11/03/2012 - 20:40

Việt Nam tham dự Hội chợ thương mại Thái Lan - ASEAN 2012

* Doanh nghiệp Việt tận dụng tốt lợi thế cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu

Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, từ ngày 5-11/3, Hội chợ thương mại Thái Lan-ASEAN năm 2012 đã diễn ra tại tỉnh Ubon Ratchathani với sự tham gia của Trung Quốc, Lào, Campuchia, Việt Nam và nước chủ nhà Thái Lan.

Hội chợ lần này được cho là cơ hội để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa các nước khu vực hành lang kinh tế Đông- Tây, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang chuẩn bị thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.

Nhiều doanh nghiệp từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã tham gia hội chợ với nhiều gian hàng giới thiệu các mặt hàng truyền thống và có thế mạnh. Các mặt hàng của Việt Nam được đánh giá cao về tính đa dạng và chất lượng, trong đó hai mặt hàng được quan tâm nhiều nhất là bánh kẹo Hải Hà Kotobuki và các sản phẩm đá mỹ nghệ của Đà Nẵng. Trong khi đó, các mặt hàng của Lào và Campuchia được đánh giá cao về bao bì, mẫu mã và có nhiều tiến bộ về chất lượng so với hội chợ năm ngoái.

Nhân dịp này, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Thành Hưng đã có cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp và đại biểu Việt Nam tham dự hội chợ, đồng thời đề nghị Sở Thương mại tỉnh Ubon và Hội người Việt Nam trong tỉnh giới thiệu bạn hàng và các đại lý của địa phương cho các doanh nghiệp Việt Nam.

* Với vai trò là trung tâm tái xuất hàng hóa lớn thứ 3 thế giới (sau Hồng Công và Singapore), các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) hiện là quốc gia năng động nhất trong hoạt động thương mại, vận tải, dịch vụ cho toàn bộ khu vực Trung Đông, là cửa ngõ quan trọng để trung chuyển hàng hóa vào thị trường châu Phi và EU. Đây được xem là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Theo Vụ Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2011 của Việt Nam sang UAE đạt khoảng 922 triệu USD, tăng tới 82% so với năm 2010. Điều này giúp UAE vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở khu vực Trung Đông năm 2011. Ngoài ra, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu nổi bật nhất trong năm qua là điện thoại di động với giá trị kim ngạch đạt 363 triệu USD, tăng tới 412% so với năm 2010, chiếm 39% giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE. Đây là con số rất ấn tượng nếu chúng ta biết rằng năm 2009, Việt Nam chưa xuất khẩu điện thoại di động sang UAE. Bên cạnh đó, rất nhiều mặt hàng khác cũng đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao như sản phẩm dệt may, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hạt tiêu, mặt hàng hải sản...

Cùng những tiềm năng và lợi thế của UAE được doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm, đã có nhiều đoàn Chính phủ các cấp sang thăm làm việc tại UAE. Trong đó, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và một số hiệp hội như: Thủy sản, lương thực, hạt tiêu, da giày, dệt may... thường xuyên tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi giao thương, tham dự hội chợ, triển lãm, hội thảo tại Dubai. Các sự kiện xúc tiến thương mại nổi bật gồm có: Hội thảo Doanh nghiệp nông sản và thủy sản (2011), các Triển lãm thực phẩm vùng Vịnh (Gulfood) tổ chức hàng năm, Lễ hội bán hàng Global Village (hàng năm), Triển lãm gạo Dubai (2011), Triển lãm hàng nông sản SIAL 2011 tại Abu Dhabi... Do tích cực khảo sát thị trường nên doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác tốt các cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào UAE và các nước xung quanh.

Để hàng Việt “phủ sóng” rộng hơn và vững chắc hơn tại thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tốt hơn lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá cả của mặt hàng thực phẩm, nông sản khi nhu cầu nhập khẩu của UAE hàng năm là hơn 80% đối với các mặt hàng như gạo, tiêu đen, trà, cà phê, dừa, hạt điều... Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tại UAE để mở rộng thị trường xuất khẩu, bởi hiện nay các doanh nghiệp UAE đang muốn đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực chế biến hoặc thiết lập quan hệ thương mại trong lĩnh vực nông sản với doanh nghiệp Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa, đồng thời đưa hàng hóa Việt Nam vào EU và châu Phi.

Chia sẻ bài viết