21/06/2020 - 06:26

Vòng ôm không chặt 

Truyện ngắn: Khuê Việt Trường

 

29 tuổi, em bảo rằng còn trẻ. Chắc chắn là em còn rất trẻ vì mới mờ sáng, đang trở mình trên giường, nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà, nghe bùn của con sông sau nhà bay lan mùi mà anh bảo "Anh tới nhà em vì anh nhớ mùi bùn", thì điện thoại đã réo giục giã: "Nè, ra cà phê SV đi, tụi mình cà phê, ăn sáng ngắm học trò đi học". SV có nghĩa là Sinh Viên, quán nằm ở bãi đất trống của trường cao đẳng sư phạm tỉnh. Mặc dù quán cà phê nằm ở ngay con đường tấp nập khách lãng du của thành phố, nhưng chủ yếu phục vụ cho sinh viên, nên giá rẻ hơn ở nơi khác. Nhưng anh thích tới cà phê SV không phải vì giá rẻ, mà ở cà phê này như gặp lại thời thanh xuân, khiến người ta trẻ mãi. Các cô cậu sinh viên hơ hớ tuổi xuân xanh, dù là đi học thì cũng quần áo đẹp đẽ, nói cười rộn rã. Vậy là em thức dậy, leo lên chiếc Attila đời cũ, loại xe nuốt xăng khủng khiếp, chạy qua cà phê SV ngồi mà "tám" đủ thứ chuyện trên đời với anh và đám bạn.

29 tuổi, em siêng coi các bộ phim Hàn Quốc chiếu dày đặc trên các kênh truyền hình. Nào là mối tình tay ba tay tư, con gái nhà nghèo yêu trai nhà giàu, anh em bị chia cách yêu nhau… và cuối cùng là bị tai nạn mất trí nhớ hoặc bị ung thư. Phim thường có cảnh cõng nhau đi lên những bậc thang, có cảnh nắm tay nhau chạy dọc theo bờ biển, có cảnh hôn nhau trước nhà khi chia tay, có cảnh một người phải đi nước ngoài du học, sau mấy năm về nước lại đi tìm tình cũ. Nói chung là xem phim xong, em có thể viết kịch bản với công thức cứ 3 tập là cái ác lên cao trào, cứ 5 tập là thiện thắng ác và cuối cùng là tình yêu trọn vẹn. Anh hỏi: "Bộ em không có hẹn hò sao mà cứ xem phim Hàn Quốc?".

Em giật mình khi anh hỏi thế, chắc chắn cà phê với bạn bè không thể gọi là hẹn hò. Hẹn hò có nghĩa là trước khi gặp nhau, em sẽ lựa bộ quần áo thật đẹp, em phải trang điểm thật xinh. Hai đứa sẽ nói chuyện quên cả thời gian mà không biết nói chuyện gì. Và khi chia tay em còn được nghe câu nói vói theo: "Em nhớ đi đường cẩn thận!". Về tới nhà thì điện thoại có tin nhắn: "Em về chưa? Em ngủ ngon nhé!".

Năm 31 tuổi, đứa bạn thân cuối cùng của em đi lấy chồng. Mấy đứa con trai hay rủ rê cà phê cũng đi lấy vợ. Ai đã có vợ có chồng thì đều bận rộn. Nhưng năm 31 tuổi em không thích ra quán cà phê của sinh viên. Tới đó em thấy mình già, dẫu chẳng ai nói mình già. Em không nhắc mọi người nhớ sinh nhật của mình. Vào shop, mấy cô gái tóc nâu môi đỏ gọi em bằng "Cô", em bước ra khỏi tiệm mà không thèm nhìn lại. Thật ra thì em có thấy mình già đâu? Em tự tin đẹp giống như một bông hoa hồng đang bung nở vào sớm mai.

Tới nhà bạn bè chơi, em thấy mấy ông chồng gọi điện về báo với vợ rằng mắc nhậu với bạn, em vui vì em không phải đợi cơm ai. Mấy đứa bạn lo lắng khi con ấm đầu, lật đật đưa con tới bệnh viện, em thở phào vì em không có con. Nói chung thì trong khi bạn bè bị ràng buộc bởi chồng con, cơm áo thì em vẫn còn tự do. Em không cần phải vội về trong buổi tiệc, em không phải ghé chợ mua nhanh vài món đồ sau khi đi làm về, em không phải mất ngủ vì con khóc.

Giờ thì cà phê với anh. Anh không chọn quán đông, anh chọn quán vắng. Quán chênh trên cao, nhìn xuống đường thấy xe cộ chạy như kiến bò. Anh bảo: "Anh quá già em nhỉ?". Ừ, anh già thật, anh hơn em tới 12 tuổi, nghĩa là tròn một con giáp. Lúc đầu là ghét anh. Lúc ghét anh em mới 20 tuổi. Quen anh 11 năm, em không còn ghét nữa mà lại bắt đầu quen có anh. Thích cách anh nghe lời dù em nói chẳng căn cứ gì "Ăn sáng đừng ăn bánh mì ốp la. Ăn trứng sống nó sao đó". Vậy là anh bỏ ăn ốp la. Anh bảo: "Hôm nào anh sẽ cõng em như trong phim Hàn Quốc diễn đó. Anh biết trong phim nó chỉ cõng có một chút xíu thôi. Nhưng anh sẽ cõng em cho hết mấy bậc thang lên Kim Thân Phật Tổ ở chùa Long Sơn." Anh nói mà em tròn xoe mắt ra, bởi em có lần lầm rầm trong miệng: "Ai mà dám cõng con lên hết mấy bậc thang Kim Thân Phật Tổ con sẽ lấy làm chồng".

Năm em 31 tuổi rưỡi, anh đã cõng em thật. Anh cõng em vì em bị đau chân khi vấp té vào một tảng đá bên lề đường. Anh cõng mà em ngại, vì con đường này đi một mình còn rã rời chân tay, huống chi kèm thêm một người. Anh cõng em tới chỗ có chiếc Đại Hồng Chung, đặt ở lưng chừng núi, anh bảo em và anh cùng vào trong lòng chuông, vị sư thầy đánh một tiếng chuông là lòng sẽ hết tham sân si. Trong lòng chuông ấy, giữa tiếng chuông ngân ấy, anh nói: "Em lấy anh làm chồng nghen?".

Anh hỏi "Mình tổ chức đám cưới theo nghi thức nào? Em đã 32 tuổi rồi đó, không lấy anh thì em ê sắc ế đó". Em cười: "Ế thật rồi chứ gì nữa. Con của bạn em đã học lớp bốn rồi". Vậy là đi nhà hàng đặt tiệc, đi in thiệp cưới, lên danh sách bạn bè. Em bảo với anh: "Thế là em lấy chồng già anh nhỉ?".

Đám cưới người ta đi nhà thờ làm lễ, còn em thì rủ anh lên chùa. Anh nói: "Em nhớ không? Hồi xưa anh cầu hôn em trong cái chuông, bây giờ anh phải tới cái chuông đó". Em ngập ngừng: "Thôi đi, em không thích chui vào trong cái chuông, người toàn là mồ hôi".

Buổi chiều hai đứa vào chùa làm lễ. Mọi người đi lễ chùa ngạc nhiên nhìn hai đứa thắp nhang trước chánh điện. Nhưng chính cuộc tình hai đứa kết quả ở nơi này, ở nơi tiếng Đại Hồng Chung ngân, mà nghe nói là mỗi lần gióng chuông lên, người dân ở cách đó có cả mười cây số cũng nghe.

Anh lâm râm khấn gì em không biết. Nhưng em biết khi anh lấy miếng giấy nhỏ viết mấy chữ trên đó, rồi sư thầy bắt đầu gióng chuông hành lễ, trong đó có mấy chữ hàng thế kỷ qua người ta đã nói đi nói lại mà em vẫn thích: "Anh yêu em".

Nhưng buổi tiệc cưới chưa tổ chức, giấy mời chuẩn bị phát ra, thì em nói: "Mình chia tay nhau đi anh nhé". Anh hỏi: "Tại sao?" Em trả lời: "Anh ấy đã về, mà em vẫn yêu anh ấy". Người đàn ông đã bỏ rơi em trong chừng ấy năm đã xuất hiện. Người đàn ông đã làm cho mọi việc thay đổi. Trái tim của người con gái, dù đã ở tuổi 32, luôn luôn có những bí mật mà không một ai hiểu nổi. Anh yêu em đến độ dẫu em ở bất cứ nơi nào trái tim anh cũng nghiêng về, nhưng rồi quá khứ của em đã giành em trở lại.

"Gặp lần cuối được không anh?", em nhắn tin cho anh như thế. Buổi chiều thành phố bỗng nổi lên cơn gió mạnh. Gió thổi tung những chiếc lá đã héo khô dưới mặt đường chao bay lên cao. Những chiếc lá buồn ấy như cố níu tiếp những giây phút cuối cùng của mình để tận hưởng sự chao bay. Anh ngồi đợi em ở quán nhỏ bên bờ sông, dòng sông đang lẳng lặng đổ nước về biển như đang đưa anh rơi vào mênh mông.

Em nói: "Em ôm anh lần cuối anh nhé". Vòng tay ôm của anh không chặt nữa, bởi nếu như thế thì sẽ mãi buồn. Trên bàn ăn có những ngọn nến đang rực sáng. Em và anh đã chia tay bên những ngọn nến.

Từ hôm đó em lạc vào trong đám đông của em. Anh cũng chẳng có lý do gì để giữ lại số của em trong điện thoại.

Chia sẻ bài viết