10/08/2024 - 22:38

Vài nét về quá trình đô thị hóa ở Cần Thơ thuở xưa 

Cần Thơ từ trăm năm trước đã được gọi là Tây Ðô, bởi sự sung túc, phố chợ tấp nập, đông vui. Quá trình đô thị hóa ở Cần Thơ bắt đầu từ rất sớm, dần kiến tạo nên diện mạo đô thị Cần Thơ rõ nét vào đầu thế kỷ XX. Từ TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương hôm nay nhìn lại quá trình ấy, để thêm hiểu và biết ơn bao thế hệ người Cần Thơ đã dày công vun đắp “cái vẻ mỹ miều, xinh xắn, sạch sẽ, phong quang, thật xứng tên làm tỉnh đầu miền Tây”, như lời cụ Phạm Quỳnh ca ngợi.

Chợ Cần Thơ minh chứng sự phát triển của đô thị Cần Thơ. 

Khi viết về tỉnh Cần Thơ những năm đầu thế kỷ XX trong cuốn “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, nhà nghiên cứu Sơn Nam cũng cho rằng: “Tỉnh Cần Thơ điển hình cho sự sung túc của Hậu giang, nơi gọi là thủ đô miền Tây”. Ðể có sự sung túc ấy, không phải là chuyện một sớm một chiều.

Phần đất Cần Thơ được khai thác nhiều từ cuối thời Gia Long, đặc biệt là thời Minh Mạng đến thời Tự Ðức. Vùng đất này đông đúc ở phía sát bờ Hậu Giang, do đường sông thuận tiện, đất tốt và nước ngọt. Phần còn lại còn khá hoang sơ, “Ðại Nam nhất thống chí” miêu tả ngọn rạch Cần Thơ ăn thông qua sông Cái Bé rồi đổ ra vịnh Xiêm La rằng: “Cuối đông qua xuân, nước khô bùn cứng ghe thuyền qua lại không được, từ mùa hạ qua đông, nước mưa tràn bờ thì ghe thuyền cỡi lên trên cỏ và bèo mà đi, cứ trông theo phía tả hay phía hữu rừng cây mà nhận dấu đường. Nơi đây không có bóng người, có rất nhiều muỗi và đỉa, người qua lại rất khổ sở”.

Ðể minh chứng cho sự phát triển của vùng phía sát bờ Hậu Giang, theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, từ thời Gia Long đã lập làng Tân An (rạch Cần Thơ), làng Thới An (Ô Môn), làng Thới Thuận, Tân Thuận Ðông (vùng Thốt Nốt). Làng này cách làng kia hàng chục cây số, nằm trên các vùng đất gò, đất giồng. Trong đó, rạch Cần Thơ nổi danh là phì nhiêu, đất tốt, không bị ngập. Vùng Cái Răng trở thành làng vào đời Minh Mạng rồi phát triển thêm. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), làng Thường Thạnh của Cái Răng tăng thêm dân cư, tách ra một làng mới lấy tên là Trường Thạnh. Làng này do 2 người đứng đơn xin lập, với 8 người dân có tên trong bộ làng Thường Thạnh, 8 người dân lậu và một niên lão 67 tuổi. Họ chịu đóng thuế 5 khoảnh đất, hạng sơn điền (thuế nhẹ).

Cũng vì vùng đất làng Thường Thạnh dễ bề làm ăn nên năm 1854, một đội (50 người dân lậu) đã xin khẩn 2 khoảnh đất tổng cộng là 200 mẫu của làng. Ðội trưởng Nguyễn Văn Tấn đứng đơn, có thôn trưởng, hương thôn và dịch mục ký tên. Thôn trưởng làng giáp ranh là làng Như Lăng đã ký vào để xác nhận vấn đề ranh giới, viên cai tổng cũng ký vào. Ðơn được quan Tổng đốc An Hà phê.

Từ những năm 1900 trở đi, diện tích đất canh tác ở Cần Thơ cũng ngày càng tăng. Con số minh chứng là ở tỉnh Cần Thơ, diện tích đất canh tác vào các năm 1910, 1920, 1930 lần lượt tăng là 132.000 mẫu, 202.000 mẫu và 205.000 mẫu.

Ðặc biệt hơn, việc đào các con kinh đã thúc đẩy nhanh quá trình lập ruộng, làm vườn, giúp Cần Thơ phát triển vượt bậc. Ở tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng, khoảng 1900-1920, đã có hơn 350km kinh đào thêm. Riêng vùng Cần Thơ từ 1890-1900 đã đào các kinh: Trà Ết, Xà No, Long Mỹ, Bassac (quen gọi là kinh Lái Hiếu); từ 1900-1920 đào các kinh: Thốt Nốt qua Giồng Riềng, Thới Lai, Ô Môn, Xuân Hòa, Phong Ðiền, Cái Răng, Trà Lồng, Cái Vồn... Riêng kinh xáng Xà No được đào từ năm 1901 đến tháng 7-1903, nối từ sông Cần Thơ (nay là Vàm Xáng, Phong Ðiền), gọi là Vàm Xáng Xà No đến sông Cái Lớn (đoạn sông Cái Tư), gọi là Vàm Xáng Hỏa Lựu, chảy thấu ra vịnh Thái Lan, dài non 60km.

Kinh xáng Xà No hoàn thành, đất chưa ráo đã có người “cắm dùi” giành chỗ tốt. Chuyện làm ăn, buôn bán phất lên thấy rõ. Kinh xáng Xà No không lâu phát lên thành “con đường lúa gạo”. Rạch Cần Thơ trở nên sung túc, trên bến dưới thuyền, chợ nổi dần sôi động và Cái Răng hình thành nên những chành lúa nức tiếng. Nhà nghiên cứu Sơn Nam miêu tả: “Rạch Cần Thơ chạy dài tới Phong Ðiền, nhà cửa đông đúc. Rạch Cái Răng là nơi đất tốt. Ðất ở rạch Bình Thủy không đâu sánh bằng…”. Thấy rõ địa thế triển vọng của Cần Thơ, thực dân Pháp cũng có mục đích biến Cần Thơ thành trung tâm quan trọng, giềng mối giao thông, nhất là đường sông, đa số lúa gạo từ miệt dưới gom về Cần Thơ vì đây là con đường vận tải ngắn nhất lên Sài Gòn.

5 năm sau khi kinh xáng Xà No thông dòng, năm 1908, hương chức làng Nhơn Ái đứng đơn xin lập chợ, gọi là chợ Vàm Xáng để thâu huê lợi cho làng. Về sau, phần đất chợ Nhơn Ái được tách qua địa phận làng Nhơn Nghĩa, khiến hương chức làng Nhơn Ái phản đối vì cho rằng “hư phong thủy”. Về chuyện này, theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, “thật ra hương chức làng mất dịp làm ăn”. Chi tiết này cũng cho thấy sự phát triển phố chợ vượt bậc. Ðến năm 1913, một thân hào khác tặng làng Nhơn Ái sở đất 880 mét vuông để cất trường làng.

Còn ở phía Cái Răng, năm 1908, chợ Cái Răng đã sung túc đến mức hương chức hội tề sở tại chọn cách bán sườn nhà lồng chợ cho làng Thới Thạnh, tổng Thới Bảo (để xây chợ Ô Môn), mua sườn nhà chợ khác, to và chắc chắn hơn. Chành (vựa lớn) gạo, lúa, nông sản ở chợ Cái Răng ra đời ngày càng nhiều. Năm 1911, công ty Asiatic Petroleum xin phép cất cây cầu sắt dài 15m tại bến Cái Răng cho tàu chở dầu cặp bến dễ dàng hơn.

Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, khoảng 1908-1909 là những năm lạc quan nhất về mặt phát triển, xây dựng cơ cấu kinh tế ở Cần Thơ, khi mà xây dựng xong nhà chợ (chợ cá) tại chợ Cần Thơ, ráp nhà lồng chợ mới ở Cái Răng, nhà lồng chợ Cái Răng thì bán cho chợ Ô Môn, nhà lồng chợ Ô Môn thì bán cho chợ nhỏ hơn là chợ Rạch Gòi. Cuối năm 1910, nhà thầu đã cẩn xong bờ sông Cần Thơ, chỗ vàm rạch Cái Khế: cẩn bằng cừ cây, lót vỉ sắt, tráng xi măng bên ngoài cho nước không làm lở và đồng thời cẩn đá luôn bờ sông tại chợ.

Cần Thơ - đô thị miền sông nước hôm nay. 

Năm 1903, Cần Thơ đã có trường nữ tiểu học với một nữ giáo viên người Pháp quản lý, trường dạy thêm môn thêu thùa và có bàn máy may biểu diễn cho học sinh và cha mẹ học sinh xem. Từ năm 1910, dân ở Cần Thơ và ở Trà Ôn được xem chiếu bóng (chiếu bóng câm) do nhóm Batisson cho chiếu lưu động, chủ yếu là những phim hài hoặc thời sự khoa học ngắn. Năm 1917, An Hà nhựt báo ra đời tại Cần Thơ. Năm 1926, Trường Trung học Cần Thơ nhận học sinh năm đầu tiên (lớp thứ nhứt)…

Còn theo một tài liệu báo cáo bằng tiếng Pháp có tên “Cần Thơ trước năm 1899” đang được lưu trữ tại Thư viện TP Cần Thơ, nhiều nền móng cho một đô thị sầm suất Cần Thơ đã có từ cuối thế kỷ XIX. Bởi, chỉ vài chục năm sau khi Pháp chiếm Cần Thơ, Pháp đã cho xây khách sạn “Cửu điếm Lasorbonne”, rồi bungalow ở khu vực bến Ninh Kiều ngày nay. Tài liệu này miêu tả thêm rằng: “Từ nhiều năm nay, Cần Thơ đã biến đổi rõ nét, những phố rất đẹp dọc ngang qua thành phố, các bến sông được trồng xoài, trải ra một chiều dài nhiều trăm mét…”. Từ chi tiết này, suy ra mới rõ rằng, những con đường mang tên Hàng Xoài, Hàng Dừa, Hàng Dương… cũng cho thấy sự phát triển vượt bậc của đô thị Cần Thơ.

Một tài liệu khác là cuốn “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” do tác giả Nguyễn Liên Phong viết năm 1909, phần miêu tả Cần Thơ, đã có nhiều lời ngợi khen. Ông viết:

“So về mấy hạt khắp miền

Cần Thơ thứ nhứt mối giềng giàu sang”

Và sách còn miêu tả cảnh phố chợ đông đúc, trên bến dưới thuyền của Cần Thơ. Ở các địa phương khác như Cái Răng, Ô Môn, tác giả đều có mấy vần thơ khen ngợi. Mới hay thời đó, Cái Răng đã có “phố lầu hai dãy”, “trường hát rộng thinh”; “Chợ Phong Ðiền nhóm quá đông”…

Và như đã biết, năm 1917, học giả Phạm Quỳnh khi đến Cần Thơ đã lấy làm thú vị trước sự sung túc nơi đây. Trong cuốn “Một tháng ở Nam Kỳ” ông đã gọi Cần Thơ là “xứng tên làm tỉnh đầu miền Tây”. Danh xưng Tây Ðô cũng được nhắc nhiều từ đây.

“Monographie de la province de Cần Thơ” là quyển địa chí do Hội Nghiên cứu Ðông Dương viết, ấn bản năm 1904. Tài liệu này ghi nhận thời điểm đó, đường tự nhiên (có thể hiểu là đường mòn) còn rất ít, phần nhiều là đường rải đá và đường đất thấp. Theo sách liệt kê, đường từ Cần Thơ đi Cái Răng có 5km rải đá, Cần Thơ đi Bình Thủy và phía trên là phía Long Xuyên đã có 5,5km rải đá, 13,5km đất thấp, 9km là đường tự nhiên; tương tự đường đi Phong Ðiền, Ô Môn, các đường nội thôn, làng cũng đã khá chỉn chu. Ghi nhận thời điểm năm 1904, Cần Thơ đã có tốp 10 chợ lớn được ghi nhận, đứng đầu là chợ Cần Thơ (làng Tân An, tổng Ðịnh Bảo), kế là chợ Cái Răng (làng Thường Thạnh, tổng Ðịnh Bảo), chợ Phong Ðiền (làng Nhơn Ái, tổng Ðịnh Bảo), chợ Bình Thủy (làng Long Tuyền, tổng Ðịnh Thới), chợ Ô Môn (làng Thới Thạnh, tổng Thới Bảo)…

***

Những cứ liệu này cho thấy quá trình “đô thị hóa” ở Cần Thơ diễn ra trong thời gian dài nhưng nhanh chóng. Quá trình ấy bắt đầu từ việc khẩn đất, khai hoang đến sinh cơ, lập nghiệp. Ngày nay, TP Cần Thơ đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với vị trí, vai trò là trung tâm của miền Tây Nam Bộ. Cần Thơ vẫn giữ vẻ đẹp sầm suất, nhộn nhịp của phố thị và vẫn đang phát triển từng ngày, từng ngày…

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết