18/09/2009 - 08:05

Ngày 17-9:

Việt Nam ghi nhận đã có 5.961 người nhiễm cúm A(H1N1)

* TP Cần Thơ: Người dân đổ xô đi khám bệnh vì sợ nhiễm cúm A (H1N1)

* Cà Mau: Cúm A (H1N1) lây lan rộng, diễn biến phức tạp

* Tổng kết dự án “Nâng cao năng lực phòng chống và khống chế dịch cúm gia cầm khu vực tiểu vùng sông Mê Công”

Ngày 17-9, Bộ Y tế cho biết: Trước thực trạng quá tải trong xét nghiệm cúm A (H1N1), Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng kiểm tra hệ thống phòng xét nghiệm tại các cơ sở y tế địa phương. Nếu cơ sở nào đủ tiêu chuẩn thì công bố ngay để cơ sở đó tiến hành xét nghiệm, giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối; đồng thời, mỗi tỉnh dự kiến số sinh phẩm và nguồn kinh phí cần thiết phục vụ cho công tác xét nghiệm để Bộ Y tế xem xét phê duyệt.

Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn về công tác xét nghiệm cúm A (H1N1) cho 15 tỉnh, thành phố. Trong đó, khu vực phía Nam có 4 tỉnh đủ điều kiện về cơ sở vật chất và kỹ thuật để tiến hành xét nghiệm ngay, gồm: Tiền Giang, Vũng Tàu, An Giang và Đồng Nai. Ở miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã tiến hành kiểm tra 3 cơ sở xét nghiệm là: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Bình và Đại học Y Thái Bình. Cả 3 phòng xét nghiệm này đều đủ tiêu chuẩn xét nghiệm cúm A (H1N1).

Theo Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế): Ngày 17-9, Việt Nam đã ghi nhận thêm 235 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1). Trong đó, miền Nam có 170 ca , miền Bắc 38 ca , miền Trung 16 ca và Tây Nguyên 11 ca. Như vậy, tính đến 17 giờ cùng ngày, cả nước đã có 5.961 người nhiễm cúm A (H1N1) ở hơn 50 tỉnh, thành phố, 6 ca tử vong. Số trường hợp đã khỏi bệnh, ra viện là 4.593 người, các trường hợp còn lại hiện đang cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.

* Theo thông tin từ ngành y tế, đến ngày 17-9-2009, sức khỏe tất cả bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm cúm A(H1N1) đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện ở TP Cần Thơ đều ổn định. Cụ thể, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ đang điều trị 6 bệnh nhân nhiễm, 2 trường hợp nghi nhiễm; Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đang điều trị 1 bệnh nhi nhiễm và 5 bệnh nhi nghi nhiễm; Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đang cách ly, điều trị cho 3 trường hợp bệnh nhân nghi nhiễm và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đang cách ly, điều trị cho 2 trường hợp nghi nhiễm. Đến chiều 17-9-2009, ngành y tế đã lấy mẫu bệnh phẩm của 7 trường hợp nghi nhiễm cúm A(H1N1) gửi xét nghiệm. Ngành cũng đã tiến hành phun thuốc, khử khuẩn tại Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng.

Thông tin từ các bệnh viện cho biết, những ngày gần đây, do lo sợ nhiễm bệnh cúm A(H1N1), người dân đến các cơ sở khám bệnh ngày càng đông, gây quá tải tại khoa khám bệnh của 1 số bệnh viện. Trong đó, phần lớn là những trường hợp mắc các bệnh viêm phổi, viêm họng, cúm mùa, thậm chí có trường hợp không mắc bệnh. Và đa phần đều yêu cầu bác sĩ cho chụp X- quang, xét nghiệm máu để xác định có bị nhiễm cúm A(H1N1) hay không.

* Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau cho biết: Dịch cúm A (H1N1) đang lây lan rộng và diễn biến phức tạp. Đến ngày 17-9, Cà Mau có 10 ca dương tính với cúm A H1N1 và gần 70 ca nghi nhiễm cúm A. Trong đó, khu công nghiệp Khí-Điện-Đạm có 3 trường hợp dương tính, 38 trường hợp nghi mắc cúm; Trường THCS Khai Long (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) cũng đã có 2 học sinh dương tính với cúm A (H1N1), 30 em có những biểu hiện lây nhiễm, hiện đang được cách ly điều trị tại bệnh viện dã chiến của trường. Sở GD&ĐT đã quyết định tạm thời đóng cửa trường học này trong một tuần.

* Hôm qua (17-9-2009), Ban quản lý dự án- Sở Y tế TP Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án “Nâng cao năng lực phòng chống và khống chế dịch cúm gia cầm khu vực tiểu vùng sông Mê Công” do Cơ quan viện trợ Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) tài trợ thông qua tổ chức Abt Associates và tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, thực hiện trên địa bàn TP Cần Thơ từ tháng 6-2007 đến 9-2009.

Sau 3 năm, triển khai dự án tại 12 xã thuộc 4 quận, huyện là Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. TP Cần Thơ đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên để giám sát dịch bệnh trong cộng đồng và các chương trình truyền thông nhằm thay đổi ý thức và hành vi phòng chống cúm gia cầm của người dân; xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học cho nhóm hộ chăn nuôi và ấp nở vịt. Thực hiện các biện pháp tăng cường năng lực mạng lưới y tế, hệ thống thú y cơ sở trong công tác chẩn đoán, báo cáo dịch bệnh và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân. Cụ thể như: mở các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế, cán bộ thú y, các cộng tác viên, cung cấp các trang thiết bị phòng chống dịch cúm gia cầm... Đặc biệt, từ khi triển khai dự án đến nay, tại 4 quận, huyện vùng dự án đã không có dịch cúm gia cầm và trên người xảy ra.

Việt Hà (TTXVN) - NHÓM PV BCT

Chia sẻ bài viết