28/03/2014 - 14:24

Về miền di sản cố đô mùa Festival

Nhắc đến cố đô Huế, trong lòng du khách đều liên tưởng đến những đền đài, lăng tẩm, cung son lộng lẫy mang dấu ấn của một triều đại phong kiến huy hoàng. Tháng 4 này, đất kinh kỳ tiếp tục trở thành tâm điểm của cả nước khi Festival Huế 2014 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển" diễn ra từ ngày 12 đến 20-4. Du khách đến đây sẽ được sống trong không khí sôi động đầy sắc màu, khám phá những giá trị của một nền văn hóa.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi vùng đất cố đô này là "lãng mạn Việt Nam". Thiên nhiên, đất trời nơi đây như tranh vẽ, thể hiện sự sắp xếp tài hoa của tạo hóa. Thừa Thiên Huế hội tụ cả núi đồi và đồng bằng, là chỗ gặp nhau của sông, đầm phá và biển. Từ hệ thống đầm phá Tam Giang (cầu Hai) đến sông Hương, núi Ngự, vườn quốc gia Bạch Mã, khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền…, giá trị và vẻ đẹp của Huế đã được UNESCO công nhận là "Thành phố Di sản". Nhưng sức hút của Huế vượt xa hơn những gì đã được công nhận.

Đến với Huế, du khách cần phải có một ngày thư thả dạo quanh kinh thành để tận mắt khám phá những dấu tích còn sót lại của một thời vàng son đã qua. Đó là những đền đài, lăng tẩm, cung điện và cũng có thể là tiếng chuông chùa văng vẳng từ xa trong ánh tà dương ửng hồng khiến những bước chân không khỏi nấn ná, bâng khuâng. Hệ thống lăng tẩm uy nghi ẩn chứa nhiều triết lý, tư tưởng sâu sắc của các bậc đế vương nhà Nguyễn. Nếu lăng Gia Long uy nghi trong vạt rừng già trầm mặc, lăng Minh Mạng lộng lẫy thì lăng Tự Đức đầy suy tư thơ mộng, hay lăng Khải Định bề thế dung hợp kiến trúc Đông – Tây… Tất cả đều mang lại những cung bậc cảm xúc thật đặc biệt. Trong những buổi chiều tà, du khách có thể thả lòng mình bên dòng sông Hương êm đềm với vẻ đẹp như thách thức thời gian, để mọi ưu phiền trôi theo dòng nước.

Lễ đổi gác trong hoàng cung xưa - một trong những hoạt động sẽ được tái hiện trong Festival Huế 2014.

Huế còn được mệnh danh là "Kinh đô vườn". Đâu đâu cũng thấy một màu xanh êm đềm của cỏ cây, đồi núi, sông, hồ mà nhà vườn là những mảng xanh nhất do con người tạo ra hàng trăm năm nay. Theo thống kê của tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đây có khoảng 1.778 nhà vườn, nhỏ nhất 400m2 và lớn nhất 8.700m2 nằm ở khu vực: Long Hồ, Ngọc Hồ, Kim Long, Ba Vinh, Vĩ Dạ, Dương Xuân, Lương Quán… với tuổi đời từ 150 – 200 năm. Nhiều nhà vườn đã được chọn là "Những điểm di sản văn hóa" như: An Hiên, Ngọc Sơn Công Chúa, Lạc Tịnh Viên… và những cụm nhà vườn nổi tiếng như Phú Mộng gồm hơn 10 nhà vườn. Ngoài ra, du khách đừng quên ghé chân thăm làng Vĩ Dạ - vốn là nơi cư ngụ của nhiều vương hậu, quý tộc danh sĩ Việt Nam, nơi mà danh sĩ Hàn Mạc Tử đã khắc họa để "Bến sông trăng", "Đây thôn Vĩ Dạ" trở thành "thương hiệu" vĩnh cửu của vùng đất Huế nên thơ; ghé làng Kim Long để nghe kể tích xưa về ngôi làng nổi tiếng vì có nhiều cô gái đẹp được tuyển vào cung. Giờ đây Kim Long vẫn còn đó những biệt thự vườn xinh đẹp mà chủ nhân là những hậu duệ của hoàng tộc triều Nguyễn hoặc những cận thần có dòng máu quý tộc.

Huế còn được xem là kinh đô Phật Giáo, đất "Thiền kinh", một địa điểm hành hương của người Việt. Huế có hơn 500 ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa được xây dựng từ thế kỷ XVI, như: chùa Thiên Mụ, Từ Đàm, Thuyền Tôn, Từ Hiếu, Diệu Đế, Phước Thọ Am, Trúc Lâm... Những ngôi chùa thường tọa lạc giữa những khu rừng âm u tĩnh mịch, mỗi ngôi chùa là một công trình nghệ thuật với vẻ đẹp tinh tế, giản dị. Nhã nhạc Cung đình Huế, dấu vết còn lại cuối cùng của âm nhạc cung đình Việt Nam, cũng trở thành niềm tự hào của Huế, được công nhận là Kiệt tác phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2003. Nhã nhạc chứa tất cả tinh hoa xu hướng âm nhạc cung đình Việt Nam được thiết lập và phát triển hơn 1.000 năm qua.

Huế có khoảng 88 làng nghề truyền thống, trong đó khoảng 69 làng nghề thủ công. Các làng nghề truyền thống có những đặc trưng rất độc đáo, rất riêng như: làng thêu Thuận Lộc, làng nón Phú Cam, làng rèn Hiền Lương, làng kim hoàn Kế Môn, làng điêu khắc Mỹ Xuyên, làng đan tre mây ở Bao La, làng hoa giấy Thanh Tiên… Tính cách con người Huế cũng là một điểm thu hút du khách khi đến đây. Giọng Huế nhỏ nhẹ, kín đáo, tiếng "dạ, thưa" rất ngọt ngào của người con gái Huế cùng với tà áo tím tung bay trở thành một trong những đặc trưng của Huế.

Festival Huế lần thứ 8 này sẽ là nơi hội tụ của các thành phố cố đô của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới theo chủ trương giữ cốt cách truyền thống nhưng cách thể hiện luôn luôn mới. Đó là chú trọng tổ chức các hoạt động để nhân dân và du khách vừa là chủ thể thưởng ngoạn vừa là chủ thể tạo nên lễ hội. Đến đây, du khách sẽ đắm chìm trong không khí lễ hội với những chuyến ngược dòng quá khứ cùng chương trình nghệ thuật "Đêm hoàng cung"; những đêm "Lễ hội áo dài" tiếp tục hứa hẹn tôn vinh nét duyên Huế và vẻ đẹp trang phục truyền thống của dân tộc. Đời sống sinh hoạt, văn hóa Huế xưa và nay dung dị bên ngoài đời sống hoàng cung sẽ mang lại cho du khách góc nhìn đa dạng hơn về Huế khi Festival mở rộng không gian với các lễ hội "Hương xưa làng cổ" ở Phước Tích, huyện Phong Điền; "chợ quê ngày hội" ở cầu ngói Thanh Toàn, huyện Hương Thủy… Bên cạnh đó, còn có nhiều chương trình nghệ thuật tái hiện lịch sử tại Đại Nội, Cung An Định, quảng trường Ngọ Môn, sân khấu quảng trường trước trường Quốc học Huế… với loại hình nghệ thuật truyền thống và đương đại của trên 30 quốc gia đến từ 5 châu lục.

Đến với Huế để khám phá và hiểu về giá trị của một nền văn hóa.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết