ÐỒNG TÂM
Trái ngược với giai đoạn yêu đương đầy ngọt ngào, khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, đối diện nhiều vấn đề, từ việc chuẩn bị tiệc cưới đến ở chung hay ở riêng, áp lực kinh tế… khiến các cặp đôi vỡ mộng.

Các cặp đôi cần chuẩn bị kỹ và thống nhất những vấn đề chung trước khi cưới để tránh vỡ mộng hôn nhân. Trong ảnh: Vợ chồng chị Thúy Dung hạnh phúc bên con trai đầu lòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Mâu thuẫn phát sinh
Chuyện anh Th và chị A ở Tiền Giang, hủy hôn trước ngày cưới 3 tuần khiến cả xóm xôn xao. Nói ra thật khó tin, nhưng chỉ vì chị A thấy ảnh cưới xấu, chưa ưng ý, nên muốn chụp lại, nhưng không được sự ủng hộ của anh Th và gia đình chồng. Ban đầu, cũng chỉ là mấy chuyện giận hờn, trách móc. Nhưng câu chuyện càng đi xa khi chị A công khai chỉ trích chồng sắp cưới trên mạng xã hội, rằng miệng nói yêu nhưng đụng tới tiền thì ky bo, sợ tốn kém. Thậm chí chị A còn lôi cả cha mẹ chồng tương lai vào cuộc vì cho rằng họ là nguyên nhân khiến anh Th không chìu ý chị.
Chị M.Ng và anh N ở Kiên Giang, quyết định về chung nhà sau 5 năm tìm hiểu. Nhà anh N tại chợ, sau ngày cưới, chị M.Ng mở shop kinh doanh mỹ phẩm, phụ kiện thời trang. Là con trai út, anh N được gia đình nuông chiều từ nhỏ, đến khi có vợ anh vẫn không chịu thay đổi. Suốt ngày, anh chỉ xem ti vi, bấm điện thoại, chơi game, để mặc chị M.Ng bận bịu việc kinh doanh và nội trợ. Mỗi khi chị góp ý, nhờ anh phụ giúp thì mẹ chồng lại lên tiếng bênh vực, không ưng ý. Mệt mỏi lại ít được chồng san sẻ, nhà chồng thiếu cảm thông khiến chị M.Ng cảm thấy cuộc sống hôn nhân ngày càng ngột ngạt.
Anh Kh và L cùng quê Hậu Giang. Anh Kh là công chức, làm việc tại quê nhà. Chị T.L sau khi tốt nghiệp đại học thì ở lại Cần Thơ công tác. Ban đầu hai bên thống nhất, sau khi cưới giữ nguyên công việc, chỗ ở, cuối tuần thì sum họp. Chị T.L nói: "Khi tôi cấn bầu, giữa chúng tôi phát sinh nhiều vấn đề. Những lần thai hành, tôi không thể ăn uống. Trong khi đó, chồng lại không cận kề chăm sóc nên dẫn đến việc tôi thường tủi thân, tâm lý nặng nề”.
Vượt qua khó khăn
Với quyết tâm xây dựng mái ấm hạnh phúc, từng thành viên trong gia đình phải có tinh thần san sẻ trách nhiệm, công việc, chị M.Ng bàn với chồng, thuê mặt bằng để kinh doanh và sinh sống. Từ khi dọn ra riêng, anh N dần cải thiện lối sống dựa dẫm, có ý thức phụ tiếp vợ. Hằng ngày, anh soạn và giao hàng, thậm chí còn hào hứng lãnh phần quảng cáo sản phẩm của shop trên nền tảng mạng xã hội. Thông qua đó, chị M.Ng phát hiện chồng có khiếu ăn nói, khách hàng rất thích cách anh giới thiệu sản phẩm và tư vấn tận tình, nên càng ngày càng có đông người ủng hộ. Thỉnh thoảng, vợ chồng chị M.Ng ghé về thăm và dùng cơm cùng cha mẹ chồng, không khí gia đình vui vẻ, đầm ấm.
Quá áp lực, chị L sẩy thai. Anh Kh chịu nhiều chỉ trích từ nhà vợ. Nhận thấy cuộc sống "anh đầu sông, em cuối sông" không ổn, anh chị bàn cách để về chung một nhà. Lùi một bước, chị L quyết định từ bỏ công việc ổn định, chuyển về quê chồng sinh sống. Chị L bộc bạch: “Ngừng việc nơi mình đã gắn bó hơn 10 năm là một điều tiếc nuối, nhưng nhìn lại hôn nhân của vợ chồng tôi 2 năm qua, hầu như vui ít, buồn nhiều nên tôi quyết định về quê để cải thiện tình cảm gia đình. Hiện tại, sau nửa năm làm việc ở quê chồng, tình cảm vợ chồng và hai bên gia đình ngày càng gắn bó. Tôi cảm nhận bản thân mình rất hạnh phúc”.
Cuộc sống hôn nhân của chị Thúy Dung và anh Tấn Ðạt (hiện sinh sống tại Sóc Trăng) cũng trải qua nhiều thử thách. Theo chị Thúy Dung, trước đây, anh chị cùng làm việc tại TP Cần Thơ, dự định sau này tích lũy sẽ mua đất, cất nhà để ổn định lâu dài vì cả hai đều rất yêu mảnh đất Cần Thơ - nơi họ đã trải qua thời sinh viên. Mẹ chị Dung lại ra điều kiện, nếu cưới nhau, vợ chồng chị về Tiền Giang, cha mẹ sẽ cho đất, hỗ trợ vợ chồng trẻ mở tiệm thuốc tây. Trong khi đó, nhà anh Ðạt cũng mong muốn anh về Sóc Trăng lập nghiệp, bởi anh là con trai út. Chị Dung chia sẻ: “Sau nhiều lần bàn bạc, cân nhắc, vợ chồng tôi quyết định về quê anh Ðạt lập nghiệp để anh có thời gian gần gũi và báo hiếu cha mẹ, bởi gia đình tôi còn chị em đang chung sống, phụng dưỡng song thân. Trong cách ứng xử đối với hai bên gia đình, chúng tôi tiếp thu các ý kiến đóng góp phù hợp. Nếu chưa như mong muốn, vợ chồng sẽ bàn bạc và có cách giải quyết êm đẹp, tránh để mích lòng hai bên nội ngoại. Còn đối với gia đình nhỏ, chúng tôi tuân thủ nguyên tắc tôn trọng, lắng nghe đối phương. Hiện tại, vợ chồng tôi đã có một con trai kháu khỉnh, cuộc sống khá ổn định".
Theo các chuyên gia tâm lý, để không rơi vào cảnh “vỡ mộng”, khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, các cặp đôi cần chuẩn bị kỹ, tốt nhất là tham gia các khóa học tiền hôn nhân; học hỏi kinh nghiệm từ các cặp đôi hạnh phúc trong tổ chức cuộc sống gia đình, quản lý tài chính, ứng xử với hai bên nội ngoại. Ðặc biệt, khi phát sinh mâu thuẫn, cần bình tĩnh lắng nghe đối phương; vợ chồng bàn bạc, tìm hướng giải quyết, xây dựng hôn nhân, gia đình hạnh phúc, bền chặt.