07/06/2021 - 08:50

Vĩnh Thuận về đích nông thôn mới 

Là huyện nằm trong vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, có xuất phát điểm rất thấp nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng cùng sự đồng tình của người dân nông thôn, cộng đồng doanh nghiệp… đến quý II-2021, huyện vùng sâu Vĩnh Thuận đã cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Ðường quê ở huyện Vĩnh Thuận ngày một khang trang.

Dồn sức cho NTM

Ông Lê Văn Ðủ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, cho biết: Năm 2010, khi triển khai xây dựng NTM, bình quân các xã của Vĩnh Thuận chỉ đạt 7,1/19 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người lúc đó là 21,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn tới 14,95%... Ðể nhanh chóng triển khai chương trình NTM một cách hiệu quả, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể hóa từng phần việc phù hợp với nhu cầu thực tế; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đẩy mạnh tuyên truyền đến tận người dân hiểu và đồng thuận. “Song song đó, huyện chú ý vấn đề chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế nhằm tăng thu nhập cho người dân. Khi cuộc sống được cải thiện, tăng cường vận động bà con chỉnh trang lại nhà cửa, hàng rào, sân vườn, xây dựng đời sống văn hóa và môi trường xanh sạch đẹp, thay đổi diện mạo xóm, ấp” - ông Lê Văn Ðủ chia sẻ.

Xã Vĩnh Phong là một trong những xã đi đầu về xây dựng NTM trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phong Trần Sông Hồng nói: “Giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Vì vậy, xã dồn sức hoàn thiện hệ thống giao thông, tạo điều kiện cho bà con đi lại và vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Mới đây, xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 cây cầu nông thôn ở ấp Thị Mỹ và Ðập Ðá 2 với kinh phí 238 triệu đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Như vậy, 5 năm gần đây, xã Vĩnh Phong đã xây mới 18 cây cầu nông thôn, làm 15 tuyến lộ dài 19km, tổng vốn hơn 19,6 tỉ đồng. Ðến nay, toàn xã có 40km đường liên ấp đều được nhựa hóa đảm bảo cho người dân đi lại thông suốt”.

Ðưa chúng tôi thăm cánh đồng tôm rộng hơn 1.994ha của xã, ông Ngô Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, khoe: “Những năm qua, con tôm đã giúp bà con ở đây đổi đời. Ðược vậy là nhờ cấp trên quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi, hạ tầng giao thông… giúp địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi nuôi tôm ở những khu vực có điều kiện. Ngành Nông nghiệp hỗ trợ bà con về kỹ thuật sản xuất, áp dụng luân canh giữa tôm càng xanh, tôm sú và tôm thẻ, kết hợp trồng lúa một cách hợp lý. Nhờ đó, nhiều hộ trúng mùa đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi héc-ta. Ngoài ra, xã còn đẩy mạnh sản xuất rau màu trên đất lúa như dưa lê, dưa hấu, bí xanh, bí đỏ… tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Theo tính toán, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay đạt trên 51,22 triệu đồng, tăng tới 14 triệu đồng so với năm 2017”.

Tiếp tục nâng cao đời sống người dân

Việc triển khai xây dựng NTM đã giúp thay đổi diện mạo nông thôn toàn huyện Vĩnh Thuận. Hàng loạt công trình thủy lợi, giao thông… được xây mới đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân. Cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của huyện (tôm, rau màu, lúa…). Việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đúng hướng, phát huy tối đa thế mạnh của một số cây trồng, vật nuôi, từ đó xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập từ 130-300 triệu đồng/ha/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Lê Văn Ðủ cho biết, dù các xã đã đạt chuẩn NTM nhưng tới đây, cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới xây dựng huyện Vĩnh Thuận có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hình thức sản xuất hợp lý, nâng cao giá trị sản phẩm, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch… Phấn đấu từ nay đến năm 2025, huyện có 2 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, có ít nhất 1 xã đạt NTM kiểu mẫu; giữ vững và nâng cao các tiêu chí xã, huyện NTM. Mỗi năm huyện giảm từ 1% hộ nghèo trở lên (theo chuẩn mới), mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động; đưa thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 70 triệu đồng…

Theo ông Lê Văn Ðủ, để đạt được những mục tiêu trên, huyện Vĩnh Thuận sẽ quy hoạch lại và thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Nhân rộng các mô hình hiệu quả và phát triển chuỗi liên kết giá trị, hướng tới sản xuất quy mô lớn có ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường đầu tư cho nuôi tôm, trồng rau màu theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, gắn với thị trường tiêu thụ. Ðồng thời nghiên cứu xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các hàng hóa nông nghiệp chủ lực...

Theo ông Lê Trung Hồ, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận, phát triển nông nghiệp của huyện sẽ được thực hiện toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm. Trên cơ sở lợi thế của địa phương, huyện sẽ ưu tiên nuôi thủy sản theo hướng đa dạng hóa các loại hình phù hợp với sinh thái và đặc điểm tự nhiên từng tiểu vùng; đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường để phát triển bền vững…

Ở Vĩnh Thuận xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: nuôi tôm thẻ thâm canh 2 giai đoạn cho năng suất từ 35-40 tấn/ha/vụ, lợi nhuận 150-200 triệu đồng/ha/vụ; mô hình trồng dưa lê, dưa hoàng kim trên ruộng lúa với diện tích 400ha, năng suất từ 18-20 tấn/ha, lợi nhuận từ 120-150 triệu đồng/ha/vụ; mô hình 2 lúa - 1 màu (khoảng 500ha) mang lại hiệu quả cao với giá trị  trên 180 triệu đồng/ha; mô hình tôm - lúa đạt 120 triệu đồng/ha/năm... Tất cả góp phần nâng cao đời sống người dân và là cơ sở để xây dựng NTM bền vững.

      Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH

Chia sẻ bài viết