12/11/2011 - 20:13

Tạp bút

Về nghe Dạ cổ hoài lang

Gần hai mươi năm tôi đi đằng đẵng xa, lòng nao nao khi nghe bài Dạ cổ hoài lang nơi xứ lạ quê người. Thú thật, đến nhiều nơi, nghe nhiều giọng ca mượt mà dịu ngọt tôi nghe sao thấy nó thiêu thiếu một cái gì đó. Vâng, đúng rồi, “cái thiếu” đó là hồn quê tha thiết. Chỉ có nghe người Bạc Liêu ca Dạ cổ hoài lang ngay trên đất Bạc Liêu mới thấy cái hồn cốt cách của bài vọng cổ. Thế nên, tối đó, có dịp về lại bên bờ sông Bạc Liêu, bạn bè tôi bày vài món ngon dân dã và ngân nga vọng cổ. Cô bạn năm nào vẫn cái giọng dịu dàng làm đắm đuối bao chàng trai cất lên làm vang cả mặt sông. Chẳng biết do rượu nồng hay lời ca của bạn mà tôi ngất ngây, ngẩn ngơ đến lạ. Bỗng dưng, tôi gặp lại tôi thời trai trẻ với những đêm trăng sáng tràn trên bờ sông ngồi bên bạn bè. Trăng cứ lên cao còn chúng tôi thì cứ mải mê với tiếng đàn, tiếng hát say đắm lòng người. Khuya lắm rồi chúng tôi mới chia tay trong sự tiếc nuối. Tôi đưa em về tận sâu trong hẻm nhỏ, ngõ vắng. Con gái nhút nhát sợ bóng đêm cứ nép vào tôi mà đi. Hương tóc em sao mà thơm lạ quá. Mùi thơm theo vào ký ức tôi đến tận bây giờ. Rồi em cũng bỏ bạn bè, bỏ cuộc chơi lên xe hoa theo chồng về Sài Gòn nhộn nhịp. Em bây giờ biết có còn nhớ những đêm trăng thơ và mộng? Riêng tôi, em vẫn xôn xao trong khoảng riêng nơi tâm hồn cũ kỹ.

Chiều thả nắng nhạt xuống yên ả, tôi ngồi uống cà phê cùng bạn cũ nơi quán khách sạn Công tử Bạc Liêu. Anh bạn dạy văn đất Sài Gòn cứ nài nỉ người Bạc Liêu kể cho nghe về Hắc công tử. Lời kể của bạn tôi làm người Sài Gòn mê mẩn ngồi nghe say sưa. Có lẽ bạn tôi nói đúng, cả đời may mắn lắm mới có được một lần ngồi ở nhà công tử nghe kể về ông. Quán sang trọng nhưng không câu lệ sang hèn. Ai cũng vậy, dù là công chức hay anh chạy xe ôm đều được tiếp đãi như nhau, lịch sự.

Tôi ghé vườn chim Bạc Liêu thăm người bạn thuở nào. Bạn vẫn vậy với công việc giữ chim cho tiếng hót rộn vang phố biển. Bạn bảo ở riết quen hơi, nhiều lúc tính bỏ nghề nhưng nhớ chúng kinh khủng nên không thể. Cái nghiệp của bạn đã gắn bó, nặng nợ với chim. Vắng tiếng chim líu lo là nhớ, là thương. Thế mới biết bỏ đi cái đã thành máu thịt, tiềm thức mình đâu dễ... Đêm buông xuống bạn bè lại ngân nga bài Dạ cổ hoài lang da diết. Tình bạn ngày xưa giờ vẫn vậy dù hai đứa cách xa.

Thương bạn năm xưa cứ buông phấn trắng là săn quần về với mặn mà muối trắng. Bạn bè tôi đi giữa đậm đà muối trắng Bạc Liêu. Hạt muối quê hương đã là máu thịt tôi và bao con người quê tôi. Hương vị mằn mặn của biển sao quyến luyến đến vậy. Nhà bạn ba đời sống chết vì muối vẫn chỉ dư dả chút ít nên con cháu sau này ít đứa theo được nghề. Muối rớt giá hoài không đủ sức kéo diêm dân ở lại với muối. Lòng mặn ghê...

Bâng khuâng lắm ngày trở về với Bạc Liêu đượm nồng tình thân, ngập tràn ký ức tuổi thơ, kỷ niệm thời thanh xuân tươi đẹp... Nghe xao xuyến, bồi hồi bài Dạ cổ hoài lang ai ngân vang ngọt ngào, da diết trong chiều mưa mênh mang bên bờ sông mùa nước đổ...

ĐÀO HỒNG KHỞI

Chia sẻ bài viết