12/04/2010 - 21:26

CHUẨN BỊ CHO KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT

Vẫn còn chuyện “đoán già đoán non”, học tủ...

Học sinh lớp 12 Trường THPT Châu Văn Liêm đang làm bài kiểm tra môn Hóa học.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố môn thi tốt nghiệp năm 2010, các trường THPT đã tổ chức ôn tập các môn thi tốt nghiệp cho học sinh. Nhìn chung, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được các trường chuẩn bị khá chu đáo. Tuy nhiên, với nhiều học sinh do “đoán già đoán non”, học tủ nên chuyện ôn tập thi cử vẫn còn không ít nỗi lo...

* Chuẩn bị ngay từ đầu năm học...

Khác với các năm học trước, năm học 2009-2010, Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai thực hiện dạy rút chương trình vào các buổi chiều trong tuần ngay từ đầu năm học. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, cho biết: “Do trường đang trong quá trình xây dựng, buổi chiều chỉ dư được 3 phòng nên Ban Giám hiệu xin ý kiến Sở GD&ĐT cho phép dạy rút chương trình ngay từ đầu năm học để học sinh có thời gian ôn tập vào tháng 4, tháng 5”. Đây cũng là cách mà một số trường THPT khác thực hiện: dạy đủ và nhanh chương trình để học sinh có thời gian ôn tập các môn thi tốt nghiệp ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố môn thi. Vì vậy, đầu tháng 4-2010, Trường THPT Thới Lai đã bắt đầu thực hiện chương trình ôn tập cho học sinh. Em Nguyễn Lê Nhã Uyên, học sinh Trường THPT Thới Lai, nói: “Cách học này giúp các em có thời gian ôn tập tập trung hơn, nên dễ tiếp thu bài hơn”.

Không có phòng phụ đạo trái buổi cho học sinh nên Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Điền, tổ chức tăng giờ dạy cho học sinh lớp 12 vào ngày chủ nhật hằng tuần. Tính đến cuối tháng 3-2010, hầu hết các môn không thi tốt nghiệp đều được nhà trường giảng dạy hoàn thành chương trình học đúng và đủ theo qui định của Bộ GD&ĐT. Thời gian còn lại nhà trường dành để ôn tập cho học sinh. Ông Nguyễn Văn Sang, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị, nói: “Do học sinh vùng ven còn hụt hẫng nhiều kiến thức so với học sinh ở trung tâm thành phố, nên trường dành nhiều thời gian ôn tập để các em có thể nắm chắc nội dung trước khi bước vào hai kỳ thi quan trọng là tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng”. Một số trường THPT có đủ phòng ốc đã tổ chức ôn luyện cho học sinh ngay từ lớp 10. Ông Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Do nhận thấy chương trình phổ thông hiện nay khá nặng, các em khó tiếp thu thật tốt trong thời gian học chính khóa nên ngay khi học sinh vào học lớp 10, trường đã tổ chức phân loại học sinh và dạy phụ đạo giúp các em có kiến thức nền vững vàng để học tiếp các lớp học sau và sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

* Nỗi lo việc “đoán già đoán non”, học tủ...

Nhìn chung, các trường THPT ở TP Cần Thơ đều đã bước vào thời điểm ôn tập để chuẩn bị tốt cho học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngành giáo dục thành phố cũng đã họp mặt giáo viên dạy lớp 12, định hướng chương trình ôn tập dựa trên cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, liên hệ với các giáo viên có kinh nghiệm để xây dựng đề cương ôn tập cho học sinh... Tuy nhiên, cũng có không ít băn khoăn khi Bộ GD&ĐT công bố môn thi tốt nghiệp năm nay có cả môn Lịch sử và Địa lý. Như vậy, các em phải thi 4/6 môn thuộc lĩnh vực xã hội. “Khổ nhất” vẫn là những học sinh xác định thi các khối thuộc nhóm khoa học tự nhiên. Nguyễn Chí T., học sinh Trường THPT Phan Văn Trị, nói: “Em quyết định thi khối A nên ngay từ đầu năm học, các môn xã hội em chỉ học “cầm chừng”. Giờ thi cả Lịch sử lẫn Địa lý, nên em sẽ rất đuối khi phải học lại nhiều kiến thức. Trong khi đó cấu trúc đề thi mà Bộ GD&ĐT đưa ra đối với hai môn Lịch sử và Địa lý bao gồm toàn bộ chương trình. Môn Lịch sử có nhiều số liệu phải nhớ chính xác nên rất khó. Vì vậy, em phải học ngày, học đêm”. Tương tự, em Nguyễn Lê Nhã Uyên, học sinh Trường THPT Thới Lai, băn khoăn: “Em chọn thi khối A nên không đầu tư nhiều cho các môn xã hội. Hơn nữa, năm vừa rồi đã thi môn Địa lý thì năm nay em đoán không thi nữa. Ai dè...”.

Đầu tư nhiều cho các môn tự nhiên cũng là tình hình chung của học sinh các trường THPT ở trung tâm thành phố, vì phần lớn các em chọn thi khối A và B. Vì vậy, nhiều học sinh và cả giáo viên bị “hớ” khi Bộ GD&ĐT chọn thi môn Địa lý trong 2 năm liên tục. Trường THPT Kỹ thuật Trần Ngọc Hoằng, huyện Cờ Đỏ là một trong số ít trường THPT không bị bất ngờ khi môn Địa lý được chọn thi tốt nghiệp. Thế nhưng, ông Lê Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng trường, vẫn lo lắng: “Do nhận thấy học sinh lớp 12 của trường quá yếu môn Địa lý, nên ngay từ đầu năm, Ban Giám hiệu trường đã chọn môn Địa lý là môn phụ đạo cho học sinh. Phụ đạo từ đầu năm học, nhưng kỳ thi giữa học kỳ 2 vừa qua chỉ có khoảng 39% học sinh đạt điểm trung bình trở lên”.

Theo Bộ GD&ĐT, việc quyết định môn thi tốt nghiệp dựa trên nguyên tắc là ngoài 3 môn thi bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ), 3 môn còn lại được lựa chọn trong số các môn học, song phải đạt mục đích học gì thi nấy, học đều các môn, không học tủ, học lệch. Năm học 2006-2007, hai môn Lịch sử và Địa lý cũng được chọn là 2/6 môn thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, việc quy định 4/6 môn thi tốt nghiệp của năm nay thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là không có gì bất ngờ và bất hợp lý. Dù vậy, do chuyện “đoán già đoán non” các môn thi tốt nghiệp là chuyện thường xảy ra trong học sinh và một bộ phận giáo viên nên không ít trường hợp cảm thấy bất ngờ.

Còn chưa đầy 2 tháng là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, hiện các trường đang tập trung vào ôn luyện ráo riết cho học sinh. Thời gian không nhiều, liệu việc nhồi nhét kiến thức như thế có đạt hiệu quả? Nếu nhìn lại từ đầu sẽ thấy đây chính là hệ quả của việc dạy và học lơ là, không theo sát chương trình, khi “nước đến chân” thì phải vừa chạy vừa lo. Nếu các trường dạy và học đủ các môn theo số tiết qui định trong phân phối chương trình không đoán già đoán non và tổ chức ôn tập theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT thì chắc đã không phải âu lo trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế này?!

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết