20/05/2009 - 09:41

Việt Nam chung sức với thế giới phòng ngừa và kiểm soát dịch cúm A(H1N1)

* 40 nước có người mắc cúm A(H1N1)
* Hàn Quốc xác nhận du khách Việt Nam bị nhiễm cúm A(H1N1)
* Bào chế thành công vắc-xin chống cúm

(TTXVN)- Ngày 19-5, phát biểu tại khóa họp thường niên lần thứ 62 Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) ở Genève, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Y tế nước ta Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách ở các nước cần đảm bảo công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân, đặc biệt những đối tượng dễ bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Ông cho biết mặc dù kinh tế Việt Nam gặp một số khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, song ngành y tế Việt Nam vẫn tiếp tục đổi mới và phát triển hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Việt Nam đã ban hành các chính sách lớn như đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính y tế theo định hướng này; tăng tỷ trọng nguồn tài chính công cho y tế, đổi mới hệ thống cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh...

Bộ trưởng nêu rõ ngoài ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ bùng phát đại dịch cúm A(H1N1). Nhằm chung sức với cộng đồng quốc tế phòng ngừa và kiểm soát đại dịch này, Việt Nam đã khởi động lại Hệ thống ứng phó nhanh cấp quốc gia, khôi phục Ban Chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm trên người, đồng thời thành lập 4 tiểu ban để ứng phó với dịch bệnh gồm: Tiểu ban Giám sát, Tiểu ban Điều trị, Tiểu ban Tuyên truyền và Tiểu ban Hậu cần.

* Ngày 18-5, Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: Thế giới đã có 40 nước chính thức thông báo ghi nhận 8.829 trường hợp mắc, dương tính với cúm A(H1N1), 74 trường hợp tử vong.

Mexico đã xác nhận đến nay có 3.103 trường hợp mắc, trong đó 68 trường hợp tử vong, Mỹ 4.714 trường hợp mắc, trong đó 4 trường hợp tử vong, Canada 496 trường hợp mắc, 1 trường hợp tử vong, Costa Rica 9 trường hợp mắc 1 trường hợp tử vong...

Những nước có người nhiễm vi rút cúm A (H1N1) nhưng chưa có trường hợp tử vong là: Argentina (1), Australia (1), Ireland (1), Áo (1), Bỉ (5), Brazil (8), Chile (1), Trung Quốc (6), Colombia (11), Cuba (3), Đan Mạch (1), Ecuador (1), Elsanvador (4), Phần Lan (2), Pháp (14), Đức (14), Guatemala (3), Ấn Độ (1), Israel (7), Ialia (9), Nhật Bản (125), Hàn Quốc (3), Malaysia (2), Hà Lan (3), New Zealand (9), Na Uy (2), Panama (54), Pê Ru (1), Ba Lan (1), Thổ Nhĩ Kỳ (2), Tây Ban Nha (103), Thụy Điển (3), Thụy Sĩ (1), Thái Lan (2), Anh (101), Ailen (1).

Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cảnh báo: Nguy cơ dịch cúm A (H1N1) xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã và đang thực hiện giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ và chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đáp ứng với dịch cúm A(H1N1) trong trường hợp dịch xâm nhập vào Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới trong việc trao đổi thông tin và các biện pháp phối hợp phòng chống đại dịch.

* Ngày 19-5, giới chức y tế Hàn Quốc xác nhận một du khách Việt Nam quá cảnh tại sân bay quốc tế Incheon của nước này và bị cách ly từ ngày 17-5 đã nhiễm vi-rút cúm A(H1N1).

Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc, người phụ nữ 22 tuổi này đến Hàn Quốc từ Seattle (Mỹ) vào chiều 17-5 và dự định đáp chuyến bay về Việt Nam, nhưng đã bị giữ lại sau khi có triệu chứng sốt cao.

* Các nhà khoa học Hàn Quốc ngày 18-5 thông báo đã bào chế thành công vắc-xin chống vi-rút cúm A(H1N1) dành cho người. Loại vắc-xin mới này mang tên: “CNUK-RG A/CA/4xPR/8 (H1N1)”.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Chungnam ở Hàn Quốc, do Giáo sư chuyên ngành thú y Seo Sang-heui đứng đầu, cho biết đã phát triển được vắc-xin chống cúm A(H1N1) từ ngày 15-5, 11 ngày sau khi nhận được “vi-rút chuẩn” từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC). Giáo sư Seo Sang-heui cho biết đây có thể là loại vắc-xin phòng cúm A(H1N1) đầu tiên được bào chế trên thế giới. Ông cho biết nhóm nghiên cứu đã áp dụng kỹ thuật tái tổ hợp gien và tạo ra loại vắc-xin không còn độc tố, có thể sản xuất hàng loạt với giá thành thấp. Tác dụng của vắc-xin đã được xác nhận qua các cuộc thử nghiệm trên các mẫu tế bào người và khỉ.

Giáo sư Seo Sang-heui cho biết nhóm nghiên cứu của ông sẵn sàng cung cấp dữ liệu miễn phí về loại vắc-xin mới này cho các công ty dược phẩm và trung tâm nghiên cứu y học trên khắp thế giới.

Trước đó, một số nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản và Australiacũng đã nhận được các mẫu “vi-rút chuẩn” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để nghiên cứu bào chế vắc-xin chống vi-rút cúm A(H1N1).

Chia sẻ bài viết