30/08/2009 - 20:36

Xung quanh hoạt động của bến phà Thốt Nốt - Tân Lộc:

Vì sao người dân bức xúc?

Hoạt động của bến phà Thốt Nốt - Tân Lộc diễn ra từ 4 giờ sáng đến 23 giờ trong ngày.

Thời gian qua, tại các kỳ họp HĐND phường, quận, nhiều cử tri ở cù lao Tân Lộc, phường Tân Lộc (Thốt Nốt) phản ánh việc bến phà Thốt Nốt- Tân Lộc (thuộc Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ quản lý), chỉ hoạt động từ 4 giờ sáng đến 23 giờ đêm, sau thời gian đó, các trường hợp bệnh tật cần cấp cứu hay hỏa hoạn xảy ra, người dân cù lao phải tự xoay xở. Ngoài ra, bà con còn phản ánh tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên bến phà chưa tốt...

Từ những năm 1990, người dân ở cù lao Tân Lộc tự lập bến đò chèo phục vụ việc đi lại của người dân ở cù lao Tân Lộc sang Thốt Nốt và ngược lại. Sau đó, UBND huyện Thốt Nốt (cũ) đã đầu tư kinh phí xây dựng bến bãi, phát triển thành bến đò khách an toàn, tổ chức đấu thầu theo qui định. Theo hợp đồng đấu thầu, UBND huyện Thốt Nốt có qui định đối với đơn vị trúng thầu phải phục vụ hành khách 24/24 giờ và nguồn thu được từ phí đấu thầu, bến bãi hàng năm của bến đò này đều được địa phương đưa vào xây dựng các công trình phúc lợi như: cầu, đường giao thông nông thôn...

Đến tháng 11-2003, UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) giao cho Xí nghiệp Bến xe tàu phà Cần Thơ (nay là Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ) quản lý cho đến nay. Lúc đầu, bến phà này chỉ hoạt động từ 4 giờ sáng đến 22 giờ. Đặc biệt, 3 chiếc phà đều neo đậu tại bờ Thốt Nốt nên khi người dân ở bờ Tân Lộc có nhu cầu cấp cứu khi bị bệnh hay hỏa hoạn... gặp rất nhiều khó khăn khi gọi phà. Qua nhiều lần người dân phản ánh, Ban giám đốc công ty chỉ đạo phà hoạt động kéo dài đến 23 giờ. Tuy nhiên, khoảng thời gian phà không hoạt động đã từng xảy ra nhiều trường hợp cấp cứu bệnh nhân, phục vụ chữa cháy mà không có phà để đáp ứng kịp thời... Cụ thể, trường hợp ông Lý Thành Khang, ở khu vực Trường Thọ, phường Tân Lộc, cách nay 4 tháng (vào lúc khoảng 22 giờ), có con bị sốt cao phải đưa đi cấp cứu, lúc này bến phà Thốt Nốt-Tân Lộc đã đóng kín cửa, ông Khang gọi mãi vẫn không một ai trả lời nên đành phải tức tốc mướn ghe của người dân để đưa con ông đi cấp cứu. Rất may, con ông không ảnh hưởng đến tính mạng.

Ông Phạm Văn My, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lộc, cho biết: “Về vấn đề này, nhiều năm qua, tại các kỳ họp HĐND phường, cử tri đều rất bức xúc. Cụ thể, năm 2005, UBND xã Tân Lộc (nay là phường Tân Lộc) đã kiến nghị xin nhận lại bến phà Thốt Nốt -Tân Lộc để địa phương quản lý, nhằm tăng thêm nguồn thu ngân sách, phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn... Và mới đây, cử tri tiếp tục phản ánh ý kiến này tại kỳ họp HĐND phường 6 tháng đầu năm 2009. Không riêng việc phà không hoạt động ban đêm mà nhiều cử tri còn bức xúc về thái độ phục vụ của nhân viên bến phà như: hạch sách học sinh đi học về trễ hoặc giờ đi học thêm, những giáo viên quên đeo thẻ trên ngực áo thì nhân viên kiểm soát buộc phải mua vé... Đặc biệt, từ 4 giờ sáng đến 23 giờ, bến phà này không hoạt động, trường hợp bệnh hoạn, sinh nở, hỏa hoạn không có phương tiện qua sông ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của người dân ở cù lao Tân Lộc”.

Một cán bộ của quận Thốt Nốt phản ánh, Ban quản lý (BQL) bến phà Thốt Nốt- Tân Lộc còn tự ý cho một số người dân địa phương cho phương tiện neo đậu tại khu vực bến phà để phục vụ hành khách trong thời gian phà không hoạt động (từ 22 giờ đêm đến 4 giờ sáng). Mỗi đêm, BQL bến phà thu 11.000 đồng/phương tiện... và không cần biết các phương tiện đưa rước khách này có đảm bảo an toàn cho người dân khi qua sông hay không. Ông Huỳnh Văn Mễn, ở khu vực Lân Thạnh, phường Tân Lộc, là một trong những người dân neo đậu phương tiện phục vụ hành khách trong giờ phà ngưng hoạt động, cho biết: “Đa số người dân nơi đây không ruộng đất sản xuất nên ngày đêm hành nghề đưa đò ngang sông từ rất lâu (thời còn là ghe chèo). Do Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ không hoạt động ban đêm (từ 23 giờ đến 4 giờ sáng) nên mỗi khi gia đình ai có người bệnh hoạn hay sinh nở gì cũng đến nhà tôi nhờ lấy ghe đưa sang sông cấp cứu. Vì tình làng nghĩa xóm, chúng tôi mới neo đậu tại khu vực bến đò để phục vụ bà con. Sau đó, BQL bến đò yêu cầu phải đóng tiền. Lúc đầu, nhân viên bến đò đưa biên lai thu tiền cho chúng tôi mà không có đóng dấu của Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ và ký tên không đúng vị trí (thay vì, nhân viên thu tiền ký tên chỗ người thu tiền, đàng này nhân viên lại ký vào ô người đóng tiền) trong một thời dài. Về sau, tôi thắc mắc, BQL mới đưa biên lai có đóng dấu của Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ và ký tên đúng qui định”.

Xung quanh phản ánh của bà con và chính quyền phường Tân Lộc, bà Nguyễn Thị Huỳnh Như, Trưởng bến phà Thốt Nốt- Tân Lộc, lý giải: “Trước đây, BGĐ Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ chỉ đạo phà hoạt động từ 4 giờ sáng đến 22 giờ trong ngày. Sau khi người dân ở cù lao Tân Lộc phản ánh, ngày 1-4-2009 đến nay, BGĐ công ty gởi thông báo về giờ hoạt động chính thức tại bến phà Thốt Nốt từ 4 giờ sáng đến 23 giờ. Ngoài giờ hoạt động chính, nếu có yêu cầu đột xuất như: vận chuyển phương tiện cứu thương, cứu hỏa, chuyên chở bệnh nhân cấp cứu; đưa rước đoàn cán bộ của quận, ban ngành đoàn thể phường Thốt Nốt và phường Tân Lộc công tác đặc biệt, bến phà sẽ điều động phương tiện phục vụ kịp thời. Đặc biệt, vào các ngày lễ, tết, bến phà sẽ phục vụ 24/24 giờ. Mọi trường hợp phát sinh liên hệ điện thoại số: 07103.855404. Từ tháng 4-2009 đến nay, nhân viên bến phà phục vụ 7 trường hợp đặc biệt ngoài giờ qui định. Ngoài ra, bến phà chưa hề nhận thông tin nào của người dân yêu cầu phà phải hoạt động thêm ngoài giờ hoạt động chính”.

Trao đổi với chúng tôi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ, cho biết: “Qua phản ánh của bà con cù lao Tân Lộc, ngày 1-4-2009, Ban giám đốc công ty gởi thông báo đến các ngành có liên quan và dán thông báo tại hai đầu bến phà Thốt Nốt- Tân Lộc để người dân qua lại hiểu về giờ hoạt động chính thức tại bến phà (như trên đã nêu). Còn người dân phản ánh nhân viên bến phà hạch sách học sinh đi học về trễ hoặc giờ đi học thêm và cán bộ, giáo viên quên đeo thẻ thì nhân viên bến phà buộc phải mua vé... ông Mạnh cho rằng, nhân viên bến phà thực hiện qui định của Công ty như sau: “Đối với học sinh đi học phải mặc đồng phục học sinh, còn cán bộ nhân viên được miễn cước phí, khi qua phà phải đeo thẻ đúng qui định”. Việc bến phà cho người dân trong khu vực neo đậu để vận chuyển hành khách lúc phà ngưng hoạt động, ông Nguyễn Văn Mạnh khẳng định: “Thời gian phà nghỉ, một số người dân neo đậu phương tiện đưa rước khách, công ty chỉ đạo nhân viên thu 11.000 đồng/phương tiện neo đậu qua đêm trong vùng nước của bến phà... Nhưng được một thời gian ngắn, Công ty thấy các phương tiện này không đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa nên cấm không cho các phương tiện này hoạt động nữa”.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết: “Trước thực trạng trên, UBND quận Thốt Nốt đang kiến nghị HĐND, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố làm việc với Ban Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ sớm có giải pháp phục vụ hành khách 24/24 giờ, đáp ứng nhu cầu đi lại, việc giao thương hàng hóa của người dân cù lao Tân Lộc, hạn chế thấp nhất những trường hợp cấp cứu, hỏa hoạn mà không có phà qua sông phải thuê phương tiện bên ngoài không đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân địa phương. Nếu Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ không đảm trách được thì công ty nên giao Bến phà lại cho địa phương quản lý, đưa ra đấu thầu và thu cước phí đúng qui định...”.

Bài, ảnh: X. ĐÀO

Chia sẻ bài viết