Việt Nam và Úc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Năm 2009, hai bên trở thành Đối tác Toàn diện, đến năm 2018 thì nâng cấp lên Đối tác Chiến lược. Đặc biệt, tại cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Toàn quyền Úc David Hurley nhân chuyến thăm Việt Nam tháng 4-2023, hai bên nhất trí trao đổi để nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào thời điểm thích hợp.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Toàn quyền Úc David Hurley.
Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một Nguyên thủ nước ngoài tới Việt Nam trong năm 2023 và là quốc khách đầu tiên mà Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đón tiếp trên cương vị mới.
Chuyến thăm còn mang ý nghĩa biểu tượng, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Toàn quyền Úc, hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển thực chất và hiệu quả của quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước.
Cho rằng hai nước vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng hợp tác, các nhà lãnh đạo đã cùng thảo luận sâu rộng về các định hướng lớn để tăng cường quan hệ Việt - Úc trên các lĩnh vực.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ tiếp Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski.
Đến tháng 6-2023, Thủ tướng Úc Anthony Albanese thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Anthony Albanese tới Việt Nam kể từ khi nhậm chức và chỉ 2 tháng sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Toàn quyền David Hurley, thể hiện sự coi trọng của Úc trong quan hệ với Việt Nam.
Các cuộc tiếp xúc cấp cao trong khuôn khổ chuyến thăm đều diễn ra với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chân thành và tin cậy. Các nhà lãnh đạo hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp và hiệu quả. Tin cậy chính trị, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau ngày càng được củng cố thông qua trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo, nhân dân hai nước.
Hợp tác kinh tế - thương mại trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước với kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2022 đạt xấp xỉ 16 tỉ USD, tăng gần 30% so với năm 2021. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Úc, trong khi Úc là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam.
Về đầu tư, tính đến tháng 3-2023, có gần 600 dự án của các nhà đầu tư Úc vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 2 tỉ USD, đứng thứ 20/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Về hợp tác phát triển, Úc là một trong những đối tác song phương cung cấp vốn ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (trung bình 92,7 triệu AUD/năm trong giai đoạn 2013-2019; 78,9 triệu AUD/năm giai đoạn 2020-2021 và 92,8 triệu AUD/năm giai đoạn 2022-2023). Trong 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Úc đã hỗ trợ ODA cho Việt Nam tổng cộng khoảng 3 tỉ AUD.
Tháng 12-2023, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã có buổi tiếp và làm việc cùng đoàn công tác Đại sứ quán Úc tại Việt Nam do Đại sứ Andrew Goledzinowski làm trưởng đoàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ Andrew Goledzinowski thông tin, Úc đã triển khai Chương trình “Đối tác Mekong - Úc”, chú trọng vào các lĩnh vực an ninh nguồn nước, năng lượng, biến đổi khí hậu, với tổng gói hỗ trợ trị giá 94,5 triệu AUD. Với mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài, Úc sẽ thúc đẩy việc hợp tác với Cần Thơ phát triển nông nghiệp công nghệ cao thông qua Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc. Hai bên bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo, Y tế, Nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hai tháng trước đó, lãnh đạo thành phố Cần Thơ cũng đã có buổi làm việc với Tổng lãnh sự và Tùy viên Quốc phòng Úc.
Bà Sarah Hooper, Tổng lãnh sự Úc tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kể từ năm 2000 đến nay, Chính phủ Úc đã đầu tư vào khu vực ĐBSCL 650 triệu AUD, nhằm nâng cao cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thu hút đầu tư, nhân lực, đổi mới sáng tạo. Trong đó có hai công trình điểm nhấn là cầu Mỹ Thuận và cầu Cao Lãnh.
Bên cạnh đó, Trung tâm đổi mới sáng tạo của Úc còn phối hợp cùng Trường Đại học Cần Thơ thương mại hóa các công trình nghiên cứu, hướng tới giá trị của các công trình không chỉ nằm ở phòng thí nghiệm mà còn phát huy tối đa hiệu quả trong thực tế đời sống, mang lại các lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
|
Về giáo dục - đào tạo, Úc nổi tiếng là điểm đến du học chất lượng cao của du học sinh Việt Nam. Hiện có khoảng 31.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại xứ sở chuột túi, đứng thứ tư trong số sinh viên quốc tế. Úc cũng cung cấp nhiều học bổng theo các chương trình dài hạn và ngắn hạn cho Việt Nam. Bên cạnh đó, các trường đại học của hai nước hiện có nhiều chương trình liên kết đào tạo đang hoạt động. Chẳng hạn Đại học RMIT đã mở 2 cơ sở (tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) với hơn 6.000 sinh viên theo học, dự kiến còn mở tiếp tại các thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng, tăng vốn đầu tư thêm khoảng 75 triệu USD vào Việt Nam.
Hai bên nhất trí các phương hướng thúc đẩy hợp tác sắp tới nhằm tăng cường tin cậy chính trị, góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước cũng như phối hợp hiệu quả trong ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Theo đó, hai bên tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, triển khai các cơ chế hợp tác song phương; tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa nội hàm của quan hệ Đối tác Chiến lược hướng đến một tầm cao mới trong thời gian tới; phát huy hơn nữa những kết quả thực chất trong hợp tác quốc phòng - an ninh; hợp tác chặt chẽ phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm an ninh mạng và các loại tội phạm khác…
Hai bên nhất trí đẩy mạnh triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Úc (EEES) giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 20 tỉ USD trong thời gian tới và tăng gấp đôi mức đầu tư hai chiều hiện nay; tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, trong đó có các kết nối cứng về giao thông, các kết nối mềm như tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử; khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường đầu tư tại mỗi nước. Úc tiếp tục tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường Úc để cân bằng thương mại.
Hai bên cũng thống nhất thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục của hai nước, khuyến khích các trường đại học lớn của Úc phát triển hoạt động tại Việt Nam nhằm hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - là một trong 3 đột phá chiến lược của Việt Nam; tăng cường hơn nữa hợp tác về du lịch, trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân; nhất trí trao đổi, tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác về du lịch.
Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Úc sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm giúp Việt Nam đạt mục tiêu cam kết phát thải ròng bằng 0.
Ba tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Anthony Albanese, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại gặp người đồng cấp Úc nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 và các hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia.
Thủ tướng Anthony Albanese nhắc lại lời mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Úc; đề nghị hai bên hoàn tất trao đổi và các thủ tục nội bộ để sớm tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào thời điểm phù hợp.
Ông cũng nhắc lại lời mời Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Úc và dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Úc trong tháng 3-2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã vui vẻ nhận lời.
Một nét đặc trưng trong quan hệ giữa hai nước là Úc có số lượng người dân gốc Việt lớn hàng đầu trên thế giới. Cộng đồng người Việt Nam tại Úc có khoảng 350.000 người (chiếm 1,3% dân số Úc và đứng thứ 5 trong số các cộng đồng sắc tộc gốc người nước ngoài). Cộng đồng người Việt Nam tại Úc được coi là một cầu nối quan trọng, không chỉ về văn hóa mà còn về thương mại, đầu tư, kết nối kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.
P.V (Tổng hợp)