17/07/2015 - 21:30

Vị thế mới của đất Tây Đô

Thời gian gần đây, thành phố Cần Thơ thu hút thêm nhiều dự án quy mô lớn từ các tập đoàn kinh tế lớn mạnh trong và ngoài nước đến đầu tư như: Tập đoàn Vingroup, Lotte, Mường Thanh đầu tư các trung tâm thương mại, sân golf, khách sạn 5 sao… Đặc biệt, các dự án nâng cấp đô thị xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Ngân hàng Thế giới (WB) đang được tập trung triển khai tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố, tiến tới hoàn thiện cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ. Các công trình, dự án nên trên hứa hẹn sẽ mang lại bộ mặt khang trang, hiện đại cho thủ phủ Tây Đô trong những năm sắp tới.

* Đổi mới trên đất Tây Đô

Những năm qua, trên địa bàn TP Cần Thơ, ngoài những công trình được Trung ương đầu tư như: Sân bay Quốc tế, Cảng biển, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn, đường Nam sông Hậu, quốc lộ 61B... Thì những công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA, như: Cầu Cần Thơ của Chính phủ Nhật Bản, các dự án WB5, WB6 của Ngân hàng Thế giới (WB) và gần đây nhất là 2 dự án Nâng cấp đô thị tại TP Cần Thơ đã và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, góp phần thúc đẩy phát triển thành phố trong tiến trình hội nhập trong khu vực và quốc tế...

Cầu Cần Thơ là một trong những công trình tiêu biểu được đầu tư bằng nguốn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản đầu tư trên địa bàn thành phố, đã phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội rất rõ nét không chỉ cho Cần Thơ mà phục vụ cho cả các tỉnh miền Tây. Kế đến, Dự án Nâng cấp đô thị (NCĐT) TP Cần Thơ (Dự án 1) đã hoàn thành đúng thời gian quy định của WB, đã cải tạo những con rạch nước đen - những nơi ô nhiễm nhất của thành phố, thành những con rạch được kè tường khang trang; những con hẻm nhỏ lầy lội, nay trở thành những con hẻm sáng - xanh - sạch - đẹp, nhà cửa xây mới ngăn nắp, quy củ. Những tuyến phố chính như đại lộ Hòa Bình, Lý Tự Trọng, 30 Tháng 4 thường ngập nghẹt khi triều cường hay mưa lớn bất chợt, nay được nâng cấp khang trang, thẳng tắp. Hay Công viên Lưu Hữu Phước vốn nham nhở, mất vệ sinh, nay trở thành công trình hiện đại, một trong những điểm dừng chân lý thú cho người dân và khách tham quan, hóng mát...

Bắt tay xây dựng cách nay gần 2 năm, Dự án NCĐT vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ (Dự án 2) với số vốn hơn 90,4 triệu USD đang bước vào thi công giai đoạn cuối. Theo chủ đầu tư - Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, đến thời điểm này đã đấu thầu xong 26/30 gói thầu của toàn dự án (trong đó bao gồm 6 gói thầu bổ sung từ nguồn vốn kết dư). Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm sẽ triển khai đạt 100% các gói thầu của toàn dự án.

 Một góc TP Cần Thơ (khu đô thị mới Nam Cần Thơ).

Ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, chia sẻ: Thời gian qua, chúng tôi tập trung triển khai các gói thầu với mục tiêu đảm bảo chất lượng, vệ sinh môi trường, đảm bảo tiến độ thi công như kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, do triển khai trong mùa mưa bão, nên có một số gói thầu, tuyến hẻm bị chậm tiến độ; vệ sinh môi trường nơi thi công chưa đảm bảo theo yêu cầu đặt ra. Ban Quản lý Dự án ODA đang kiểm tra, đôn đốc nhà thầu khắc phục những hạn chế này và đảm bảo tiến độ toàn bộ dự án.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm sẽ phấn đấu hoàn thành tất cả các con hẻm đang thi công để đưa vào sử dụng. Về tiến độ giải ngân vốn ODA cũng đạt theo yêu cầu của WB, đảm bảo kế hoạch chỉ tiêu của thành phố giao trong năm 2015. Ông Huỳnh Thanh Sử cũng cho biết thêm, các gói thầu lớn như hồ Bún Xáng sẽ được khởi công trong tháng 10-2015 và toàn bộ dự án NCĐT vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ sẽ hoàn thành và kết thúc dự án vào 31-12-2017.

Cả hai dự án NCĐT TP Cần Thơ đang phát huy hiệu quả, đáp ứng mục tiêu xóa bỏ tình trạng ngập nghẹt, ô nhiễm tại các khu đô thị, giúp cải thiện đời sống, nâng cao điều kiện vệ sinh môi trường của người dân TP Cần Thơ. Theo đánh giá mới đây của Bộ Xây dựng, cả 2 dự án đã và đang triển khai trên địa bàn thành phố đảm bảo tiến độ, chất lượng so với các dự án NCĐT của các tỉnh, thành trong vùng và đang phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo sức lan tỏa rất lớn. Đây sẽ là tiền đề quan trọng, được WB đánh giá cao, TP Cần Thơ sẽ có điều kiện thuận lợi hơn thu hút thêm nhiều dự án ODA trong những năm tiếp theo.

* Sẽ có thêm "siêu" dự án ODA

Có thể nói, Dự án NCĐT TP Cần Thơ và Dự án NCĐT vùng ĐBSCL nằm trong chương trình Xây dựng Chiến lược Nâng cấp đô thị Quốc gia và kế hoạch đầu tư tổng thể cho nâng cấp đô thị đến năm 2020, với mục tiêu giảm nghèo các khu vực đô thị bằng việc cải thiện điều kiện sống và môi trường, áp dụng phương pháp có sự tham gia của cộng đồng... đã đạt được những kết quả rất tốt. TP Cần Thơ, ngoài những mục tiêu trên, dự án đã thật sự góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường chung của toàn thành phố, nâng cao điều kiện và chất lượng cuộc sống cho người dân nghèo đô thị. Theo đó, mở rộng quy mô và khả năng tiếp cận với các dịch vụ cơ sở hạ tầng cơ bản như: Thoát nước, cấp nước, vệ sinh môi trường, giao thông tại các khu vực dân cư có thu nhập thấp; quản lý bền vững hạ tầng cơ sở đô thị, nhà đất, từng bước cụ thể hóa chương trình nâng cấp đô thị quốc gia...

Mới đây, ông Huỳnh Thanh Sử chia sẻ thêm về thông tin dự án NCĐT mới (tạm gọi Dự án 3) đang trong quá trình khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư. Dự án 3 cũng do WB tài trợ, để tiếp tục phát triển hoàn thiện TP Cần Thơ. Theo Tờ trình của UBND thành phố đề nghị phê duyệt danh mục, chủ trương đầu tư Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, đề nghị tài trợ của WB tài khóa 2015-2017 vừa trình Chính phủ xem xét trong tháng 5 vừa rồi, thì Dự án 3 này sẽ là dự án ODA có số vốn lớn nhất từ trước đến nay dành cho TP Cần Thơ là 312,5 triệu USD (tương đương 6.596 tỉ đồng, trong đó vốn vay WB khoảng 250,3 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng). Dự án 3 chủ yếu nhằm phát triển đô thị bền vững, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho TP Cần Thơ, thúc đẩy TP Cần Thơ trở thành trung tâm và động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSCL. Đồng thời, nhằm giảm sự tổn thương do ngập lụt tại trung tâm thành phố và cải thiện giao thông kết nối giữa các khu vực nội vùng và liên vùng. Điều này sẽ được thông qua đầu tư xây dựng hệ thống kiểm soát ngập lụt bằng giải pháp công trình và phi công trình đầu tư vào cải thiện khả năng tiếp cận đô thị bao gồm cả hoạt động vận tải công cộng thông qua một phương pháp tiếp cận quản lý hành lang tích hợp và tăng cường năng lực quản lý tài chính và kế hoạch tích hợp giao thông với sử dụng đất. Theo đó, phạm vi dự án khoảng 3.600 ha chủ yếu tập trung khu vực trung tâm quận Ninh Kiều và Bình Thủy. Về giao thông kết nối dự kiến có một số công trình lớn như: xây mới cầu Quang Trung đơn nguyên 2 và cải tạo đơn nguyên 1, xây dựng cầu và đường Trần Hoàng Na, tuyến đường kết nối từ Cách Mạng Tháng Tám đến đường tỉnh 918…

Ông Huỳnh Thanh Sử cho biết, theo yêu cầu của WB, kế hoạch tiến độ thực hiện thủ tục cho dự án này như sau: Tháng 4-2015 trình Đề cương nhiệm vụ tư vấn về đánh giá môi trường - xã hội; tháng 5-2015 trình Đề cương dự án cho Chính phủ; tháng 5-2015 lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án; tháng 6-2015 hoàn thành khung chính sách tái định cư; tháng 10-2015 hoàn thành đánh giá môi trường - xã hội và kế hoạch tái định cư, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; tháng 12-2015 hoàn thành kế hoạch đấu thầu cho 18 tháng đầu tiên, tổ chức đàm phán; tháng 3-2016 ký Hiệp định vay vốn. Sau đó sẽ triển khai thi công dự án và kết thúc dự án vào năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Thị Hồng Ánh nhận định, với 3 dự án NCĐT đã và đang được triển khai phù hợp với từng thời kỳ phát triển của thành phố, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cấp vùng đã được tập trung đầu tư tại TP Cần Thơ. Thành phố cũng tập trung mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển các khu vực trung tâm thành phố và gắn kết với xây dựng nông thôn mới, nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh, thực hiện vai trò trung tâm, là động lực phát triển cho toàn vùng của TP Cần Thơ.

Dự kiến, tháng 10-2015 sẽ khởi công hồ Bún Xáng và hoàn thành vào tháng 6-2017, kế đến là khởi công kè Rạch Ngỗng và Rạch Sao… Các công trình hồ Bún Xáng, kè Rạch Ngỗng và Rạch Sao hoàn thiện sẽ góp phần tạo cảnh quan và chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm thành phố, tạo ra môi trường sống cho người dân thành phố tốt hơn. Hồ Bún Xáng là hạng mục công trình có mức đầu tư lớn của Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ, hồ có diện tích 18 ha, kinh phí xây lắp phần hồ chính dự kiến hơn 300 tỉ đồng. Nếu tính thêm các hạng mục khác như: thoát nước lưu vực hồ, tuyến đường kết nối, thiết bị môi trường hồ, công viên cây xanh, chiếu sáng… tổng mức đầu tư khoảng 500 tỉ đồng. Kè Rạch Ngỗng có chiều dài khoảng 1,6 km, tổng mức đầu tư gần 100 tỉ đồng. Kè Rạch Sao dài hơn 1 km, tổng mức đầu tư khoảng 70 tỉ đồng.

Bài, ảnh: THIỆN KHIÊM

Chia sẻ bài viết