01/10/2014 - 20:02

Sản xuất lúa thu đông

Vẫn còn gặp khó trong khâu thu hoạch

Thời điểm này, nông dân tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đã bước vào vụ thu hoạch lúa thu đông 2014, với năng suất nhiều ruộng lúa đạt khá cao. Song, bên cạnh niềm vui trúng mùa và bán lúa được giá, nhiều nông dân trồng lúa trong vụ này đang gặp nhiều khó khăn trong khâu thu hoạch lúa …

* Lúa trúng mùa

Vụ lúa thu đông 2014, nông dân tại TP Cần Thơ đã xuống giống 63.239 ha lúa, đạt 126% so với kế hoạch năm, thấp hơn 3.743 ha so với cùng năm trước. Đến thời điểm gần cuối tháng 9-2014, nông dân trên địa bàn đã thu hoạch được hơn 44.000 ha, đạt gần 70% diện tích. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, các trà lúa thu đông thu hoạch sớm trên địa thành phố cho năng suất bình quân 51,49 tạ/ha, cao hơn 0,97 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, chi phí sản xuất lúa của nhiều nông dân cũng nhẹ hơn so với năm trước do giá vật tư giảm, nông dân tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và vụ này ít sâu bệnh.

Ruộng lúa đã chín có nguy cơ bị đe dọa bởi nước lũ, nhưng nông dân phải gia cố lại bờ bao, chứ không thể chủ động thu hoạch lúa sớm vì phải chờ thương lái.

Nhiều nông dân có lúa thu đông thu hoạch sớm càng vui khi lúa bán được giá cao hơn từ 200-400 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Tùy điều kiện giao thông thuận tiện cho khâu vận chuyển, lúa tươi IR50404 vào đầu vụ tại nhiều quận, huyện như: Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền… được nông dân bán ngay tại ruộng cho thương lái giá 4.700-4.800 đồng/kg, lúa phơi sấy khô giá 5.100-5.500 đồng/kg, lúa hạt dài có giá 4.900- 5.100 đồng/kg đối với lúa tươi và 5.800-5.900 đồng/kg đối với lúa phơi sấy khô. Với năng suất lúa đạt từ 30-35 giạ/công (tầm lớn) trở lên, nông dân có lời từ 1-1,5 triệu đồng/công lúa. Ông Lê Văn Trí ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ có 1,3 ha lúa, cho biết: "Đã thu hoạch 1,3 ha lúa IR 50404 và phơi khô bán được giá 5.100 đồng/kg vào cách nay hơn 3 tuần. Trừ đi chi phí, vụ này tôi có lời khoảng 1,5 triệu đồng/công lúa". Đối những ruộng lúa sản xuất lúa giống, nông dân có thể đạt mức lời cao hơn. Ông Lê Văn Nhứt ở khu vực Lân Thạnh 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cho biết: "Trong 2 vụ trước, 4 công lúa của tôi đều được sản xuất lúa giống và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay đầu vụ với giá bán cao hơn lúa hàng hóa trên thị trường 500 đồng/kg vào cùng thời điểm, giúp tôi kiếm lời từ 3,5-4 triệu đồng/công lúa/vụ. Vụ này, tôi tiếp tục làm lúa giống, tuy không lời bằng các vụ trước do năng suất lúa thấp hơn, nhưng cũng đạt mức 3 triệu đồng/công". Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho biết. Trong vụ thu đông 2014, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.300 ha sản xuất lúa giống. Thời gian qua, bên cạnh việc tập trung sản xuất các loại lúa hàng hóa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, thành phố cũng tích cực khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất lúa giống để giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

* Cần giải pháp giúp chủ động hơn trong thu hoạch

Vụ sản xuất lúa thu đông 2014 đã gặt hái thành công về năng suất, giá lúa gần đây có giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao, đầu ra hạt lúa nhìn chung tiếp tục thuận lợi, đây là những tín hiệu đáng mừng đối với nông dân. Tuy nhiên, khâu thu hoạch lúa của nhiều nông dân còn bị động, chi phí thu hoạch lúa của nhiều nông dân trong vụ này tăng cao khiến lợi nhuận bị sụt giảm.

Nhiều nông dân trồng lúa trên địa bàn TP Cần Thơ, cho biết vào đầu vụ thu hoạch lúa, giá thuê máy gặt đập liên hợp (GĐLH) để thu hoạch lúa chỉ ở mức 250.000-260.000 đồng/công, nhưng sau đó đã nhanh chóng tăng lên ở mức 280.000-320.000 đồng/công đối với các ruộng lúa ít đổ ngã. Nếu lúa bị đổ ngã từ 30-70%, muốn thuê máy GĐLH thu hoạch, nông dân phải chịu giá từ 350.000-400.000 đồng/công, thậm chí 500.000 đồng/công đối lúa bị đổ ngã hoàn toàn. Với điều kiện nền đất ruộng yếu, máy tiêu tốn nhiều nhiên liệu, nhưng tốc độ thu hoạch lúa chậm và máy dễ bị hỏng hóc, buộc các chủ máy GĐLH phải tăng giá, nhất là đối với diện tích lúa bị đổ ngã nhiều. Đáng chú ý, đối với diện tích lúa bị đổ ngã quá nặng, ruộng lúa bị sình lầy, ngập nước hoặc do có diện tích nhỏ mà máy GĐLH không thể vào được, nông dân phải thuê mướn thu hoạch bằng tay với giá lên đến 650.000-750.000 đồng/công. Trong đó, giá thuê cắt lúa bằng tay ở mức 350.00-400.000 đồng/công, thuê công vạn ở mức: 150.000-200.000 đồng/công, suốt lúa khoảng 150.000 đồng/công. Những người lao động tham gia thu hoạch lúa bằng tay càng có điều kiện tăng giá khi họ phải đảm nhận việc thu hoạch lúa tại những nơi bị máy GĐLH "chê".

Ông Đinh Văn Lâm ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cho biết: "Thu hoạch lúa bằng tay không chỉ tốn nhiều chi phí so với máy GĐLH mà lúa sau thu hoạch cũng khó tiêu thụ. Thương lái thường chê, không chịu mua lúa tươi, có mua cũng trả gía rẻ hơn một vài trăm đồng/kg". Theo ông Nguyễn Văn Tiến, ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn, năm nay nhiều diện tích lúa thu đông gặp khó trong khâu thu hoạch không chỉ do thời tiết diễn biến bất thường, mưa gió nhiều làm lúa bị đổ ngã mà còn ảnh hưởng bởi nước lũ về sớm hơn mọi năm. Trong khi đó, nhiều nông dân không thể chủ động thu hoạch lúa theo ý muốn của mình nhằm tránh ảnh hưởng của thời tiết và thiên tai do đã thỏa thuận ngày giờ thu hoạch và bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái, nếu thu hoạch lúa khác ngày sợ không bán được.

Thời gian qua, dù chi phí thu hoạch lúa có tăng, nhưng nhìn chung số lượng các máy GĐLH và nguồn nhân công phục vụ thu hoạch lúa tại thành phố vẫn đảm bảo. Phần lớn các diện tích lúa thu đông trên địa bàn thành phố đều được thu hoạch bằng máy GĐLH. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, hiện tình hình thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, mưa xuất hiện nhiều kèm giông và lốc xoáy, mực nước nội đồng có chiều hướng dâng cao do nước lũ từ thượng nguồn kết hợp với triều cường. Để bảo vệ và thu hoạch tốt các diện tích lúa thu đông còn lại, ngành nông nghiệp thành phố khuyến cáo chính quyền và nhân dân tại các địa phương cần có biện pháp chủ động các phương tiện, máy móc trong thu hoạch lúa. Nhanh chóng thu hoạch dứt điểm các diện tích lúa đã chín. Đồng thời, rà soát, gia cố lại các đê bao, bờ bao bảo vệ lúa và có phương án chủ động trong tưới tiêu nước, chống ngập úng. Đối với các diện tích lúa gần tới thu hoạch, nông dân cần chú ý xả thoát nước ra từ từ trước lúc thu hoạch khoảng nửa tháng nhằm hạn chế tối đa lúa bị đổ ngã và tạo đất cứng, thuận lợi cho việc đưa máy GĐLH vào ruộng.

Lúa bị đổ ngã nhiều không chỉ gây khó cho khâu thu hoạch mà còn ảnh hưởng đến chất lượng, giá bán sản phẩm và có tỷ lệ thất thoát trong thu hoạch cao. Xét về lâu dài, nông dân cần chú ý các biện pháp kỹ thuật để phòng tránh lúa đổ ngã ngay từ đầu vụ sản xuất như: thực hiện tốt khâu làm đất, sạ với mật độ vừa phải, tưới nước hợp lý, bón phân cân đối giúp lúa cứng rạ.v.v. Mặt khác, xu hướng bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái đã giúp người nông dân khỏi tốn công phơi sấy lúa. Tuy nhiên, đây chưa là giải pháp tối ưu, giúp người nông dân tự chủ động trong các khâu thu hoạch, giảm thất thoát và định đoạt được giá bán sản phẩm. Vấn đề này cần được các ngành chức năng tính toán trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết