Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đang xúc tiến xây dựng Trường THPT Thực hành Sư phạm, trực thuộc Khoa Sư phạm. Việc thành lập Trường THPT Thực hành sư phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa Sư phạm nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông của ĐBSCL nói chung. Phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nam, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường ĐHCT, về việc thành lập trường.
* Thưa bà, việc thành lập Trường THPT Thực hành sư phạm có ý nghĩa như thế nào đối với công tác đào tạo của Khoa Sư phạm, Trường ĐHCT nói riêng và TP Cần Thơ nói chung?
- Từ trước đến nay, sinh viên Khoa Sư phạm kiến tập, thực tập sư phạm tại các trường THPT ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Đến năm thứ 3 sinh viên mới được đi kiến tập và đến năm thứ 4 sinh viên mới đi thực tập. Thời gian thực tập ngắn ngủi, chỉ một vài tháng nên sinh viên không tiếp cận được nhiều với thực tế. Trường THPT Thực hành sư phạm ra đời, có mô hình lớp học thực tế, sinh động, sinh viên sư phạm- kể cả sinh viên năm thứ nhất, thứ hai- có thể thường xuyên đến dự giờ, học tập kinh nghiệm giảng dạy. Nhờ đó, chất lượng đào tạo của các ngành sư phạm sẽ được nâng lên.
Khoa Sư phạm là nơi nghiên cứu, đưa vào ứng dụng các phương pháp dạy học mới. Trường THPT Thực hành sư phạm sẽ là nơi để Khoa triển khai thực nghiệm các phương pháp này. Khi thành lập Trường THPT Thực hành sư phạm, Khoa Sư phạm hướng đến mục tiêu xây dựng trường thành mô hình đào tạo chất lượng, hiệu quả cao. Vì vậy, nhìn sâu xa hơn, Trường THPT Thực hành sư phạm được thành lập nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông của TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.
* Hiện nay, dự án đã được triển khai đến đâu, thưa bà?
- Dự án đã khởi động từ 2-3 năm nay. Tổng kinh phí của dự án là 1 triệu USD; trong đó, khoảng 6 tỉ đồng dành cho xây dựng cơ bản. Nguồn kinh phí từ Dự án Phát triển Giáo viên trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Năm 2007, dự án Trường THPT Thực hành sư phạm đã được phê duyệt kinh phí. Tuy nhiên, do tình trạng lạm phát, giá cả biến động... nên tiến độ xây dựng chậm lại. Đến nay, Trường ĐHCT đã phát hành hồ sơ mời thầu và có 3 nhà thầu dự thầu, nhưng cả 3 đều bỏ giá cao hơn giá sàn qui định. Do vậy, chúng tôi đang đề nghị Ban Quản lý dự án cho phép điều chỉnh kinh phí. Song song với việc xây dựng cơ sở vật chất của Trường THPT Thực hành sư phạm, Khoa Sư phạm sẽ tiến hành các thủ tục xin Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cấp phép thành lập trường.
* Xin bà cho biết cụ thể hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên của Trường?
- Theo qui định của Bộ GD&ĐT, Trường THPT Thực hành sư phạm trực thuộc trường đại học hoặc khoa sư phạm. Như vậy, Trường THPT Thực hành sư phạm sẽ trực thuộc Khoa Sư phạm, Trường ĐHCT. Khi xây dựng xong, Trường THPT Thực hành sư phạm sẽ có 7 phòng lý thuyết, 7 phòng thực hành. Theo dự án, ngoài phần kinh phí xây dựng, còn có một phần kinh phí dành cho việc mua sắm trang thiết bị, đảm bảo đầy đủ cho học sinh, giáo viên học tập, giảng dạy. Ngoài ra, do trường thuộc Khoa Sư phạm nên học sinh của trường sẽ dùng chung thư viện và các phòng thực hành, thí nghiệm Toán, Lý, Hóa, Sinh... của khoa. Trường THPT Thực hành sư phạm sẽ hoạt động theo cơ chế tự thu, tự chi; Trường ĐHCT không bao cấp.
Trường sẽ không có nhiều cán bộ cơ hữu mà chỉ có một số cán bộ nòng cốt với số lượng không quá 10 người, ở các vị trí, như: hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn. Các giảng viên của Khoa Sư phạm sẽ tham gia giảng dạy tại trường và trường cũng sẽ hợp đồng với một số giáo viên bên ngoài.
* Thưa bà, Trường THPT Thực hành sư phạm sẽ có qui mô như thế nào? Đối tượng tuyển sinh của trường?
- Khi xây dựng dự án, dự kiến, trường dự kiến tuyển 6 lớp 10, mỗi lớp khoảng 40 học sinh. Do trượt giá, mức đầu tư kinh phí thấp so với giá thị trường, nên qui mô của trường sẽ giảm xuống. Cụ thể, trường chỉ tuyển 3 lớp 10.
Về đối tượng tuyển sinh, có ý kiến cho rằng Trường THPT Thực hành sư phạm nên tập trung tuyển chọn, đào tạo đối tượng học sinh khá, giỏi để hướng đến các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên tuyển sinh rộng rãi bởi bản chất của dạy học là “dạy và đem lại tiến bộ cho người học”. Tức là dạy như thế nào để một học sinh trung bình trở thành học sinh khá; học sinh khá trở thành học sinh giỏi chứ không phải chỉ chọn học sinh giỏi để luyện cho các em giỏi hơn. Đó mới là quan điểm dạy học nhân bản. Tuy nhiên, tùy vào tình hình thực tế đăng ký của học sinh, Trường THPT Thực hành sư phạm sẽ có những tiêu chí chọn lựa nhất định, như: địa bàn tuyển sinh, điểm đầu vào của học sinh...
* Nếu dự án tiến triển thuận lợi thì khi nào Trường THPT Thực hành sư phạm sẽ đi vào hoạt động? Trường hoạt động theo cơ chế tự thu- tự chi có làm cho bà băn khoăn?
- Nếu mọi việc thuận lợi, vào khoảng tháng 7, 8-2010, Trường THPT Thực hành Sư phạm sẽ đi vào hoạt động và tuyển sinh năm học 2010-2011.
Điều tôi băn khoăn là qui chế hoạt động của các Trường THPT trực thuộc trường đại học quá cũ mặc dù Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp về qui chế này để chỉnh sửa. Mặt khác, theo Luật Giáo dục, trong hệ thống giáo dục quốc dân, chỉ có trường công và trường tư, không còn loại hình trường bán công. Trường THPT Thực hành sư phạm không phải trường tư nhưng nếu là trường công lập thì phải thu học phí theo mức qui định. Mức thu này khá thấp, sẽ gây khó khăn cho hoạt động của trường. Tôi được biết mức thu học phí ở một số trường THPT trực thuộc trường đại học, khá cao. Tất nhiên, do điều kiện kinh tế- xã hội, Trường THPT Thực hành sư phạm không thể áp dụng mức thu này. Làm sao đảm bảo cân đối thu chi, mức thu hợp lý, được sự đồng ý của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ và đồng tình của xã hội là bài toán khó.
* Xin cảm ơn bà!
B.NGỌC (Thực hiện)