Bài, ảnh: DUY KHÔI
Ốc gác bếp là món ăn không xa lạ với người miền Tây. Từ món ăn dân dã, “để dành”, ốc gác bếp trở thành đặc sản món ngon mùi nhớ cho những ai một lần thưởng thức.
Bà Ở mang giỏ ốc gác bếp xuống để chế biến món ăn.
Nhà của bà Dương Thị Ở, 73 tuổi, ngụ ấp Nhơn Hưng, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ, nằm ven sông Cần Thơ, phía sau nhà là vườn được đào mương lên liếp rất chỉn chu. Những mương vườn ấy chính là nơi ốc lác, ốc bươu sinh sống khá nhiều. Bà Ở kể, trước đây cũng có khi bà làm ốc gác bếp cho cả nhà ăn, nhưng lâu rồi không còn làm nữa. Gần đây, con trai của bà đi ăn ở các quán ăn, nhà hàng, thấy món này ngon nên nói bà làm lại để thưởng thức. “Không ngờ, tụi nhỏ ăn rồi khoái quá chừng. Tôi làm để dành hoài, để chừng tụi nhỏ có về chơi thì đem xuống chế biến ăn”, bà Ở nói.
Hôm chúng tôi đến nhà, con gái bà Ở là chị Võ Thị Bé Sáu đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh về chơi. Xách thau ra mương vườn mò ốc, chị Sáu nói rằng, mới ăn giỏ ốc gác bếp của mẹ làm nên chị đi bắt ốc cho mẹ gác bù lại, mai mốt có ăn tiếp. Mương vườn có bèo, lục bình, ốc nhiều và mập mạp nên chị Sáu bắt chưa đầy 1 giờ đã được 1 thau ốc đầy. Chị đem rửa sạch, cho vào giỏ tre rồi gác lên giàn bếp củi. Bà Ở nói: “Ðơn giản vậy chớ chừng 3-4 tháng, gấp ăn thì 1-2 tháng là có mẻ ốc gác bếp ăn ngon rồi”. Bà Ở cũng nói thêm, để ốc gác bếp ngon thì ốc lác là “số 1”. Nhưng bây giờ, ốc lác hiếm dần, thì “có gì ăn nấy”, ốc lác hay ốc bươu gác bếp cũng đều rất ngon.
Loài ốc rất đặc biệt, chúng có thể sống thời gian rất lâu trong giỏ tre treo hong khói bếp. Riêng ốc lác, thời gian chúng chịu hong khói tận 4-5 tháng. Ðiều lạ hơn nữa là khác với suy nghĩ của nhiều người, ốc bị treo giàn bếp như vậy sẽ chết vì nóng hoặc ốm vì đói. Nhưng ngược lại, càng treo lâu, ốc gác bếp càng no tròn, béo ngậy. Mỗi ngày khi nấu cơm, khói từ bếp sẽ bay lên và hong chiếc giỏ đựng ốc cho đến khi ốc ngửi khói xông lên là đạt yêu cầu và có thể đem chế biến.
Riêng bà Ở còn có cách chế biến kỳ công hơn trước khi nấu: Ốc gác bếp đem xuống, cho uống sữa tươi, hột gà sống cho no rồi thì lại rửa sạch lần nữa mới nấu món ăn. Ốc gác bếp có thể đem luộc sả, nướng tiêu, hấp nước dừa... đều rất ngon. Nồi ốc nóng hổi, thơm phức, con ốc mập mạp nhìn thôi đã thèm. Ăn ốc thì phải kèm nước mắm cơm mẻ sả ớt mới đúng điệu.
Có dịp đi nhiều tỉnh, thành ÐBSCL mới hay, ốc gác bếp bây giờ đã trở thành đặc sản, có mặt trong các bàn tiệc sang trọng. Ðặc biệt, nhiều cơ sở làm ốc gác bếp để bán thương phẩm cho người tiêu dùng, đưa vào các khu, điểm du lịch hay nhà hàng, siêu thị... Ðơn cử như sản phẩm ốc lác gác bếp của cơ sở Tình Quê, đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp, dễ dàng mua được khi đi du lịch xứ Sen Hồng. Những chiếc giỏ bằng tre xinh xắn, đựng ốc gác bếp với khối lượng 1kg, 0,5kg, gây ấn tượng với người tiêu dùng. Ðại diện cơ sở Tình Quê cho biết: Ốc lác được chọn gác bếp là ốc to, khỏe, được gác bếp hong khói chừng trên 3 tháng. Sản phẩm này được khách hàng rất ưa chuộng. Anh Nguyễn Minh Tuấn, người dân quê Ðồng Tháp sống ở Cần Thơ, mới mua giỏ ốc gác bếp, chia sẻ: “Món này hồi xưa nhà tôi hay làm nhưng lâu lắm rồi không thấy nữa. Thật thú vị khi bây giờ ốc gác bếp lại là đặc sản, bán nhiều như vầy”.
Ở Cần Thơ, nhiều siêu thị có bán ốc treo giàn bếp của Công ty TNHH MTV Biển Xanh Trà Vinh. Vốn là đơn vị chuyên kinh doanh hải sản nhưng ốc treo giàn bếp Biển Xanh tạo dấu ấn riêng với quy trình sản xuất khép kín. Theo đơn vị này, ốc lác dùng treo giàn bếp được nuôi dưỡng theo quy trình riêng biệt, đảm bảo vỏ và thịt sạch hoàn toàn. Những con ốc khỏe mạnh, chất lượng tốt nhất được tuyển chọn và xử lý theo phương pháp treo giàn bếp dân gian để từng con ốc được “ngủ yên” và hòa quyện hương vị khói bếp cùng mùi hương lúa gạo cho thịt thêm căng dầy, béo ngậy. Ốc thành phẩm được cho vào giỏ treo, nặng 0,5kg, tặng kèm lá ổi, lá chanh và sả để khách hàng chế biến món ăn.
Từ món ăn dân dã đến đặc sản địa phương, đó là hành trình thú vị của con ốc gác bếp miền Tây. Món ngon mùi nhớ, để du khách một lần về miền Tây ăn ốc gác bếp sẽ nhớ hoài, nhắc mãi...