17/07/2014 - 19:39

Về quê hương Hải đội Hoàng Sa

Quê hương của hải đội Hoàng Sa là vùng đất nhiều cảnh đẹp- huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Từ 400 năm trước, những người con ưu tú của hòn đảo này đã đến Hoàng Sa, Trường Sa làm nhiệm vụ cắm cột mốc biên giới, đo đạc thủy trình và khai thác nguồn lợi biển. Ngày nay, đến Lý Sơn, khách có dịp thăm thú những ngôi nhà cổ ngót nghét vài trăm năm tuổi, những mái đình xưa… và đừng quên ghé Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa thiêng liêng.

Đường ra Lý Sơn bây giờ không còn cách trở nữa. Từ cảng Sa Kỳ, có thể đi tàu cao tốc ra đảo, chỉ mất khoảng một giờ. “Văn hóa” đi tàu của người dân Lý Sơn rất lạ. Có khi cả trăm người trên tàu phải chờ một vài người đến muộn vì trễ chuyến xe, thế nhưng chẳng ai phàn nàn. Lên tàu, lỡ có bị ngồi nhầm ghế cũng chẳng ai cãi cọ mà chỉ lặng lẽ tìm ghế khác hoặc lên boong đứng ngắm trời mây, sóng biển. Trễ chuyến tàu cao tốc, khách có thể hỏi thăm tàu chở hàng, ghe đi biển ở cảng Sa Kỳ để quá giang ra đảo. Chủ ghe có khi cho đi miễn phí, có khi chỉ lấy vài ba chục ngàn đồng tiền xăng. Khi lên đảo, nếu khách sạn duy nhất trên đảo không còn chỗ, khách có thể hỏi nhà dân ở nhờ. Nhiều người sẵn sàng giúp và trở thành hướng dẫn viên bởi bất kỳ ai trên đảo cũng rành rọt về từng di tích và những câu chuyện của hùng binh Hải đội Hoàng Sa. Người Lý Sơn là vậy, thân thiện và hiếu khách.

 Tượng đài Hải đội Hoàng Sa.

Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa nằm cách bến tàu không xa mấy. Bảo tàng được xây dựng khang trang, mặt quay về hướng Đông. Trong khoảng sân rộng lớn là tượng đài Hải đội Hoàng Sa uy nghiêm điêu khắc bằng đá xanh. Tượng cao 4-5 mét, đặt trên bệ bê tông cốt thép. Cả ba bức tượng đều mang dáng dấp vạm vỡ, gương mặt chữ điền đầy cương nghị. Đứng giữa là vị cai đội trưởng, tay cầm cột mốc chủ quyền có dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”, hai bên là hai vị binh phu vừa thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, vừa khai thác nguồn lợi từ biển.

Theo các cụ cao niên, năm Minh Mạng thứ 14- tức năm 1833, Nhà Nguyễn đã rất quan tâm tới chủ quyền biển đảo, ra lệnh cho Bộ Công phái binh phu đi Hoàng Sa. Từ đó, hằng năm, có khoảng 70 người nhận lương ăn đủ 6 tháng, lên đường ra Hoàng Sa. Họ chèo xuồng đi suốt ba ngày, ba đêm mới tới nơi. Khi đi, mang theo 10 tấm ván gỗ làm cột mốc để cắm chủ quyền tại các đảo. Vừa cắm mốc chủ quyền, đo đạc thủy trình, những hùng binh Hải đội Hoàng Sa vừa khai thác thủy sản để ăn hằng ngày. Cứ tháng Hai ra đi, tháng Tám họ trở về. Nếu không thấy trở về, người thân hiểu là họ đã hy sinh và làm hình nhân thế mạng, xây mộ gió để ngày đêm hương khói. Sống- chết là chuyện vô thường với những hùng binh Hoàng Sa, cứ người này hy sinh thì người khác thế chân, tiếp tục hành trình.

Khuôn viên gian trưng bày của bảo tàng không lớn lắm nhưng bài trí đủ những hiện vật gợi lại sinh hoạt, nhiệm vụ và cả những hiểm nguy mà các hùng binh đã từng trải qua. Bài vị được đặt trang trọng ở gian giữa, xung quanh là những hiện vật phục dựng. Người xem không khỏi nao lòng khi mọi thứ đều rất đơn sơ, từ tấm chiếu đến những cây tre, vài sợi dây mây. Đó là “hành trang” của người lính Hải đội Hoàng Sa. Họ mang theo chiếu, tre và dây mây để khi không may hy sinh trên đường làm nhiệm vụ, đồng đội sẽ bó chiếu và cột tre xung quanh, thả xuống biển với hy vọng thi thể sẽ trôi vào bờ, người thân nhận được và an táng. Biết được câu chuyện này mới thấm thía câu ca:

Hoàng Sa lắm bể nhiều cồn
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây

Và lễ khao lề thế lính là nghi lễ tế sống những người đi làm nhiệm vụ. Còn bây giờ, lễ là giỗ chung của những người con đảo Lý Sơn đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ vào 400 năm trước. Lễ hội được tổ chức tại Âm Linh Tự- một di tích được xếp hạng quốc gia- vào các ngày 18, 19, 20 tháng 3 âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội lớn của cả tỉnh Quảng Ngãi, thể hiện đậm nét đạo lý uống nước nhớ nguồn, truyền thống gìn giữ, bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải đất nước thông qua các nghi thức: thả thuyền giấy ra biển, đắp và dọn các ngôi mộ gió của chiến sĩ Hải đội Hoàng Sa…

Bài, ảnh: Ngọc Liên

Sau khi tham quan Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa, du khách đừng quên ghé lại đình làng An Vĩnh- nơi thờ tự các hùng binh làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa và cũng là nơi diễn ra lễ khao lề thế lính hằng năm - và viếng những ngôi mộ gió. Gần đó là nhà cụ Võ Hiển Đạt, người làm mô hình thuyền câu phục vụ lễ khao lề và thả ra biển.

Sau đó, khách có thể tiếp tục vãn cảnh chùa Hang, chùa Đục, cổng Tò Vò, miệng núi lửa trên núi Thời Lời và khoảng 100 di tích văn hóa khác trên đảo Lý Sơn.

Chia sẻ bài viết