06/01/2019 - 08:05

Về Thới Thuận thăm mái đình xưa 

Nằm ven vàm rạch Bò Ót, đình thần Thới Thuận (khu vực Thới Thạnh 2, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt) qua hơn trăm năm “trơ gan cùng tuế nguyệt” vẫn giữ nét cổ kính, trang nghiêm, là điểm tựa tinh thần và là nơi lưu giữ nét văn hóa của người dân bổn xứ. Đình Thới Thuận vừa vinh dự đón bằng xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Mặt trước đình Thới Thuận.

Đình Thới Thuận cách trung tâm TP Cần Thơ chừng 45km. Hướng quốc lộ 91 về Long Xuyên - An Giang, vừa qua cầu Bò Ót, nhìn bên tay phải, khách tham quan sẽ thấy cổng đình rêu phong. Còn với đường thủy, đình nằm ngay vàm Bò Ót và sông Hậu nên quanh năm gió mát hữu tình, rợp bóng cổ thụ.

Theo các vị bô lão ở địa phương, đình Thới Thuận được dân làng khởi công xây dựng vào thời vua Gia Long (nửa đầu thế kỷ XIX) bằng vật liệu tre lá đơn sơ tại vàm Rạch Chanh (cách vị trí hiện nay chừng 2km). Đến đầu thế kỷ XX, các hương chức, hội tề trong làng đã di dời đình về vàm rạch Bò Ót với quy mô lớn hơn, bằng gỗ quý, nền lát gạch, mái lợp ngói âm dương, bao gồm ngôi đình chính, dãy nhà phụ và các miếu thờ… Năm 1852, đình Thới Thuận được vua Tự Đức sắc phong “Bổn cảnh thành hoàng”. Uy danh ngôi đình làng ngày càng lan rộng khắp vùng Thốt Nốt.

Đình Thới Thuận đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa vào các năm 1963, 1972, 2012… nhưng về cơ bản vẫn giữ được nét uy nghi, cổ kính của từ hơn trăm năm trước. Khuôn viên đình rộng hơn 2.800m2, trong đó diện tích xây dựng đình là 240m2. Đình được xây cất theo kiến trúc hình chữ “Nhất” (-) truyền thống, gồm: võ ca, tiền điện, chánh điện nối liền nhau. Điểm nổi bật trong kiến trúc đình Thới Thuận là gờ bó mái được gắn các thanh gỗ, mặt ngoài ốp kim loại mỏng, trang trí hoa văn rất khéo léo. Trên đỉnh nóc và đầu hồi nhà võ ca, tiền điện, chánh điện, nghệ nhân xưa trang trí điểm xuyết bằng các tượng gốm men nhiều màu rất đặc sắc, xoay quanh đề tài: lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa rồng, ông Nhật - bà Nguyệt…

Lễ cúng Kỳ yên ở đình Thới Thuận. 

Chánh điện đình Thới Thuận có kiến trúc theo lối nhà bát dần. Hệ thống vì kèo được nâng đỡ bởi 4 hàng cột gỗ rất hoành tráng. Vách tường của đình góp phần nâng đỡ hệ thống mái ngói, các cây chống có hình lục bình đặt trên những đế bằng gỗ hình chữ nhật, tiện khắc sinh động. Đặc biệt nhất, 2 dãy cột chính của đình từ tiền đến vào đến chánh điện đều được trang trí rồng uốn lượn quấn quanh thân rất sống động và nghệ thuật, tạo nên nét hài hòa và giá trị thẩm mỹ trong tổng thể kiến trúc ngôi đình.

Trải qua hơn 1 thế kỷ tồn tại cùng những biến thiên của thời gian, đình Thới Thuận vẫn còn bảo lưu được những giá trị về kiến trúc nghệ thuật quý báu. Đáng kể, đình còn bảo quản khá nhiều hoành phi, liễn đối giá trị, nội dung ca ngợi cảnh lịch quê hương, xứ sở, nêu cao đạo lý ở đời, nhớ ơn công đức tiền nhân… Bên cạnh đó là hệ thống bao lam, thành vọng, khánh thờ chạm lộng tinh xảo; các bức bích họa (tranh vẽ tường) đẹp như thật; cùng các đồ vật thờ cúng: nghi thờ, hương án… Bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng Ban Quản lý di tích TP Cần Thơ, đánh giá: “Có thể nói, đình Thới Thuận mang những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, văn hóa, lịch sử tiêu biểu ở quận Thốt Nốt nói riêng, thành phố nói chung”.

Cổng đình Thới Thuận. 

Ngoài thờ Thần hoàng bổn cảnh, đình Thới Thuận còn phối thờ nhiều vị thần linh, đấng yểm trợ khác. Từ cổng đình vào, bên trái là nhà Tiên sư, bên phải là bệ thờ Xã Tắc Thần Nông và 2 ngôi miếu: miếu Sơn Quân và miếu Ngũ Hành. Trong chánh điện, đình còn thờ Tiền hiền, Hậu hiền, Tả ban, Hữu ban, “Thổ Công - Thổ Chủ - Thổ Phủ - Thổ Kỳ” (Thổ Công là thần long mạch của đình, Thổ Chủ là thần long mạch của khu vực chợ Bò Ót, Thổ Phủ là vị thần tài của làng và Thổ Kỳ là long mạch của thế đất nói chung), Thái Giám - Bạch Mã… Lạ một điều là ngay trong chánh điện đình Thới Thuận có áng thờ “Hà Bá Thủy Quan”. Điều này được lý giải là có thể do đình nằm gần vàm sông.

Mỗi năm, đình thần Thới Thuận 2 lần đáo lệ Kỳ yên: Hạ Điền (vào 3 ngày 16-18/4 âm lịch) và Thượng Điền (vào 2 ngày 15-16/11 âm lịch). Lễ Kỳ yên đình Thới Thuận luôn được mở đầu bằng nghi thức thượng Quốc Kỳ - Thần Kỳ tung bay trong trời lộng gió, tiếp sau đó là nhiều nghi thức truyền thống như thỉnh Sắc, an vị Sắc Thần, Chánh tế, tế Thần Nông, tế Sơn Quân… Các cụ già trong ban tế tự đình Thới Thuận đều gắn bó với mái đình từ rất lâu nên ai cũng am hiểu và thực hành nghi lễ đúng cổ lệ truyền thống. Cụ Ngũ Thành Trạng, Trưởng Ban tế tự đình Thới Thuận, cho biết: “Bao lâu nay vẫn vậy, chúng tôi cố gắng duy trì lễ hội đình làng thật tươm tất, đúng tục lệ cha ông. Làm sao để đình làng thực sự là nơi che chở tinh thần cho bà con trong làng”.

Cụ Trạng còn cho biết thêm, phần đất hiện tại mà ngôi đình tọa lạc là do ông Nguyễn Văn Kính, một người dân trong làng hiến tặng. Thân sinh của ông Kính là người có công khai hoang lập ấp vùng đất Thới Thuận - Bò Ót này. Đến lượt ông Kính thừa hưởng cơ nghiệp của cha nhưng ngặt nỗi ông không có con trai nối dõi tông đường. Vậy là ông Kính thường hay đến đình khấn nguyện Thần để cầu tự. Ý nguyện đạt thành, ông Kính hiến đất để đình được mở rộng khuôn viên. Chuyện này xảy ra cách nay đã hơn 70 năm.

Sắc Thần của đình Thới Thuận được cất giữ rất kỹ lưỡng, đến tận hôm nay. Sắc bằng giấy dó, màu vàng, có hoa văn nhũ bạc rất tôn nghiêm, được đặt trong hộp gỗ quý, được cất giữ tại nhà ông Nguyễn Văn Lũy (khu vực Thới Bình, phường Thới Thuận), sau ông Lũy mất thì con ông là ông Nguyễn Văn Tài nối nghiệp cha gìn giữ. Sắc Thần đình Thới Thuận chỉ được thỉnh rước và an vị tại đình vào dịp cúng Kỳ yên, sau lại hồi Sắc về chỗ cũ.

Nhắc đến đình Thới Thuận, cũng không quên nhắc đến hàng cổ thụ: cây da, cây dầu… trăm năm gắn liền với lịch sử của ngôi đình và vùng đất này. Dân làng Thới Thuận tới bây giờ còn truyền tụng một giai thoại rằng: Hồi xửa hồi xưa, trong làng Thới Thuận có đôi vợ chồng ngày ngày chèo ghe đi buôn bán kiếm sống. Hôm nọ, họ chèo ghe tới gần vàm rạch Bò Ót thì bất ngờ nổi trận cuồng phong, giông gió kéo tới. Đôi vợ chồng chẳng biết đường nào xoay xở khi bốn bề sóng gió tối tăm. Bỗng, người vợ nhìn thấy ngọn cây da già liền cùng chồng cứ theo hướng ngọn da mà chèo ghe vào. May thay, họ vào bờ an toàn. Vợ chồng cùng vào đình Thới Thuận thắp nhang tạ ơn Thần và cây da đã cứu mạng. Sự tích kỳ diệu về cây da đình Thới Thuận được lưu truyền từ đó.

Đình Thới Thuận là 1 trong 4 ngôi đình của quận Thốt Nốt được xếp hạng di tích cấp thành phố, còn lại là: Thuận Hưng, Thạnh Hòa và Tân Lộc Đông. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Thới Thuận là một minh chứng sống động cho bề dày văn hóa lâu đời và giàu bản sắc của đất và người Cần Thơ.

Chia sẻ bài viết