05/05/2019 - 17:17

Vẫn còn một giọng ca 

Truyện ngắn: Phan Duy

Người ta mê mẩn làn hơi nhẹ tênh mộc mạc rặt miền Tây của chàng nghệ sĩ trẻ. Trời ban tặng cho anh giọng ca ngọt lịm đầy phóng khoáng. Thế nhưng không ai biết được trong sự mượt mà đầy quyến rũ kia là thân phận buồn. Chẳng có ai trong gia đình theo nghiệp ca xướng. Anh là người duy nhất. 

“Ngọc Châu đêm nay có về hát đó”, nghe người trong xóm xôn xao truyền tai nhau, thím Tư cũng góp lời “Nghe đâu Ngọc Châu là dân xứ mình đó”. Thím Tư vẫn nhớ chuyện thằng Năm chăn trâu nhà ông Cả hồi năm nẫm. Nghe đâu sau khi thằng nhỏ vì mê mải trốn nghe đờn hát, để con trâu Cộ của ông Cả qua giẫm lúa người ta, rồi sau đó thằng Năm bỏ xứ đi luôn. Cái thằng mê ca hát thấy thương.

Lần đó, Năm trốn biệt. Ông Cả nhận lỗi và bồi thường cho người ta mấy trăm đồng bạc. Ba ngày, bảy tháng, bốn năm... trôi qua mà thằng Năm không về lại nhà ông Cả. Xóm giềng nói chắc là thằng Năm sợ ổng nên trốn đi luôn. Có người lại nói nó theo gánh hát bởi ông Tư Có nhận thằng Năm làm đệ tử rồi dạy nó ca hát. Thằng Năm đi chăn trâu từ lúc bảy tám tuổi đến lúc trốn đi cũng ngót sáu bảy năm trời làm bạn cùng nắng trưa mưa tối, nhưng mà khi nghe trong xóm có đờn ca là nó quyết đến cho bằng được. Hôm gánh hát của ông Tư Có về, thằng Năm cũng mon men tới. Chắc là nghiệp nên nó cứ nghe đến mê man tiếng đờn lanh lảnh rao mấy bài lưu thủy trường, ngũ đối hạ sao, lúc như thiết tha khi bày giãi đã bắt nhịp cho tâm hồn nhạy cảm ấy chìm đắm, khiến Năm bỏ quên con Cộ ngoài mé đồng vừa trổ đòng muộn. Lúc con Cộ phá lúa, người ta í ới lên thì Năm mới hoàn hồn, rồi quyết định rời đi luôn.

Gánh Tư Có dời bến, thế là Năm với nghệ danh Ngọc Châu cũng bén hơi với những vai quân sĩ báo, quân sĩ trình. Dần dà, Năm được giao thế một vai nhỏ trong gánh. Nắng gió phương Nam đã tạo cho Ngọc Châu làn hơi vô cùng đặc biệt. Không lả lướt, không kỹ thuật cao siêu khiến khán giả phải nín thở đợi chờ khoảnh khắc xuống hò hay dứt câu vọng cổ như các nghệ sĩ chuyên nghiệp, mà làn hơi nhẹ nhàng của Năm tựa như cơn gió rót vào lòng giữa trời trưa êm ả, nó phả vào cuộc đời cái vị bình yên để người nghe dịu lắng sau biết bao thăng trầm cơ cực. Có lẽ thế mà Năm đã thành một Ngọc Châu theo đúng chất ngọc càng mài càng sáng chói.

“Đúng là thằng Năm rồi. Nghe nó ca mà tui muốn rụng rún luôn đó”. “Cái thằng thiệt tình, trước giờ có biết nó ca mùi dữ ôn vậy đâu? Chăn trâu đầu trần tóc khét mà sao dứt câu ngọt xớt. Trông bộ tịch vẫn còn mang hơi hướm dân miệt mình quá chứ”... Vãn tuồng, người ta xúm xít bàn tán chờ gặp cho tận mặt anh nghệ sĩ chăn trâu hồi trước. Ông Cả nay dáng đứng cũng đã lom khom, cười nói rôm rả với cô bác thân quen. Chắc ông quên mất tiêu cái vụ con trâu Cộ năm nào. Cứ nghe giọng ca của Năm thôi là đủ để ông quên chuyện ngày xưa. Cả buổi ấy, Ngọc Châu tất tả chào hỏi hết thảy mọi người. Bà con quen biết cứ vây quanh hỏi gần xa cho đến khi gà gáy hiệp đầu mới tan.

***

Ông lặng im. Sự lặng im đến não lòng người. Vẫn nét mặt tươi tỉnh như xưa, vẫn đôi môi luôn khẽ một nụ cười nhỏ. Đôi mắt cứ trân trân nhìn về phía xa. Trên đầu ông giờ không còn một sợi tóc. Láng trơn. Chiếc xe lăn lâu lâu cứ nhích nhẹ như cố khơi lại trong lòng người ngồi trên một chút hồi ức. Chiếc radio vẫn vang lên một làn hơi nhẹ tênh, mượt mà và mát rượi. Như cơn gió thoảng qua tàu cau, bụi chuối, luồn lách từ ngõ ngách khúc sông xưa, con đò cũ để phác họa lên trong hồn sự đằm thắm ngọt ngào của đồng xanh lúa thắm. Người đàn ông vẫn chăm chăm như cố dặn minh phải lục lọi cho bằng được cái gì đó đã đánh rơi trong quá khứ.

- Ba. Ba còn nhớ giọng của ai đây không? Ráng nhớ thử đi ba...

Vậy đó. Một năm rồi từ ngày ông bị tai biến, ngã quỵ trên đường. Chiếc xe cứu thương cứ hú liên hồi bỏ lại phía sau một chặng đường vàng son trên nghiệp diễn, bỏ lại hình ảnh người thanh niên mê đờn ca, da đen sạm vì nắng rọi đồng trưa, rọi cả lên con trâu nhởn nhơ trên đám cỏ quê nghèo. Lần trốn đi xưa kia cùng với giọng ca trời phú đã đưa ông băng qua nhiều nấc thang cuộc đời nghệ thuật. Những vai diễn nông dân chất phác hiền lành đầy khẳng khái bộc trực hay nỗi lòng của người lính phe bên kia ăn sâu vào tiềm thức của bà con là những thành công rực rỡ nhất đối với ông. Ngần ấy thời gian vui buồn cùng câu ca nét diễn, ông đã dành trọn tình yêu đời mình cho sân khấu. Mấy mươi năm trôi nhanh như dòng nước chảy. Người thân quen trong xóm cũ đã ra người thiên cổ lâu rồi. Dù rằng sự lộng lẫy vàng son của cải lưong đã lui về quá khứ nhưng đâu lúc nào ông nguôi ngoai nỗi nhớ tiếng đờn lời ca.

Từ bệnh viện về, ông không còn là ông nữa. Chỉ còn gương mặt cứng ngắc đi kèm nụ cười không cảm giác. Biến chứng của lần đột quỵ đó đã lấy đi của ông tất cả. Ngay cả tiếng nói, ông cũng chẳng thốt được lời nào. Những câu ca ngọt lịm lòng người là bảo vật của đời ông cũng mất luôn từ đó. Sau những hào quang là nỗi buồn âm thầm. Sân khấu không còn thời vàng son nhưng lửa nghề chưa nguội. Thà rằng như vậy. Để mỗi khi nhớ sân khấu, nhớ lời ca tiếng đờn, ông còn ngân nga mà ôn về ký ức cũ. Đằng này…

Đôi mắt ông vẫn cứ trông về phía xa xăm. Câu hỏi của cô con gái cứ lâu lâu lại cắc cớ: “Ba nhận ra ai không?”. “Làm sao không?”, câu trả lời có lẽ chỉ dành cho những ai thấu hiểu nỗi lòng qua đôi mắt. Ông muốn nói với con gái điều ấy nhưng làm sao cho con hiểu được. Lần tai nạn đó đã lấy đi giọng ca mát ngọt một thời lẫn tiếng nói của ông. Phía xa xăm có gì. Có buổi trưa thấp thoáng hình ảnh con trâu Cộ giẫm lúa nhà người, hay có những đêm vãn tuồng mà khán giả vẫn quây kín tới rạng sáng, và có cả những đêm diễn dát vàng cho giọng ca đậm vị ngọt ngào như phù sa châu thổ. Lâu rồi, ông không cất lên những câu vọng cổ đã in hằn trong hồn người. Cuộc đời nghiệt ngã trả về cho ông đoạn khúc buồn của người nghệ sĩ. Ông hiểu hết những gì con gái nói và ẩn hiện trên đôi mắt ấy long lanh những giọt nước...

Chiếc radio lại vang lên làn hơi ngọt ngào và êm ái. Giọng ca hòa vào không gian trầm mặc. Mấy ngón tay khẽ rung lên. Trên chiếc xe lăn vô tri là một người lặng lẽ, gương mặt người đó vẫn thản nhiên. Để ý thật kỹ người ta thấy có giọt lệ vừa trào ra khi tiếng ca êm dịu vừa dứt chữ cuối cùng trong câu ca vọng cổ. Vẫn cỏn giọng ca ở lại với cuộc đời.

Chia sẻ bài viết