02/08/2021 - 11:28

Vay vốn ưu đãi, ổn định việc làm 

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 2021, doanh số cho vay chương trình giải quyết việc làm (GQVL) đạt 124,5 tỉ đồng, với 3.185 lao động; doanh số cho vay giai đoạn 2016-2021 đạt 743 tỉ đồng, với 23.489 lao động. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, Chi nhánh hỗ trợ duy trì và mở rộng việc làm, tăng thu nhập cho lao động các quận, huyện.

Được hỗ trợ vay vốn từ chương trình GQVL, chị Ngọc Diễm trồng mãng cầu xiêm, chế biến các sản phẩm trà và mứt mãng cầu phục vụ khách hàng gần, xa.

Được hỗ trợ vay vốn từ chương trình GQVL, chị Ngọc Diễm trồng mãng cầu xiêm, chế biến các sản phẩm trà và mứt mãng cầu phục vụ khách hàng gần, xa.

Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ phối hợp UBND các cấp, các hội, đoàn thể nhận ủy thác và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay để người dân nắm và thực hiện; rà soát đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện vay và tổ chức bình xét cho vay kịp thời. Nguồn vốn vay giúp lao động ở các quận, huyện mở rộng các mô hình, dự án làm ăn hiệu quả. Huyện Thới Lai với các mô hình: nuôi trăn, heo; trồng thanh long, cam xoàn, mãng cầu, bưởi da xanh; huyện Phong Điền có mô hình cải tạo vườn, trồng xoài, sầu riêng, mua bán trên chợ nổi; quận Thốt Nốt có mô hình làm bánh tráng, nuôi bò, trồng hoa màu, rau sạch; quận Bình Thủy có tổ hợp tác trồng cây ăn trái, hoa kiểng, rau an toàn, nuôi vịt. Cũng từ nguồn vốn ngân sách thành phố chuyển sang cho vay GQVL đã giúp các hộ tiểu thương chợ nổi Cái Răng có điều kiện phát triển mua bán, cải thiện cuộc sống; duy trì ngành nghề truyền thống, phát triển các loại hình du lịch. 

Ông Phạm Văn Kiệt, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thới Lai, cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, doanh số cho vay chương trình GQVL đạt 14,724 tỉ đồng, với 375 hộ vay; tổng dư nợ chương trình đạt 45,452 tỉ đồng, với 1.215 hộ vay. Theo chị Phạm Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, Hội đang quản lý 1,9 tỉ đồng vốn chương trình GQVL, với 47 hộ vay để sản xuất, mua bán nhỏ, góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập. Nhiều hộ cần vay vốn cũng như tăng vốn vay từ chương trình này để mở rộng sản xuất, kinh doanh nhưng nguồn vốn chưa đáp ứng nhu cầu. Chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm, ấp Thới Lộc, kể: “Tôi vay 50 triệu đồng vốn GQVL đầu tư trồng mãng cầu xiêm, ổi ruột trắng trên 6 công đất nhà và đất mướn. Tôi mày mò học cách chế biến trà mãng cầu, mứt mãng cầu phục vụ thực khách tại chỗ và qua online. Để quay vòng vốn, tôi trồng bông súng, nuôi ốc bươu, cá các loại tăng thêm thu nhập”.

Thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH thành phố được Trung ương và địa phương quan tâm hỗ trợ vốn, hằng năm, mỗi quận, huyện chuyển bổ sung vốn sang Phòng giao dịch NHCSXH ít nhất 1 tỉ đồng để cho vay GQVL kết hợp phát triển du lịch. NHCSXH phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác trong cho vay, đào tạo nghề, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh. NHCSXH thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn quy trình, nghiệp vụ cho vay, nâng cao hiệu quả quản lý vốn cho cán bộ hội, đoàn thể. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình cho vay GQVL để duy trì và mở rộng việc làm cho người dân, Chi nhánh còn một số khó khăn, hạn chế. Dù nguồn vốn cho vay tăng qua các năm nhưng chủ yếu vốn NHCSXH huy động và vốn địa phương; vốn Quỹ quốc gia GQVL không tăng, trong khi nhu cầu vay vốn để GQVL của lao động trên địa bàn thành phố rất lớn nhưng nguồn vốn chưa đáp ứng đủ. Do nguồn vốn còn hạn chế nên phần lớn tập trung giải quyết nhu cầu vay của lao động trong gia đình, rất ít cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay vốn nên tạo việc làm mới không nhiều. Việc lồng ghép chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách làm ăn ở địa phương chưa thường xuyên...

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả chương trình cho vay GQVL, Chi nhánh NHCSXH thành phố tiếp tục phối hợp Sở LĐ-TB&XH thành phố và các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác rà soát nhu cầu vay vốn của hộ dân để trình Trung ương và địa phương giao vốn; chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả. Chi nhánh tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ cũng như đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, các mô hình làm ăn hiệu quả. Chi nhánh đề nghị Tổng giám đốc NHCSXH xem xét giao bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ năm 2021 đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; UBND các quận, huyện tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách để ủy thác qua NHCSXH cho vay trong năm 2021, 2022, trong đó, có các đối tượng có nhu cầu hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm... phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu GQVL cho 50.300 lao động toàn thành phố năm 2021.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết