ĐĂNG HUỲNH
Bài 2: "Nghệ Tĩnh Đỏ" trong trái tim Người
Từ khi Đảng ta ra đời, làn sóng cách mạng lớn mạnh trong cả nước, mà nổi bật là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Từ cái nôi Xô Viết Nghệ Tĩnh, cuộc khởi nghĩa của những người con núi Hồng sông Lam đã làm chấn động nền thống trị của chế độ thực dân và phong kiến. Những "Làng Đỏ", "Huyện Đỏ"... ra đời ngày càng nhiều ở xứ Nghệ. Người xứ Nghệ đã can trường tiến trước, bước trước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nghệ Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ".
* "Nghệ Tĩnh Đỏ"...
"Tức nước vỡ bờ", "Có áp bức, có đấu tranh", dưới ánh sáng của Đảng, nhân dân Nghệ Tĩnh đã đứng lên làm phong trào cách mạng 1930-1931. Đó là những người dân lao khổ, bị áp bức, đoàn kết cùng nhau chống lại cường quyền. Phong trào cách mạng của nhân dân Nghệ Tĩnh mở đầu bằng cuộc đấu tranh của công nông Vinh - Bến Thủy vào Ngày Quốc tế Lao động (1-5) năm 1930. Nhân dân các huyện trong tỉnh đồng loạt hưởng ứng, treo cờ, mít tinh, diễu hành, đòi quyền lợi cho giai cấp công nông, người lao động.
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh: DUY KHÔI
Sau những hoạt động đấu tranh chính trị, biểu tình với vũ khí thô sơ, thời kỳ đấu tranh vũ trang của Xô Viết Nghệ Tĩnh bắt đầu sau đó gần 4 tháng. Mở đầu là cuộc biểu tình của khoảng 3.000 nông dân trên quê hương Bác, huyện Nam Đàn, vào ngày 30-8-1930. Tri huyện Lê Khắc Tưởng buộc chấp nhận các yêu sách của quần chúng nhân dân và còn viết lời cam đoan: "Nam Đàn Tri huyện quan tự tư dĩ hậu bất đắc nhũng nhiễu nhân dân" (nghĩa là: Tri huyện Nam Đàn từ rày về sau không được nhũng nhiễu nhân dân). Sự kiện này còn được bà con Nam Đàn ghi nhớ trong một bài vè, có đoạn:
"Truyền đơn rải khắp đêm ngày.
Trống rung, chuông giục, mõ lay đôi hồi
Mỗi người một cái thước dài
Dân ra như kiến, động trời gần mưa"
Tiếp theo làn sóng ở Nam Đàn, 2 ngày sau, nhân dân Thanh Chương biểu tình với quy mô rộng trong cả 5 tổng, tiếp những ngày sau đó là hàng ngàn nông dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên phối hợp biểu tình, kéo về tỉnh lỵ Hà Tĩnh… vùng lên đấu tranh, đòi lại công bằng. Những "Làng Đỏ", "Huyện Đỏ" ra đời ngày càng nhiều ở Nghệ Tĩnh. Trong "Bài ca cách mạng", nhà cách mạng Đặng Chánh Kỷ, Bí thư đầu tiên của Huyện ủy Nam Đàn, đã viết:
"...Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước,
Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên.
Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên,
Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi..."
Từ làn sóng này, bộ máy cai trị phong kiến và thực dân Pháp rúng động. Quan lại, người bị cách chức, người cố thủ không dám phản kháng. Các Xô viết ở Nghệ Tĩnh ra đời. Báo Người Lao Khổ, cơ quan của Xứ ủy Trung Kỳ, số ra ngày 5-10-1930, thuật lại: "Ở trong xã bao nhiêu chính quyền đều về tay Nông hội. Có xã chị em phụ nữ cũng dự bàn việc làng. Trong xã không có hiện tượng áp bức, xảy ra việc gì anh em đều xử lấy, không cần gì đến thằng huyện". "Thông báo của Trung ương gửi các đồng chí", tháng 10-1930, có đoạn: "Ở những huyện Thanh Chương, Nam Đàn, có mấy xã đã lập Xô Viết nông dân, tịch thu ruộng đất phân phát cho dân cày nghèo, thiết lập tòa án cách mạng của nhân dân để xử bắn bọn lý nhân và bọn phản cách mạng...". Chỉ riêng huyện Nam Đàn, trong 2 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, các thôn bộ nông và xã bộ nông đã tịch thu 885 mẫu 5 sào ruộng đất công và ruộng đất của hào lý, địa chủ chiếm hữu trái phép chia cho dân cày nghèo. Chính quyền Xô Viết xóa hẳn sưu, thuế, vận động bà con đi học chữ Quốc ngữ, chú trọng thuần phong mỹ tục, bài trừ mê tín, cổ hủ.
Thuyết minh viên giới thiệu "Lời Đề tựa" của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: DUY KHÔI
Trước làn sóng Xô Viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, tìm giết tàn khốc. Chúng thực hiện khủng bố trắng, ra lệnh bắn vào đoàn biểu tình, cho lính lê dương và lính khố xanh về đóng đồn tận làng xã để kềm kẹp, trấn áp phong trào. Dù ngọn lửa Xô Viết Nghệ Tĩnh vẫn sục sôi, vẫn tiến công không lùi bước nhưng trước sự tàn bạo và thế mạnh vũ khí, tài lực của thực dân Pháp, phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh lâm vào thế cô lập, đã thế lại thêm hạn hán, mất mùa, đói kém kéo dài... Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 bị địch dìm trong biển máu. Gần 2.000 người con anh dũng, can trường của quê hương Nghệ Tĩnh đã hy sinh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
* ... trong trái tim Người
"Nghệ Tĩnh Đỏ trong trái tim Người" là tên chủ đề một cuộc triển lãm mà chúng tôi có dịp tìm hiểu khi tham quan Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Qua từng hình ảnh, tư liệu, chúng tôi lại càng hiểu rõ về tình cảm của Bác Hồ dành cho quê hương, đất nước, cách riêng với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An, chia sẻ: Dù ở nơi đâu, cương vị nào, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn dành tình cảm thiêng liêng, sự quan tâm sâu sắc cho quê hương Nghệ An, đặc biệt là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động bí mật ở nước ngoài nhưng Người vẫn luôn theo dõi sát sao để cùng với Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cũng như động viên tinh thần đấu tranh của nhân dân. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã luôn thấu hiểu, chia sẻ với những tấm gương anh dũng, kiên trung, đã vững chí, bền gan, xông pha một tấm lòng để bảo vệ lý tưởng cách mạng của các chiến sĩ quê hương Nghệ Tĩnh.
Người đồng cảm với hy sinh, mất mát của những anh hùng liệt sĩ Xô Viết trong các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù. Trong bài "Nghệ - Tĩnh Đỏ", viết ngày 19-2-1931, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định: "Trong thời kỳ chinh phục của Pháp và trong phong trào cách mạng quốc gia 1905-1925, Nghệ - Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ - Tĩnh vẫn giữ truyền thống cách mạng của mình, Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ!".
Khi phong trào bị khủng bố, bằng nhiều hình thức khác nhau, Người liên tục báo cáo, gửi thư đề nghị Quốc tế Cộng sản, các tổ chức trực thuộc và các Đảng anh em quan tâm hơn nữa tới cách mạng Việt Nam, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đối với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Nghệ Tĩnh nói riêng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chính là cầu nối cách mạng Việt Nam nói chung, Nghệ Tĩnh nói riêng với cách mạng thế giới, với Quốc tế Cộng sản.
Tại triển lãm, chúng tôi xúc động trước những hình ảnh như Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vòng hoa, viếng các liệt sĩ đã hy sinh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại Nghĩa trang Thái Lão, Nghệ An, ngày 8-12-1961, trong lần Người về thăm quê lần thứ 2; gặp mặt và chụp ảnh với chiến sĩ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Người khẳng định: "Tuy đế quốc Pháp đã đập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này".
Bức tranh Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: DUY KHÔI
Để lưu dấu và phát huy ý nghĩa phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, từ đầu năm 1960, Đảng đoàn Bộ Văn hóa ra Quyết định thành lập Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và sau 3 năm xây dựng, ngày 12-9-1963, Bảo tàng chính thức mở cửa đón khách tham quan. Ở Bảo tàng này, khách tham quan không chỉ tham quan, nghiên cứu, học tập về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh mà còn được hiểu hơn về "Nghệ Tĩnh Đỏ trong trái tim Người".
Trong số hàng ngàn hiện vật, tư liệu quý báu ở Bảo tàng, chúng tôi ấn tượng với 2 hiện vật rất ý nghĩa. Trước nhất, đó là "Lời Đề tựa" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ ký "Lời Đề tựa" này vào ngày 3-2-1964, tại Phủ Chủ tịch, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa, tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh. Tại phòng số 9, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện trưng bày sưu tập hiện vật: bức ảnh Bác Hồ ký "Lời Đề tựa", bản thảo có bút tích của Bác Hồ, 2 bản thử chữ ký của Bác trước khi ký vào bản chính, bút lông, viên mực tàu, hủ đựng mực, dĩa đựng mực.
"Lời Đề tựa" có 244 chữ, thể hiện tình cảm của Chủ Tịch Hồ Chí Minh dành cho quê hương Nghệ Tĩnh giàu truyền thống cách mạng. Trong đó, Người căn dặn: "Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua, xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng". Thật vinh dự và tự hào khi Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là Bảo tàng duy nhất trong cả nước được Bác Hồ đề tựa.
Một hiện vật thứ 2 cũng rất ấn tượng là bức tranh Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1958, Hội Mỹ thuật Việt Nam được thành lập, Bác Hồ đã đặt hàng tập thể Hội sáng tác một bức tranh về Xô Viết Nghệ Tĩnh. Các họa sĩ đã bắt tay thực hiện. Bức tranh khổ lớn gồm 6 bức ghép lại do họa sĩ Nguyễn Đức Nùng phác thảo, nhóm họa sĩ: Phạm Văn Đôn, Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Đức Nùng, Trần Đình Thọ, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Văn Tỵ thể hiện. Bác Hồ đã đích thân duyệt phác thảo trước khi làm sơn mài. Bác rất ưng ý bức tranh, cả về nội dung lẫn hình thức. Bác cho làm 3 bức, 1 bức tặng cho Bảo tàng Leningrad, 1 bức tặng Bảo tàng Tiệp Khắc và bức còn lại Bác tặng Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
***
"Nước sông Lam biết khi mô cho cạn. Cũng như tinh thần cách mạng của dân ta. Dù cho bão nổi, can qua. Nghệ An Xô Viết vẫn là Nghệ An". Những người con Xô Viết Nghệ Tĩnh đã ngã xuống để đất nước đứng lên. Tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh bất diệt, mãi là sử sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Kính mời quý độc giả xem Bài 3: "Linh thiêng Đồng Lộc" trên Báo Cần Thơ chủ nhật, ngày 3-12.