15/08/2012 - 21:54

Việt Nam nằm trong 10 nước chịu nhiều rủi ro nhất thế giới do thiên tai

* Chủ động đối phó với diễn biến của bão Kai-Tak

(TTXVN)- Châu Á là khu vực chịu nhiều rủi ro nhất từ những thảm họa thiên nhiên như động đất, lũ lụt, giông bão..., trong đó Việt Nam có tên trong danh sách 10 nước thiệt hại nghiêm trọng nhất. Đây là kết quả nghiên cứu về tác động của thiên tai đối với các nền kinh tế do Cơ quan Tư vấn rủi ro Maplecroft của Anh tiến hành và công bố ngày 15-8.

Nghiên cứu được thực hiện tại 197 nước trên thế giới. Trong tốp 10 nước bị tác động nghiêm trọng nhất, châu Á có tới 6 đại diện với ba nước đứng đầu là Bangladesh, Philippines và Myanmar. CH Dominica là nước duy nhất thuộc vùng Caribe chịu rủi ro cao do thiên tai. 6 nước còn lại trong danh sách này gồm Việt Nam, Ấn Độ, Honduras, Lào, Haiti và Nicaragua. Thiệt hại do thiên tai sẽ tỷ lệ thuận với cơ sở hạ tầng và trình độ quản lý yếu kém tại mỗi nước.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nếu xảy ra thảm họa thiên nhiên, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Mexico sẽ là những nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhằm đối phó với những nguy cơ có thể xảy ra, hiện các nước này đã triển khai nhiều phương án phòng ngừa, trong đó có việc quy hoạch các công trình và cơ sở hạ tầng lớn để giảm thiểu thiệt hại kinh tế.

* Ngày 15-8, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện số 32/CĐ-TW gửi Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi; Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu và Điện Biên và các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nội dung công điện như sau:

Theo bản tin dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, chiều 15-8, bão Kai-Tak đã đi vào vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông. Hồi 16 giờ ngày 15-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 120,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 900 km về phía Đông Đông Bắc. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và còn có khả năng mạnh thêm.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, cấp 13; khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

Để chủ động đối phó với diễn biến của bão, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố, các bộ triển khai thực hiện một số nội dung sau: Theo dõi, kiểm điểm, tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực ảnh hưởng của bão và vùng biển động; thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu...

Chia sẻ bài viết