11/04/2009 - 10:02

Bộ Chính trị

Về "Báo cáo Kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về khoa học công nghệ và nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020"

(TTXVN)- Ngày 1-4, Bộ Chính trị đã ra Thông báo Kết luận số 234-TB/T.Ư Về “Báo cáo Kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) Về khoa học công nghệ và nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020”.

Bộ Chính trị cơ bản tán thành các nội dung đã được trình bày trong Báo cáo Kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) Về khoa học và công nghệ và nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020, đồng thời nhấn mạnh Về những thành tựu của khoa học và công nghệ sau 12 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII): Khoa học xã hội và nhân văn có những đóng góp quan trọng trong việc tiếp tục khẳng định, vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay; khẳng định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; con đường và bước đi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lý luận về Đảng và xây dựng Đảng trong điều kiện mới; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nền tảng là liên minh công nhân - nông dân - trí thức; nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân với lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nền ngoại giao độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa với tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển, không ngừng mở rộng các quan hệ đối ngoại, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế... Những lý luận đó đã góp phần quan trọng vào việc lý giải ngày càng sáng tỏ hơn các vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học và công nghệ đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Từ một nước thiếu lương thực, nước ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhiều nông sản có giá trị khác.

Đồng thời, Bộ Chính trị cũng chỉ rõ: Khoa học và công nghệ nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, đội ngũ chưa đáp ứng tốt yêu cầu của quá trình CNH, HĐH, chưa trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và khắc phục được tình trạng tụt hậu so với một số nước trong khu vực. Chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ nhìn chung còn thấp, thiếu những cán bộ, chuyên gia giỏi đầu đàn trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ, đủ sức đảm nhiệm các nhiệm vụ nghiên cứu có tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước. Chính sách đãi ngộ, sử dụng chưa thu hút được nhiều và sử dụng tốt cán bộ trẻ đã được đào tạo có trình độ cao về làm việc tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực.

Nhanh chóng nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, làm nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội; rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức...

Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu và phát triển trong nước với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, đẩy nhanh tốc độ đầu tư đổi mới công nghệ trong tất cả các ngành, tạo nhiều ngành nghề mới có hiệu quả và sức cạnh tranh cao, nhiều việc làm mới có năng suất cao, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm nhanh chóng nâng cao mức sống nhân dân.

Bảo đảm mục tiêu đến năm 2020, xây dựng được một nền khoa học và công nghệ có trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực; về cơ bản có khả năng tự chủ những công nghệ tiên tiến then chốt trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế, với chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh cao; trở thành động lực trực tiếp, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bản Kết luận cũng chỉ rõ những giải pháp cơ bản để thực hiện các nhiệm vụ trên.

Về tổ chức thực hiện, bản Thông báo Kết luận nhấn mạnh yêu cầu: Các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương phải coi việc đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và thường xuyên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; nghiêm túc tổ chức quán triệt và có kế hoạch cụ thể thực hiện tốt Kết luận này.

Chia sẻ bài viết