân, bán tạp hóa, ki-ốt 29, Nhà lồng 3, TTTMCK cho biết: “Xem trên ti-vi, tôi cũng biết sữa của một số công ty Trung Quốc có chứa chất gây sạn thận, nên chúng tôi không ai lấy hàng Trung Quốc về bán”.

Tuy nhiên qua kiểm tra, các cửa hàng đều vi phạm lỗi chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng từ của các mặt hàng sữa. Chị Thu Hằng lý giải: “Tôi không bán sữa nhiều, chỉ lấy bán kèm với các mặt hàng khác. Vì thế, mỗi lần chỉ lấy vài hộp, bán hết rồi lấy tiếp, số lượng ít nên tôi không lấy hóa đơn”. Ông Lê Trung Giang, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường Cần Thơ, chất vấn: “Chị mua hàng không có hóa đơn, nếu người mua uống sữa xong có vấn đề về sức khỏe, họ kiện chị, thì chị lấy gì chứng minh sữa này chị mua từ công ty nào”. Nghe nói vậy, chị Hằng tỏ vẻ lo lắng nói: “Tôi nghĩ chỉ cần lấy hàng công ty, có xuất xứ, nguồn gốc là được, không quan tâm nhiều đến hóa đơn !”.

Đáng lưu tâm là ở một số cửa hàng lớn, chuyên bán sữa sỉ và lẻ vẫn còn tình trạng bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngày 23-9, tại cửa hàng Cô Sáu- Cô Bảy, số 27 Phan Đình Phùng, một trong những cửa hàng bán sỉ và lẻ lớn nhất TP Cần Thơ, đoàn kiểm tra phát hiện 99 chai sữa ADCa milk, hãng Kingsea (100 ml/chai), xuất xứ từ Thái Lan không rõ công ty sản xuất, không có nhãn phụ tiếng Việt... Người bán tại cửa hàng này phân bua: “Đây là sữa lấy từ Châu Đốc. Cửa hàng mới lấy bán vài tháng nay. Tôi có uống thử, thấy chua chua, dễ uống nên lấy bán”. Không riêng gì cửa hàng này, một số cửa hàng ở TTTMCK được kiểm tra cũng vi phạm lấy không sữa rõ nguồn gốc về bán (sữa ghi hãng Kingsea, không phải hàng Trung Quốc). Bà L.T.Nhiễu, chủ shop Trọng, lô 20, Nhà lồng 1, TTTMCK (nơi đoàn kiểm tra phát hiện 5 chai sữa không rõ nguồn gốc) cũng cho biết: “Thấy khách hỏi mua nên tôi mới lấy về bán”.

* Thận trọng khi mua và dùng sữa

Do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, giá vận chuyển tăng,... là những lý do thường xuyên mà các hãng sữa đưa ra để giải thích cho việc tăng giá, với mức tăng giá thông thường mỗi lần từ 5-15%. Ngoài ra, khách hàng còn phải trả thêm tiền cho sản phẩm mới (thường được quảng cáo là có bổ sung thêm dưỡng chất) có mức giá mới cao hơn mức giá cũ. Bên cạnh đó, đôi khi nhà phân phối thông báo giá tăng một kiểu, giá bán trên thị trường lại được áp dụng theo kiểu khác... Theo các nhà phân phối, việc thay đổi giá này thường “đánh” vào các mặt hàng sữa nhập khẩu đắt tiền (đang chiếm thị phần lớn tại thị trường Việt Nam) và các loại sữa đang có sức hút mạnh trên thị trường. Khó có thể thay đổi thói quen, nhiều người tiêu dùng không dám mạo hiểm thay đổi sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó cũng do tâm lý của nhiều người tiêu dùng cho rằng sữa đắt tiền, nổi tiếng thì có chứa nhiều thành phần tốt như DHA, ARA, Omega, các loại khoáng chất bổ dưỡng hơn nên họ gần như hoàn toàn chấp nhận “bám theo” dù sản phẩm tăng giá liên tục.

Ông Đàm Hồng Hải, Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết: “Mục đích của đợt thanh tra lần này nhằm phát hiện sản phẩm sữa của 22 công ty sữa của Trung Quốc kiểm tra có chứa chất melamine. Qua ba ngày kiểm tra, đoàn kiểm tra chưa phát hiện bất kỳ sản phẩm sữa của 22 công ty này, thậm chí là sữa có xuất xứ từ các công ty khác (ngoài 22 công ty-PV) ở Trung Quốc cũng không có. Qua kiểm tra, nếu phát hiện sữa của các 22 công ty này, đoàn kiểm tra tiến hành niêm phong, xử lý ngay. Với sản phẩm sữa của các công ty khác (không thuộc hàng của 22 công ty này) có dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng, chúng tôi sẽ lấy mẫu gởi Trung tâm Y tế Dự phòng TP Cần Thơ kiểm nghiệm”.

Theo một số chủ cửa hàng bán sữa ở Trung tâm Thương mại Cái Khế cho biết hiện nay, một số phụ huynh nảy sinh tâm lý lo lắng, họ giảm mua sữa hoặc chuyển sang dùng sữa của các công ty nước ngoài có thương hiệu. Chị Nguyễn Thị Hân, có con đang học tiểu học, ở đường Tầm Vu cho biết: “Con trai tôi rất thích uống sữa. Nhưng gần đây, nghe thông tin trên ti- vi, tôi rất lo lắng, đành cắt giảm không mua sữa mà chuyển sang các loại sinh tố trái cây cho con uống”. Còn anh Nguyễn Văn Khang, ở quận Cái Răng lo lắng: “Tuy con tôi từ trước tới nay chưa sử dụng sữa của Trung Quốc nhưng tôi cũng không dám chắc các sản phẩm đang sử dụng là đạt chất lượng tốt, không thể bỏ hẳn bởi bé còn nhỏ nhưng tôi cũng rút bớt lại khẩu phần hàng ngày cho bé”. Riêng chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa, đường 30-4, quận Ninh Kiều cho rằng: “Nghe thông tin về sữa nhiễm độc tại Trung Quốc, tôi đã chuyển hẳn sang cho bé dùng sữa sản xuất trong nước cho chắc ăn”.

Ông Đàm Hồng Hải cho biết thêm: “Phụ huynh thận trọng với các sản phẩm sữa của các công ty có xuất xứ từ Trung Quốc là đúng. Tuy nhiên, mọi người không nên thận trọng thái quá, những loại sữa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì cũng nên mua dùng. Khi mua sữa, người mua có quyền yêu cầu chủ cửa hàng nói rõ sữa này lấy ở đâu? Chất lượng thế nào? Nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm? Ngoài ra, nếu người dân phát hiện sữa của 22 công ty của Trung Quốc có chứa chất melamine được mua bán ở TP Cần Thơ thì lập tức báo cho ngành y tế hoặc quản lý thị trường địa phương trong thời gian sớm nhất”.

Nếu như trước kia, người tiêu dùng không khó để mua các loại sữa bột béo, bột gầy bán theo dạng ký, không nhãn mác hoặc được đóng trên những gói ni lông có dập nhãn mác, tại các khu chợ ở TP Cần Thơ thì hiện nay các sản phẩm này gần như không còn được bày bán. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, tại một số cửa hàng vẫn còn bày bán các sản phẩm “hàng xách tay” và theo giải thích của các chủ cửa hàng là các sản phẩm này được ký gởi hoặc lấy về bán cho khách hàng quen. Dĩ nhiên, hầu hết những sản phẩm này không có dán nhãn phụ và không có cơ quan nào chịu trách nhiệm tại Việt Nam nếu sản phẩm gặp sự cố.

HUỆ HOA- KHÁNH NAM

Ngày 25-9, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã có báo cáo số 787/VĐ-TTKN gửi Thanh tra Bộ Y tế và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thông báo kết quả kiểm nghiệm hàm lượng melamine trong 21 mẫu sản phẩm sữa nguyên liệu sữa Milk Flavor xuất xứ của Trung Quốc, không có nhãn phụ ghi tiếng Việt do Thanh tra Bộ Y tế thu trong đợt kiểm tra từ ngày 15-17/9. Theo đó, cả 21 mẫu sữa và sản phẩm nguyên liệu sữa này đều không phát hiện hàm lượng melamine. Chánh Thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cho biết, sản phẩm sử dụng nguyên liệu sữa như chocolate, kẹo... cũng sẽ được kiểm tra, nếu phát hiện có chất nguy hiểm đến sức khỏe sẽ thu hồi.

Chia sẻ bài viết