29/09/2013 - 19:04

Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 9-2013

(Chinhphu.vn)- Hôm 29-9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 9-2013, thông tin về nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, Người Phát ngôn của Chính phủ thông báo về một số nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2013 diễn ra ngày 29-9, trong đó, nêu rõ tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng qua, phương hướng trong thời gian tới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam, cho biết: Bên cạnh tình hình KT-XH tháng 9 và 9 tháng năm 2013, Chính phủ cũng thảo luận đến các vấn đề dài hạn hơn, đánh giá 3 năm qua đã thực hiện được nhiệm vụ Đảng, Quốc hội đã đề ra như thế nào và 2 năm còn lại cần làm những gì, từ đó đề ra những mục tiêu, những giải pháp lớn cho năm tới, báo cáo BCH Trung ương, Quốc hội.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, tình hình KT-XH tháng 9 và 9 tháng tiếp tục phát triển theo đà tốt, trên tất cả các mặt. Tuy nhiên, tốc độ tiến bộ chưa như mong muốn.

CPI tháng 9 tăng trên 1%, chủ yếu do giá dịch vụ, trong đó có việc khai giảng năm học mới, nhưng CPI 9 tháng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Dư địa 3 tháng còn lại, nếu theo chỉ tiêu đã trình Quốc hội và định hướng điều hành là 7% thì còn trên 2%, lấy số tròn là 0,8% một tháng. Theo tính toán những năm trước, năm nay sẽ đạt được chỉ tiêu về lạm phát.

Về tiền tệ, tỷ giá được duy trì tốt, ổn định. Tín dụng có tăng trưởng. Đầu vào tiền gửi tăng trên 11% nhưng đầu ra tăng 6%. GDP, tốc độ tăng trưởng công nghiệp tăng dần theo các quý, quý 3 cao hơn quý 2, quý 1. Cuối năm GDP có thể đạt 5,4 - 5,5%.

Tổng vốn đầu tư xã hội có tăng, trên 6%, không phải nhiều nhưng trong bối cảnh hiện nay thì chấp nhận được. Qua các báo cáo của các tổ chức quốc tế thì chỉ số cạnh tranh của Việt Nam được nâng lên, trong đó chỉ số ổn định vĩ mô tăng 19 bậc, biểu hiện cụ thể vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng 36%.

Các lĩnh vực xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh, phòng ngừa giảm thiểu tai nạn giao thông tiếp tục tốt. Cụ thể,  kinh tế đối ngoại đạt kết quả rất tích cực, đàm phán nhiều hiệp định mở  thị trường, như thành lập các khu vực thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan và gần đây nhất là đàm phán TPP. Có nhiều mục đích nhưng mục đích trung tâm là mở cửa thị trường cho hàng hóa trong nước và thị trường xuất khẩu.

Dù tình hình KT-XH như vậy nhưng không thể chủ quan. Chẳng hạn, dư địa lạm phát, lấy số tròn là 2,4% cho 3 tháng, nhưng nếu lơ là, tháng nào cũng trên 1% thì cả năm sẽ trên 7%. Về tháo gỡ khó khăn cho DN, có tiến bộ nhưng chưa đạt yêu cầu. Số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động có tăng lên nhưng vẫn còn nhiều DN ngưng hoạt động.

Nhiều chính sách như NQ 01, 02 về hỗ trợ thị trường bất động sản, đã đề ra nhưng đưa vào cuộc sống còn chậm, vấn đề này cần chỉ đạo quyết liệt hơn. Tinh thần mà Chính phủ chỉ đạo là xem DN khó ở đâu thì phải trực tiếp gỡ khó ở đó.

 

Chia sẻ bài viết