08/07/2023 - 18:54

Vô cùng tiếc thương người đồng chí trung kiên, người lãnh đạo, người anh nghĩa tình, hết lòng vì quê hương đất nước 

Đúng 6 giờ sáng ngày 9-7-2023, Lễ truy điệu nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) diễn ra tại Hội trường Thành ủy Cần Thơ. Sau đó, linh cữu đồng chí sẽ được đưa về an táng tại Nghĩa trang quê nhà Ấp 5, xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Nhắc đến đồng chí Lê Phước Thọ, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, tỉnh Cần Thơ, TP Cần Thơ, không khỏi rưng rưng xúc động nhớ về một người cộng sản trung kiên, một vị lãnh đạo gần gũi, nghĩa tình… luôn sống và làm việc hết mình vì sự phát triển chung.

Anh Sáu Hậu - người chiến sĩ cách mạng trung kiên, người lãnh đạo nghĩa tình, thương dân, trọng dân

* Lư Văn Điền,
nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ

Nhắc đến anh Sáu Hậu (đồng chí Lê Phước Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - PV), tôi lại xúc động, rưng rưng nước mắt, bởi thương nhớ anh, người chiến sĩ cách mạng trung kiên, người lãnh đạo sống nghĩa tình, hết mực thương dân, trọng dân, nặng lòng với quê hương đất nước!

Tôi có may mắn được làm việc cùng cơ quan với anh Sáu từ đầu năm 1976, khi Đảng và Nhà nước chủ trương hợp nhất một số tỉnh, trong đó, tỉnh Cần Thơ, TP Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng thành tỉnh Hậu Giang. Lúc đó, anh Sáu, là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng về làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang, còn tôi từ Văn phòng Tỉnh ủy Cần Thơ về làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang. Nhờ vậy, tôi được gần gũi, thường xuyên phục vụ các anh chị lãnh đạo Tỉnh ủy, trong đó có anh Sáu. Sống và làm việc bên cạnh anh, tôi học được nhiều điều bổ ích.

Đồng chí Lư Văn Điền

Đồng chí Lư Văn Điền

Quá trình công tác, anh Sáu để lại trong tôi và anh em ở văn phòng nhiều ấn tượng sâu sắc. Anh Sáu là người cán bộ yêu nước, thương dân, cần - kiệm - liêm - chính, trung thực, thẳng thắn mà đầy tình yêu thương cấp dưới, tôn trọng cấp trên nhưng tỏ rõ chính kiến và gần gũi chia sẻ niềm vui cũng như hoạn nạn, khó khăn đối với đồng chí, bạn bè, anh em, nhân dân.

Lúc này kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân còn khó khăn, nhất là thiếu lương thực… Tôi nhớ anh Sáu từng nói: Mình là một tỉnh lớn, có thế mạnh về lúa gạo mà để nhân dân thiếu lương thực là điều không thể chấp nhận được. Anh Sáu bàn với Ban Thường vụ Tỉnh ủy tìm cách để giải quyết vấn đề lương thực cho nhân dân. Từ chủ trương của Tỉnh ủy, phát triển thành phong trào làm thủy lợi, kết hợp với xây dựng giao thông và sản xuất nông nghiệp với khẩu hiệu “Hậu Giang vì cả nước, với cả nước”.

Sau đó, anh Sáu về Trung ương và trải qua những vị trí công tác quan trọng. Dù bộn bề công việc, nhưng anh Sáu lúc nào cũng quan tâm đến tỉnh Hậu Giang, đến khu vực ĐBSCL. Anh nhắc nhở, phải quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, phải đoàn kết để thực hiện tốt nhiệm vụ, phục vụ tốt nhân dân.

Sau khi nghỉ hưu, tuổi tác ngày càng cao, đáng ra dành thời gian nghỉ ngơi, nhưng anh Sáu lại tiếp tục nghiên cứu, theo dõi tình hình chung, tình hình ở một số địa phương, trong đó có tỉnh Hậu Giang, TP Cần Thơ sau này cũng như các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung. Theo anh Sáu, ĐBSCL có điều kiện, nhưng còn khó khăn nên chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh để phát triển. Anh Sáu luôn trăn trở khi ĐBSCL là “vựa lúa”, “vựa trái cây”, “vựa thủy sản” cung cấp cho cả nước và phục vụ nhu cầu xuất khẩu, nhưng đời sống nhân dân nơi đây vẫn còn khó khăn. Những lần tôi đến thăm, anh đều nhắc lại những vấn đề này.

Sau khi Chính phủ có những chủ trương lớn về phát triển ĐBSCL, nhất là đầu tư hệ thống giao thông, anh Sáu rất mừng. Anh dặn các địa phương phải quan tâm công tác giải phóng mặt bằng và các điều kiện cần thiết khác để biến thành cơ hội phát triển.

Cách đây hơn 1 tháng, tôi, anh Sáu cùng một số đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Cần Thơ, TP Cần Thơ qua các nhiệm kỳ dự một cuộc họp do lãnh đạo thành phố tổ chức. Tại đây, dù sức khỏe yếu, phải ngồi xe lăn, anh Sáu vẫn tâm huyết giành hơn một tiếng đồng hồ để nói về những vấn đề cần thiết phục vụ cho thành phố phát triển; cũng như việc phải chăm lo đời sống nhân dân… Anh nói như là sự dặn dò của người trước khi đi xa đối với cấp ủy, chính quyền thành phố. Nghe những lời tâm huyết của anh, ai cũng xúc động.

Nay, anh đã đi xa thật rồi!

Vĩnh biệt anh Sáu, người chiến sĩ cách mạng trung kiên, người lãnh đạo nghĩa tình, thương dân, trọng dân, hết lòng vì quê hương đất nước.

Quốc Trưởng (lược ghi)

Đồng chí Lê Nam Giới, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ khóa XI:

Đồng chí Lê Phước Thọ - người lãnh đạo kiên trung, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cách mạng cao đẹp, vì hạnh phúc của nhân dân

 Đồng chí Lê Nam Giới. Ảnh: L Phương

Đồng chí Lê Nam Giới. Ảnh: L Phương

 

Đối với người Việt Nam nói chung, đặc biệt đối với người dân ĐBSCL nói riêng, trong đó có Cần Thơ, có biết bao nhiêu điều quý giá cần phải học ở đồng chí Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) trong thực hiện lý tưởng của Đảng. Đồng chí Sáu Hậu là người đảng viên kiên cường, bất khuất, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.

Có thể nói trong chiến tranh gian khổ, ác liệt, đồng chí là người vững vàng, lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương đi đến thắng lợi. Sau hòa bình thống nhất đất nước, với vai trò lãnh đạo của mình, từ địa phương đến Trung ương, đồng chí ra sức nỗ lực, quyết tâm trong xây dựng đất nước, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế đời sống, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chúng ta có ngày nay, có kinh tế phát triển, sự nghiệp đổi mới thắng lợi, nhất là trên lĩnh vực sản xuất kinh tế nông nghiệp toàn diện, trong chiến lược xây dựng nông thôn có sự góp phần rất lớn của đồng chí Sáu Hậu. Đồng chí tâm huyết, lúc nào cũng lo đến sản xuất, đời sống của nhân dân, đến phát triển hạ tầng mọi mặt cho miền Tây. Đồng chí Sáu Hậu là người lãnh đạo có tâm và tầm lãnh đạo không chỉ nhỏ hẹp ở địa phương mà có tầm lãnh đạo đất nước.

Cách nay khoảng 1 tháng, Thành ủy Cần Thơ có tổ chức cuộc họp, mời các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trước đây đến đóng góp ý kiến cho Dự thảo Quy hoạch phát triển TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong lúc này, đồng chí Sáu Hậu đang chống chọi với bệnh tật nhưng vẫn tâm huyết, ra sức chuẩn bị ý kiến rất chu đáo. Đồng chí tới hội nghị trên chiếc xe lăn, dự gần một buổi sáng và cho ý kiến, ai cũng xúc động. Điều này cho thấy, đến giờ phút gần cuối cuộc đời, đồng chí Sáu Hậu vẫn đem hết tâm huyết, trí tuệ, sức lực của mình để đóng góp xây dựng quê hương, đất nước làm sao cho ngày càng giàu mạnh, cho mọi người có cơm no, áo ấm, nhất là đối với Cần Thơ có sự phát triển ngang tầm với nghị quyết Trung ương nêu ra. Đồng chí Sáu Hậu thật sự là người vì nước, vì dân, có tâm trong sáng, có tình cảm đặc biệt đối với quê hương, xứ sở, đối với đồng chí, đồng bào rất thân thương, gần gũi. Ai được sự lãnh đạo của chú Sáu Hậu sẽ thấy được chú chỉ dạy, góp ý rất chân tình, thậm chí cả lúc về hưu rồi nghĩa tình vẫn trước sau như một, vừa là tình nghĩa cho cái riêng, vừa gắn bó, xây dựng nhau trong tình đoàn kết, giữ vững lập trường, quan điểm.

40-50 năm gần gũi, tôi không nghe ai phê phán về đồng chí, mà có những lời hay, tiếng đẹp, ca ngợi về cuộc sống của đồng chí Sáu Hậu đơn giản, trong sáng, liêm chính, hòa đồng với mọi người, gắn bó với các địa phương trong cả nước, nhất là các địa phương ở Tây Nam Bộ. Đối với thế hệ trước đây hay thế hệ trẻ đang công tác hôm nay, đồng chí Sáu Hậu đều có sự gắn bó, nhắc nhở, mạnh dạn đóng góp để xây dựng, phát triển thành phố.

Nhìn chung, tôi nhận thấy, đồng chí Sáu Hậu là người lãnh đạo kiên trung, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cách mạng cao đẹp, vì hạnh phúc của nhân dân. Một người lãnh đạo vừa có tâm, vừa có tầm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng. Là người có đạo đức trong sáng, liêm chính, chí công vô tư, hòa đồng. Là cán bộ lão thành tiêu biểu không chỉ ở Cần Thơ mà trong cả nước.

L.Phương (lược ghi)

Những kỷ niệm khó quên về anh Sáu Hậu 

* LÊ THỊ BẢY ( Bảy Minh Châu)
(Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang,
Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cần Thơ)

 

Bà Lê Thị Bảy (Bảy Minh Châu). Ảnh: Kim Chinh

Hay tin đồng chí Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) qua đời, tôi rất xúc động. Do nay tôi tuổi cao, sức yếu nên tiếc là không thể đến viếng anh. Giờ cũng có nhiều chuyện khi nhớ, khi quên, nhưng những kỷ niệm trong những năm tháng làm việc dưới sự lãnh đạo của anh Sáu Hậu thì tôi vẫn nhớ.

Tôi biết anh Sáu Hậu khi sáp nhập tỉnh Cần Thơ – Sóc Trăng và TP Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang vào năm 1976. Anh là cán bộ lãnh đạo mẫu mực, công tâm, sống giản dị, không phân biệt cấp bậc. Anh kinh qua nhiều vị trí công tác, nhưng đến đâu anh cũng xây dựng nội bộ đoàn kết, gắn bó, đồng lòng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ. Khi anh phê bình, góp ý việc gì thì cán bộ cấp dưới nghiêm túc tiếp thu, cố gắng khắc phục chứ không tâm tư, bởi anh nói đúng và giải quyết mọi việc có lý, có tình. 

Tôi còn nhớ, trong thời kỳ làm tôi làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, phụ trách văn xã, những năm đầu sau giải phóng, tình hình vô cùng khó khăn, có rất nhiều việc phải giải quyết để giúp nhân dân ổn định cuộc sống. Khi tôi gặp khó khăn trong công việc, hay làm việc với cơ sở gặp khó, anh Sáu ân cần trao đổi, giúp tôi tháo gỡ, hoặc trao đổi với cán bộ liên quan có sự hỗ trợ kịp thời. Với sự quan tâm của anh, việc xây dựng trường học, nhà bảo sanh như tôi đề xuất tiến hành thuận lợi, nhanh chóng. Anh Sáu rất quan tâm chăm lo cho giáo dục, y tế, chăm lo đời sống nhân dân, anh căn dặn cán bộ phải theo sát tình hình đời sống nhân dân, không để cho dân đói, khổ. Đặc biệt, anh Sáu rất quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, không phân biệt đối xử mà luôn tôn trọng và tạo điều kiện cho cán bộ nữ phát triển, tiến bộ. 

Dù công việc bộn bề, nhưng anh Sáu luôn dành thời gian thăm hỏi bà con, cô bác từng nuôi chứa, che chở, giúp đỡ cho anh và đồng đội trong kháng chiến. Nơi nào bà con còn khó khăn, anh tìm hiểu, tìm cách hỗ trợ. Tôi còn nhớ những lần cùng với anh Sáu về thăm lại căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng ở huyện Mỹ Tú, thăm căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, nhớ không khí gặp gỡ xúc động, nhớ những lời dặn dò của anh về việc quan tâm chăm lo giải quyết kịp thời thủ tục, chế độ cho gia đình chính sách… Sau nầy khi nghỉ hưu, anh Sáu có nhiều việc làm ý nghĩa góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhất là giúp đỡ nhiều bệnh nhân nghèo có tiền chạy chữa thuốc thang, qua lúc thắt ngặt…

Nhắc lại kỷ niệm về anh Sáu, càng nhớ và thương tiếc người cán bộ mẫu mực, sống nghĩa tình. Thế hệ cán bộ cao tuổi như chúng tôi rồi cũng sẽ tuân theo quy luật tự nhiên như anh Sáu, chúng tôi chỉ mong những thế hệ cán bộ sau nầy hãy học tập tấm gương sống và làm việc tận tụy vì nước, vì dân của anh Sáu, để khi nhắm mắt xuôi tay lòng thanh thản, không có gì hối tiếc.

Phan Anh Duy (lược ghi)

Nhớ người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, tầm nhìn xa rộng, luôn vì lợi ích của nhân dân

* Phạm Thanh Vận
(Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ)

Đồng chí Phạm Thanh Vận. Ảnh: Kim Chinh

 

Tôi thuộc lớp thế hệ cán bộ đi sau, tuy không trực tiếp làm việc dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) nhưng tôi cũng như nhiều cán bộ địa phương đều biết và luôn dành cho chú sự kính trọng, quý mến. Chú Sáu Hậu là một cán bộ hết sức chuẩn mực trong công việc, trong phong cách, đạo đức, lối sống, trong ứng xử, đồng thời cũng hết sức gần gũi, tình cảm. Chú có tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy khoa học, luôn lắng nghe, xử lý công việc có lý, có tình, luôn quan tâm chăm bồi thế hệ cách mạng đời sau. Chú luôn suy nghĩ, hành động vì lợi ích của nhân dân, chú không bao giờ dành sự ưu tiên, ưu đãi gì cho bản thân, gia đình của mình.

Ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là khi được dự các cuộc làm việc có chú tham dự, góp ý, chỉ đạo để chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh Cần Thơ, trong bối cảnh Cần Thơ tìm mọi cách vươn lên để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với bao nhiêu việc ngổn ngang. Chú Sáu chỉ đạo rất sát sườn, gợi ý, định hướng thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của một vị lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm. Trong thời gian chuẩn bị đại hội, chú góp ý nhiều việc, nhưng có 4 vấn đề chú Sáu góp ý đến nay tôi vẫn tâm đắc. Thứ nhất, chú nói Cần Thơ muốn phát triển phải nghĩ tới ĐBSCL, chớ không chỉ nghĩ cho mình. Cần Thơ phải tính toán làm sao thể hiện vai trò trung tâm, phải có sự lan tỏa, giúp ích cho các tỉnh xung quanh. Cần Thơ phát triển đi lên vì các tỉnh xung quanh và các tỉnh xung quanh cũng vì Cần Thơ, đoàn kết, nắm tay nhau cùng phát triển.

Điều thứ hai chú Sáu căn dặn là phải tập trung về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến, tập trung mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó quan trọng nhất là đường, trường, trạm. Phải chú ý công tác thủy lợi, phải cố gắng bằng mọi cách giúp nông dân phát triển sản xuất, vươn lên; lấy sức dân bồi dưỡng cho dân. Nông dân vùng ven khá giả, mạnh lên thì sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc thúc đẩy nội ô phát triển, đó là nền tảng để phát triển bền vững, lâu dài.

Thứ ba, chú Sáu đặc biệt quan tâm công tác cán bộ. Bên cạnh quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ hiện hữu, thành phố phải chú trọng chăm bồi từ gốc, phát hiện nhân tài, bồi dưỡng từ khi các em còn ở trường phổ thông. Trong quá trình trực tiếp lãnh đạo các địa phương và sau nầy về Trung ương, chú quan tâm, đưa cán bộ đi đào tạo rất nhiều, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo kế cận sau nầy.

Thứ tư, chú Sáu căn dặn phải hết sức quan tâm đến những đối tượng yếu thế trong xã hội, ở vùng nông thôn hẻo lánh; quan tâm chăm lo hơn nữa đối với các gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công cuộc sống còn nhiều khó khăn. Bởi những gia đình nầy có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, chịu nhiều hi sinh, mất mát. Nay có cuộc sống hòa bình, no ấm, các thế hệ sau càng phải quan tâm chăm lo đền ơn đáp nghĩa.

Chú Sáu đã đi xa, những điều chú căn dặn vẫn còn giá trị đến ngày nay, vẫn cần được tiếp tục suy nghĩ và thực hiện hiệu quả hơn nữa. Đó không chỉ là kỳ vọng của chú Sáu mà cũng là mong đợi của nhân dân thành phố, cả nước.

Phan Anh Duy (lược ghi)

Tiếc thương bác Sáu Hậu - Một bậc hiền tài, hết lòng vì nước, vì dân

*TRẦN QUỐC TRUNG,
(Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ,  
nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ)

 

Khi nhắc đến cuộc đời, những cống hiến của đồng chí Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - cho đất nước, cho quê hương, không riêng tôi mà nhiều thế hệ cán bộ đều bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc và tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của một bậc hiền tài, một nhà lãnh đạo bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm nhưng cũng hết sức giản dị, nghĩa tình, hết lòng vì nước, vì dân.

Như tôi từng phát biểu cảm nghĩ trong cuốn “Lê Phước Thọ - Một nhân cách, một tấm gương” (2021), dù ở cương vị nào, đương chức hay nghỉ hưu, bác Sáu luôn là tấm gương nhân hậu, đức độ, nghĩa tình, một nhân cách trong sáng, một nhà lãnh đạo tài năng, có tầm nhìn chiến lược, kiên định, tâm huyết, có nhiều đóng góp lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân Hậu Giang luôn ghi nhớ những mốc son bác Sáu đã tạo nên trong 10 năm gắn bó với Hậu Giang (1976-1986) với vai trò là Phó Bí thư Thường trực rồi Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. Bác Sáu cùng với tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo  khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, không phân biệt đối xử, định kiến, tôn trọng chất xám, sử dụng đúng sở trường, tài năng, nhất là phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ sử dụng, khai thác, phát huy nhân tài trong đội ngũ trí thức, kể cả công nhân viên chế độ cũ. Từ đó, phát huy được sức mạnh của toàn dân hăng hái góp phần vào công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ vùng đất bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, mọi thứ gần như bắt đầu từ con số 0, Hậu Giang từng bước khôi phục, xây dựng phát triển kinh tế, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trở thành một điểm sáng với nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, trong lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp, bác Sáu cùng Đảng bộ tỉnh Hậu Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm thủy lợi, kết hợp với giao thông, khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích gieo trồng. Đồng thời, kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp ĐBSCL (nay là Viện lúa ĐBSCL) tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi giống mới, phát động khí thế thi đua lao động sản xuất sôi nổi trong toàn tỉnh, đưa Hậu Giang từ chỗ thiếu lương thực trong những năm đầu mới giải phóng trở thành địa phương có sản lượng lương thực  không chỉ đủ ăn mà còn góp phần cùng Trung ương giải quyết khó khăn về lương thực của cả nước, với tổng sản lượng lúa đạt 1,6 triệu tấn (năm 1986).

Từ khi bác Sáu được Trung ương điều động làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương (cuối năm 1986), đối với cả nước, bác Sáu là người có công đóng góp rất lớn trong tham gia xây dựng Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 05-4-1988 của Bộ Chính trị (khóa VI) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (nhân dân quen gọi là Khoán 10). Khi được ban hành, Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, thật sự là luồng gió mới đối với nông dân cả nước, đưa nền nông nghiệp Việt Nam sang trang sử mới. Từ chỗ thiếu lương thực triền miên, đến năm 1988 vẫn còn phải nhập khẩu lương thực, nhưng từ năm 1989, Việt Nam vừa bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ, vừa xuất khẩu gạo, làm cho cả thế giới phải kinh ngạc.

Các thế hệ cán bộ cũng thường kể về những đóng góp to lớn của bác Sáu trong công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, khi ở cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (1991-1996). Kể cả sau nầy khi đã nghỉ hưu, với bản lĩnh, kinh nghiệm dày dạn của một cán bộ từng trải qua bao gian khổ, ác liệt trong kháng chiến, từng giữ vai trò lãnh đạo của nhiều tỉnh trong khu vực, là cán bộ cao cấp tham gia xây dựng nhiều nghị quyết, đề án quan trọng của Trung ương, bác Sáu tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng cho việc hoạch định chiến lược, định hướng phát triển của địa phương. Tham gia biên soạn, viết nhiều sách về lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là thế hệ cán bộ đi sau, tôi thường đến thăm bác Sáu và cũng có nhiều lần bác Sáu gọi tôi đến để hỏi về tình hình đất nước, sự phát triển của vùng ĐBSCL và TP Cần Thơ. Tôi khâm phục và học hỏi bác Sáu từ tinh thần làm việc tận tụy, chí công vô tư, tinh thần cách mạng tiến công, sự ngay thẳng, chính trực, có lý có tình trong xử lý công việc, trong đối nhân xử thế. Bác Sáu đặc biệt quan tâm việc xây dựng, phát triển Cần Thơ trở thành trung tâm của vùng, xây dựng thành phố văn hóa, văn minh, hiện đại vùng sông nước. Tôi và nhiều cán bộ thuộc thế hệ đi sau mãi khắc ghi, quý trọng những lời dặn dò tâm huyết của người cán bộ lão thành cách mạng kiên trung, tài năng, một tấm gương mẫu mực, cả đời vì nước, vì dân.

Phan Anh Duy (ghi)

Đồng chí Dương Thị Nhi, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cần Thơ:

Đồng chí Lê Phước Thọ luôn là người công tâm, mẫu mực, nhân hậu

Đồng chí Dương Thị Nhi. Ảnh: NGỌC QUYÊN

Đồng chí Dương Thị Nhi. Ảnh: NGỌC QUYÊN

 

Dù biết sinh - lão - bệnh - tử là quy luật tự nhiên của đời người, nhưng khi nghe tin đồng chí Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) từ trần, tôi xúc động, tiếc thương người cán bộ công tâm, mẫu mực, nhân hậu, có trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Nhiều kỷ niệm trong thời gian công tác dưới sự lãnh đạo của với đồng chí để lại nhiều bài học quý báu giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 1976, đồng chí Sáu Hậu được tổ chức điều từ Sóc Trăng về tỉnh Hậu Giang - khi nhập tỉnh gồm TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Sóc Trăng - và giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực. Lúc ấy, tôi là Quận ủy viên rồi Thành ủy viên giữ chức Bí thư kiêm Chủ tịch phường An Cư, phường An Hòa (Cần Thơ). Năm 1977, Đại hội đầu tiên của tỉnh Hậu Giang sau ngày thống nhất đất nước, tôi được bầu vào Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Và công tác kiểm tra Đảng gắn bó với tôi cho đến ngày nghỉ hưu (tháng 2-2001). Tôi nhớ, thời gian đầu sau giải phóng, Hậu Giang gặp nhiều khó khăn. Địa bàn tỉnh rất rộng, lực lượng cán bộ luôn biến động, điều qua, điều lại giữa các tỉnh; vấn đề lương thực, thiếu đói, giải quyết hậu quả chiến tranh… Vai trò của Tỉnh ủy, những cán bộ lãnh đạo chủ chốt như anh Sáu Hậu là vô cùng quan trọng. Qua quá trình cùng các đồng chí trong Tỉnh ủy lèo lái con thuyền của Hậu Giang bấy giờ, anh Sáu đã đóng góp rất lớn. Anh Sáu Hậu luôn là trung tâm đoàn kết quy tụ anh chị em để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hậu Giang từ chỗ lương thực không đủ ăn, sau một thời gian còn chi viện lương thực cho TP Hồ Chí Minh. Dù ở cương vị nào, anh Sáu Hậu có rất nhiều đóng góp xây dựng quê hương, đất nước, chăm lo đời sống nhân dân.

Tôi nhớ trong những lần tham dự đại hội, hội nghị, anh Sáu có những bài phát biểu, tham luận rất hay về tình hình nông nghiệp - nông dân - nông thôn, công tác cán bộ, tổ chức. Qua nghe các phát biểu của anh, tôi thấy rất thấm thía và tự soi rọi vào công tác kiểm tra Đảng mà mình đang đảm nhiệm để rút ra bài học cho bản thân và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Trong công tác kiểm tra Đảng, Tỉnh ủy là chỗ dựa vững chắc giúp chúng tôi có quyết định chuẩn xác. Anh Sáu Hậu là lãnh đạo, người anh và là chỗ dựa vững chắc giúp tôi giải quyết thấu đáo những trường hợp cần cân nhắc kỹ lưỡng khi kỷ luật đảng viên hay cho ý kiến về nhân sự đại hội. Trên cơ sở phân tích có lý, có tình, đánh giá cán bộ khách quan, công tâm, rõ ràng của anh Sáu đã giúp tôi sáng ra nhiều điều, là bài học để áp dụng vào thực hiện công tác hiệu quả hơn.

Ngoài những kỷ niệm về công việc, tôi còn nhớ về tấm gương nhân hậu của anh Sáu Hậu khi trở về với cuộc sống đời thường. Lúc đã nghỉ hưu, anh vẫn còn là Chủ tịch danh dự Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Cần Thơ. Anh cùng các anh chị em trong Hội đã giúp nhiều mảnh đời bất hạnh, khuyết tật, bị bệnh tim bẩm sinh, nhiều người mù sáng mắt, nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo trị bệnh…Những việc anh cùng anh chị em trong Hội đã làm, thật đáng quý biết bao. Đối với gia đình, anh luôn gương mẫu, nghiêm khắc thực hiện tốt các quy định, không vì cá nhân mà ảnh hưởng đến việc chung của đất nước, nhân dân. Trong công việc và đời thường, đồng chí Lê Phước Thọ (anh Sáu Hậu) luôn là tấm gương để tôi học tập và noi theo.

THANH THY (lược ghi)

Đồng chí Lê Phước Thọ là lãnh đạo mẫu mực, gần gũi, giản dị, hết lòng vì việc chung

* Trần Liên Kiều,
 nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cần Thơ,
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí TP Cần Thơ

Đồng chí Trần Liên Kiều. Ảnh: NGỌC QUYÊN

Đồng chí Trần Liên Kiều. Ảnh: NGỌC QUYÊN

 

Đồng chí Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) là cán bộ mẫu mực, hết lòng vì việc chung. Tôi học rất nhiều từ phong cách, tinh thần trách nhiệm, nêu gương từ đồng chí. Tôi là lớp cán bộ đi sau nên không làm việc, tiếp xúc nhiều với chú Sáu. Năm 1992, khi ấy tôi làm Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cần Thơ, tham gia lớp bồi dưỡng cán bộ ở Hà Nội và được chú Sáu là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, giảng bài về công tác cán bộ. Chú nói rất kỹ: “Cán bộ là cái gốc, mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ”. Chính bài giảng từ chú giúp tôi rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình thực hiện tốt công tác cán bộ. Sau này có dịp tiếp xúc nhiều, tôi thấy chú là một lãnh đạo cao cấp của Đảng rất mẫu mực từ việc nước đến việc nhà, đâu đó rõ ràng. Chú rất xứng đáng để mọi người học tập về đạo đức, phong cách của người cán bộ vì dân.

Vào dịp Tết vừa qua, khi đến thăm, chú tiếp rất nồng hậu và nói chuyện tình hình thời sự cho chúng tôi nghe. Chú Sáu nhắc đến việc đất nước ta có nhiều thành công trong chiến đấu chiến thắng dịch COVID-19. Chú xúc động và cho rằng có thành công nhưng mình có nhiều cán bộ bị kỷ luật quá. Chú nói trong công tác cán bộ, cần kiểm tra, đánh giá thật kỹ, nhất là trong tình hình hiện nay. Hằng ngày, cán bộ đến công sở làm việc thì mình biết được trình độ, năng lực nhưng hết giờ làm việc thì ai quản lý cán bộ. Chú Sáu nhắc đi nhắc lại nhiều lần, công tác cán bộ cần phải suy nghĩ làm sao để nắm được tình hình cán bộ sâu sát hơn về các mối quan hệ bên ngoài có tác động đến cán bộ hay không, đừng để gia đình mà ảnh hưởng đến sự nghiệp của cán bộ. Tôi trải qua nhiệm vụ Phó Ban rồi Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tôi học ở chú Sáu rất nhiều về công tác đánh giá cán bộ, phong cách làm việc…

Câu lạc bộ Hưu trí TP Cần Thơ được thành lập đều nhờ vào góp ý của chú. Năm 1998, khi ấy với vai trò Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau khi học kinh nghiệm địa phương khác, tôi gặp gỡ và lấy ý kiến các đồng chí nguyên cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy để xây dựng đề án thành lập Câu lạc bộ Hưu trí. Chú Sáu là người quyết liệt có ý kiến thống nhất phải thành lập câu lạc bộ để có nơi cho cán bộ sinh hoạt sau khi nghỉ hưu, nhưng cần rút kinh nghiệm có địa phương thành lập chỉ là nơi để cán bộ cao cấp tham gia. Chú nói Câu lạc bộ phải là nơi tất cả các cán bộ hưu trí đủ điều kiện thì tham gia sinh hoạt, không phân biệt cấp cao, cấp thấp. Chú phân tích, câu lạc bộ phải thu nhận hội viên như thế nào, không phân biệt từ quan tới lính, cán bộ hưu có đủ thời gian cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, vì vậy cần phải công nhận là hội viên của câu lạc bộ. Từ câu nói của chú mà phương pháp thu nhận hội viên của câu lạc bộ rộng rãi, không phân cấp. Qua ý tưởng ấy, cho thấy chú rất hòa đồng, thân thiện, giản dị, không phân biệt, tất cả vì lợi ích chung của mọi người. Từ khi câu lạc bộ hoạt động, có những lúc khó khăn, chú đã động viên, có những định hướng để hoạt động hiệu quả hơn. Cuộc đời, phong cách làm việc của chú Sáu để lại trong tôi nhiều ấn tượng của một người lãnh đạo rất giản dị, gần gũi, gắn bó với mọi người, không phân biệt cấp cao, cấp dưới.

THANH THY (lược ghi)

Chia sẻ bài viết